Cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên của Việt Nam nằm ở nơi ít người biết: Nhìn ảnh ai cũng tưởng ở nước ngoài

( PHUNUTODAY ) - Cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên của Việt Nam nằm ở nơi ít ai nghĩ đến, không phải Hà Nội hay Sài Gòn, nó được xem là biểu tượng cho sự hiện đại tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam có một bước tiến đáng kể, nhiều công trình nổi tiếng được nhiều người biết đến. Cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên của Việt Nam nằm ở nơi ít ai nghĩ đến, không phải Hà Nội hay Sài Gòn, nó được xem là biểu tượng cho sự hiện đại tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Cây cầu vượt ba tầng đầu tiên ở Việt Nam

cau-vuot-3-tang-3

Cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế được khởi công xây dựng vào ngày 29/3/2013 với tổng mức đầu tư gần 2.051 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức Xây dựng – Chuyển Giao (Hợp đồng BT) nhằm triển khai kế hoạch lập lại trật tự an toàn hành lang đường sắt đã được phê duyệt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007.

Sau 18 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2015 nhân dịp chào mừng 40 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng. Đây là công trình được tổ chức thi tuyển kiến trúc với sự tham gia của nhiều đơn vị Tư vấn có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế xây dựng cầu, đường bộ ở cả trong nước và trên thế giới.

Phương án Kiến trúc được phê duyệt của nút giao thông ngã ba Huế trên văn hóa của người Chăm cổ xưa trên vùng đất Đà Nẵng. Ý tưởng kiến trúc tổng thể của nút giao ngã ba Huế gồm trụ tháp hình parabol và vòng xuyến tròn bao quanh, hình dáng cách điệu cho biểu tượng Linga và Yoni của thần Silva (chúa tể của muôn loài), tượng trưng cho sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của nhân loại.

Nút giao thông nơi đây rất quan trọng không chỉ với Đà Nẵng mà còn là với cả tiểu vùng ba tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế. Trước đây nó từng là cửa ngõ duy nhất để đi đến khu vực quận Liên Chiểu, đèo Hải Vân – con đường độc đạo đi đến Huế từ trung tâm Đà Nẵng và Quảng Nam. Cũng bởi vậy mà cây cầu được đặt tên “Ngã ba Huế”.

Ngoài ra, tuyến đường này còn có ý nghĩa lớn với tuyến đường sắt Bắc – Nam. Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu di chuyển qua khu vực ngã ba Huế. Trước khi cầu vượt 3 tầng được xây lên, tình trạng ùn tắc xảy ra liên tục mỗi lần tàu đi qua. Đi cùng với đó, tình trạng tai nạn giao thông cũng rất nhức nhối. Với chiều cao lên đến 65m với ba tầng giao thông có các nhánh rẽ vòng xuyến có đường kính lên đến 150m, cầu vượt Ngã ba Huế từng được xem là công trình hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hoàn thành, xác lập kỷ lục cây cầu vượt ba tầng đầu tiên của Việt Nam. Việc hoàn thành cầu vượt ngã ba Huế góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông tuyến Quốc lộ 1A giao với đường sắt Bắc Nam,đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố, thu hút du lịch và thương mại.

Một số công trình biểu tượng đô thị Việt Nam

+ Khuê Văn Các

Khuê Văn Các là công trình biểu tượng của Hà Nội. Khuê Văn Các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”) nằm trong quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long nhà Nguyễn. Đây là một công trình nhỏ nhưng có kiến trúc đặc sắc và có giá trị nhân văn, tư tưởng cao. Vật liệu xây dựng là gỗ và gạch, mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Khuê Văn Các cùng quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Khuê Văn Các là biểu tượng chính thức của thủ đô Hà Nội và là hình ảnh trên biển tên đường phố của nội đô Hà Nội.

+ Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình

Đây là công trình biểu tượng của thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình). Công trình khởi công năm 1979 và hoàn thành năm 1994 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Đây là công trình đánh dấu sự trưởng thành trên con đường xây dựng đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam. Vào thời điểm hoàn thành, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là công trình thuỷ điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hình ảnh đập nước nhà máy đã trở thành logo biển tên đường phố thành phố Hoà Bình.

+ Bảo tàng Việt Bắc

Bảo tàng Việt Bắc nay là Bảo tàng Lịch sử Văn hoá các dân tộc Việt Nam là công trình biểu tượng của thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) - nơi được mệnh danh là “thủ đô kháng chiến”. Công trình được xây dựng trong những năm 60 của thế kỷ trước, do kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế; trong hoàn cảnh miền Bắc “vừa chiến đấu, vừa xây dựng” khi đất nước chưa thống nhất. Bảo tàng Việt Bắc là công trình văn hoá lớn nhất thời bấy giờ. Công trình có giá trị kiến trúc cao với phong cách hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Hiện Bảo tàng Lịch sử Văn hoá các dân tộc Việt Nam là 1 trong 7 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng quốc gia duy nhất không nằm ở thành phố lớn.

+ Tượng đài Trần Hưng Đạo

cau-vuot-3-tang-7

Tượng đài là một công trình biểu tượng mới của thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt ở Quảng trường Ba Tháng Hai, bên hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định, quê hương Hưng Đạo Đại Vương. Đây là một trong những công trình có giá trị nghệ thuật cao, là thành công lớn của ngành điêu khắc ngoài trời Việt Nam nói chung, nghệ thuật tượng đài nói riêng. Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất với trọng lượng khoảng 21,6 tấn, có chiều cao 10,22m, đặt trên bệ cao 6,5 m. Tác giả thiết kế mẫu tượng là họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên; thi công: cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn ở Đồng Nai, bắt đầu thực hiện năm 1997, hoàn thành năm 2000. Tượng đài Trần Hưng Đạo là điểm đến hàng đầu của du khách khi tới thành phố Nam Định. + Cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, nằm trên tuyến quốc lộ 1 Bắc - Nam là công trình biểu tượng của thành phố Thanh Hoá và cả tỉnh Thanh Hoá. Cầu được khởi công xây dựng năm 1962, hoàn thành năm 1964; sau khi cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 bị phá huỷ trong chiến tranh. Đây là cây cầu kết cấu thép dành cho cả đường bộ và đường sắt. Cầu Hàm Rồng là chứng tích lịch sử oai hùng của quân và dân Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, trong những năm 1960-1970 là trọng điểm đánh phá của Không lực Hoa Kỳ. Tại trận địa cầu Hàm Rồng, phòng không và không quân Việt Nam đã bắn rơi hơn 100 máy bay. Năm 1972 cầu bị bom đánh sập, và sau đó được tái thiết vào năm 1973. Ngày nay cầu Hàm Rồng là một di tích lịch sử vô giá và là điểm tham quan hàng đầu ở thành phố Thanh Hoá.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link