Cha mẹ bất cẩn, con bị chó cắn nát mặt, trâu đâm thủng bụng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ phải hứng chịu cái chết thương tâm mà thủ phạm lại chính là những con vật “cưng” trong gia đình.

Những con vật nuôi thân thuộc trong nhà có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm, gây thương tích cho trẻ bất cứ lúc nào nếu người lớn bất cẩn không để ý trông chừng. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp trẻ phải hứng chịu cái chết thương tâm mà thủ phạm lại chính là những con vật “cưng” trong gia đình.

Bé gái 8 tuổi bị chó cắn nát mặt

Đây là vụ tai nạn thương tâm do vật nuôi gây ra mới đây tại Tây Ninh. Người nhà nạn nhân cho biết, trong lúc chó đang ăn, bé gái mon men đến gần. Theo bản năng tự nhiên, sợ mất phần, con chó lao vào cắn xé bé gái.

Mô tả ảnh.
Hình ảnh thương tâm bé gái bị chó nhà cắn.

Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP HCM trong tình trạng hoảng hốt, kêu la, mặt nhiều vết thương, lồi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt lìa, chảy nhiều máu. Các bác sĩ đã trấn an tinh thần, sát trùng, cắt lọc vết thương, khâu vành tai, vá khuôn mặt cho bé gái.

Tuy nhiên, các bác sỹ cũng cho hay, vết thương do chó cắn thường rất nham nhở, sau lành thương để lại nhiều sẹo co rút, mất thẩm mỹ.

Bé trai bị trâu húc lòi ruột

Sự việc thương tâm này xảy ra đầu tháng 9 vừa qua. Bệnh nhân là cậu bé 12 tuổi, người Campuchia. Theo người nhà nạn nhân, sáng 2/9 cậu bé dắt trâu đi chăn, không hiểu vì lý do gì con trâu bất ngờ lồng lên rồi lao tới dùng cặp sừng đánh người.

Cú húc chí mạng khiến cậu bé bị sừng trâu đâm thủng vùng ngực bụng, khi mọi người tới ứng cứu thì phát hiện ruột non của nạn nhân đã lòi ra ở thành bụng. Cậu bé được sơ cứu tại chỗ bằng cách úp chiếc bát lên vùng ruột bị lòi ra, sau đó chuyển đến bệnh viện Hậu Nghĩa, Long An.

Mô tả ảnh.
Bé trai bị trâu húc lòi ruột.

Sau khi thăm khám, xác định những tổn thương của bệnh nhân rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, bác sĩ tiếp tục chuyển bệnh nhi lên bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi để tiếp tục điều trị. Sau cuộc hội chẩn khẩn cấp toàn bệnh viện, bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Ê kíp phẫu thuật ghi nhận, bệnh nhân bị gãy xương sườn, đứt rời đuôi tụy và cuống lách, vỡ cơ hoành, rách dạ dày và ruột non. Các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ toàn bộ lách và một phần tụy của bệnh nhân đồng thời khâu những thương tổn ở ruột, dạ dày, thành ngực, bụng do sừng trâu gây nên.

Bé trai sơ sinh bị mèo cào hàng chục nhát trên người

Bé trai sơ sinh này là con của sản phụ Nguyễn Thị Hồng Đào (20 tuổi) ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Khi nhập viện, trên người bé có rất nhiều vết trầy xước, nặng nhất là đùi, mông, lưng, toàn thân dính đầy cát. Bệnh viện đã khâu trên 30 mũi do có nhiều vết thương hở gây mất máu cho bé.

Mô tả ảnh.
Bé trai sơ sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, toàn thân có nhiều vết mèo cào.

Được biết, trước đó, chị Đào ra sau nhà để đi vệ sinh lúc gần nửa đêm nhưng người mẹ trẻ đã sinh rớt con trai nặng hơn 4kg. Sản phụ lúng túng đặt con lên bãi cát rồi ngất xỉu. Do nằm nhiều giờ trên bãi cát nên cháu bé đã bị chó mèo cào cấu.

Ngoài bị chó cắn, mèo cào, trâu húc... còn có rất nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt, rắn cắn gây nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình là trường hợp bé L. G. B. 10 tuổi bị 60 con ong vò vẽ đốt biến chứng suy gan, suy thận, tiểu huyết sắc tố.

Mô tả ảnh.
Em B. được theo dõi và lọc máu liên tục để cải thiện tình trạng suy đa cơ quan do 60 vết ong đốt gây ra.

Động vật, kể cả những vật nuôi trong nhà có thể cắn, húc, đốt trẻ và có thể gây nhiều thương tích nguy hiểm như chảy máu, rách da, gãy xương và gây nhiễm độc dẫn đến chết người. Trẻ dễ bị những thương tích này vì bản tính trẻ hiếu động, tò mò hay trêu chọc súc vật mà chưa lường hết được sự nguy hiểm có thể xảy ra.

Điều đáng buồn là mặc dù tai nạn thương tích nhiều như vậy nhưng rất nhiều người trông trẻ vẫn bất cẩn để tình trạng này tái diễn. Kể cả khi phát hiện trẻ bị thương tích thì công tác sơ cứu, cấp cứu là vô cùng chậm trễ do tâm lý chủ quan, coi thường vật nuôi trong gia đình không thể là nguyên nhân gây tử vong.

Trẻ bị chó mèo dại cắn thường dẫn đến cái chết nếu không được tiêm phòng kịp thời. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ bị chó, mèo cắn cần tiến hành sơ cứu rửa vết cắn bằng nhiều nước sạch và xà phòng. Nếu trẻ bị chấn thương phần mềm, phủ lên vết thương một miếng vải sạch và băng lại. Nếu nghi trẻ bị gãy xương, trật khớp cần cố định chỗ nghi gãy, chỉ di chuyển trẻ nếu thật cần thiết. Tình trạng trẻ bất tỉnh cần nhanh chóng làm hô hấp nhân tạo. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Đồng thời, nhốt cách ly con vật đã cắn, theo dõi trong khoảng 7 – 10 ngày và phải diệt ngay nếu phát hiện chúng có biểu hiện dại: bỏ ăn, yếu, sủa khàn, rú bất thường, sùi bọt mép…

Để phòng tránh trẻ nhỏ bị động vật cắn, húc gây tai nạn, thương tích, các bậc cha mẹ ngoài việc lưu tâm để mắt đến con cái cần sớm giáo dục trẻ phòng tránh và sơ cấp cứu trong từng trường hợp. Nếu thấy chó lạ, tuyệt đối không chạy hoặc hét lên, cách tốt nhất là đứng im không động đậy, không nhìn vào mắt nó. Nếu bị chó xô ngã hãy nằm thẳng ra, im lìm như khúc gỗ, hai tay ôm đầu và che mặt đến lúc chó bỏ đi.

Đồng thời, hướng dẫn trẻ vui chơi an toàn, đảm bảo khu vực nhà ở, sinh hoạt và vui chơi của trẻ an toàn không có các yếu tố nguy cơ bị động vật cắn.

Xót thương bé gái 8 tuổi bị chó cắn nát mặt
Trong lúc con chó đang ăn thì bé gái mon men đến gần chơi. Theo bản năng tự nhiên, sợ mất phần, con chó lao vào cắn xé bé gái.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn