Trong dân gian vẫn truyền tụng câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" hay "Mùng năm, mười bốn, hai ba, đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn" để chỉ những ngày xấu, không may mắn.
Tuy nhiên nguồn gốc cũng như sự đúng đắn của câu nói này thì không phải ai cũng biết.
Ông Trần Ngọc Kiệm, chuyên gia phong thủy cho biết, sở dĩ có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày "Tam Nương sát". "Thượng tuần sơ Tam dữ sơ Thất (đầu tháng ngày 3, ngày 7), trung tuần Thập tam Thập bát dương (giữa tháng ngày 13, 18), hạ tuần Chấp nhị dữ Chấp thất (cuối tháng ngày 22, 27", đó là những ngày được cho là xuất hành hoặc khởi sự đều vất vả, không được việc.
Ngoài ra, người Việt Nam cũng có quan niệm cho rằng, vào những ngày đó, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc... Đồng thời, đó cũng là một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.
Còn các ngày 5, 14, 23 lại được cho là ngày Nguyệt kỵ. Các ngày này cộng lại đều bằng 5, dân gian thường gọi là ngày "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.
Ông Kiệm cũng cho biết thêm, phi tinh trong cửu cung bát quái gồm có nhất bạch, nhị hắc, tam bích, tứ lục, ngũ hoàng, lục bạch, thất xích, bát bạch, cửu tử. Trong số cửu tinh này thì sao ngũ hoàng (thuộc trung cung) được cho là xấu nhất, vận sao ngũ hoàng bay tới đâu mang họa tới đó. Cứ theo phi tinh 9 cung lại quay trở về ngũ hoàng.
Đặc biệt nhất là ngày 5 tháng 5 (trùng lặp Ngũ hoàng thổ), người ta thường nói "nen nét như rắn mùng 5". Vào ngày này rắn không ra khỏi mà bởi vì thời gian đó phương lực ly tâm từ Trái Đất kết hợp với lực hấp dẫn từ Mặt Trăng, hướng tâm từ Mặt Trời và vũ trụ không bình thường gây cho rắn run sợ, ù tai, hoa mắt không dám ra ngoài. Tương truyền ai chặt được đầu rắn mùng 5 ra đường sẽ gặp nhiều may mắn.
Lương y Vũ Quốc Trung - người đã dày công nghiên cứu và từng xuất bản sách về chủ đề này lại lý giải ở một góc độ khác. Ông Trung cho rằng, số 3, 7 trong câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" chỉ là một sự ước lệ, ám chỉ những ngày lẻ. Bởi quan niệm truyền thống cho rằng, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp. Do đó, làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Còn số 5, 14, 23 là số chỉ dành cho vua chúa. "Có thể xuất phát từ việc không muốn dân thường dùng chung ngày với mình nên các bậc vua chúa mới đặt ra câu nói ấy".
Mặc dù lý giải những ngày Tam nương, Nguyệt kỵ là xấu song các nhà nghiên cứu đều cho rằng cho đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng đây là những ngày xui xẻo, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ quan niệm của dân gian. Chính vì vậy mọi người cũng không nên quá câu nệ, lệ thuộc dễ gây hỏng việc, đồng thời sa đà vào những trò mê tín dị đoan.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại cởi mở, nhiều người không còn đặt nặng vào tục kiêng kỵ như trước đây. Với mọi người, ngày 7, ngày 3, mùng 5, 14, 23 cũng là một ngày bình thường và nhiều người vẫn chọn để làm những việc quan trọng. Và thực tế cuộc sống cho thấy rằng, không phải cứ câu dân gian nào cũng áp dụng vào đời sống hiện đại, nhất là lại áp dụng máy móc lại càng không hợp.