Chồng bắt vợ quỳ dưới bàn thờ thề độc vì mất 20.000 đồng

10:28, Thứ năm 12/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chị H.K.N (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) đã từng bị chồng bắt quỳ và thề độc trước bàn thờ gia tiên khi nhà bị mất... 20.000 đồng!

Sau mỗi cánh cửa là những câu chuyện gia đình. Với nhiều hình thức bạo hành, bạo lực gia đình vẫn có “đất” để âm thầm diễn ra dưới mỗi nếp nhà.

Trong đó ngoài nguyên nhân xuất phát từ hành vi, lối sống của chồng hoặc vợ, suy nghĩ “vì con cái” và chuyện xấu thì “đậy lại” đã khiến cho người phụ nữ bị bạo hành chấp nhận cam chịu…

Công tác ở Hội Phụ nữ phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) nhiều năm, chị Kiều Thị Hoa đã tham gia giải quyết rất nhiều trường hợp bạo lực gia đình. Hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ và họ thường bị đánh đập rất dã man với những nguyên do như chồng rượu chè hoặc ghen tuông. Trường hợp của chị T.T.H ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ. Anh chồng nghiện rượu, cứ mỗi lần say rượu là đuổi vợ con ra khỏi nhà. Không ít lần chị H. và các con phải ngủ ngoài hiên nhà suốt đêm vì chồng đóng cửa không cho vào nhà.

Song kinh khủng hơn cả là anh ta cứ lè nhè chửi vợ suốt đêm bằng những từ ngữ tục tằn nhất, thậm chí lôi cả bố mẹ, họ hàng nhà vợ ra chửi. Chị H. ở nhà làm vườn, không đi làm nên còn thường xuyên bị chồng kiểm soát về kinh tế, mỗi khi nhà cần chi khoản tiền gì đó là anh ta lại đay nghiến vợ là “ăn bám, chỉ biết phá tiền”. Còn chị H.K.N (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) đã từng bị chồng bắt quỳ và thề độc trước bàn thờ gia tiên khi nhà bị mất... 20.000 đồng!

gia-dinh

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) thường lồng ghép tuyên truyền về

phòng chống bạo lực gia đình khi có dịp đến thăm hỏi gia đình hội viên . Ảnh: Nguyễn Xuân

Điều đáng nói là có nhiều vụ bạo hành mà đến cả những người hàng xóm, sống sát vách cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi cán bộ hội phụ nữ cơ sở sau khi được nạn nhân tìm đến chia sẻ, cầu cứu và trực tiếp đến làm công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động thì tổ dân phố mới biết.

Đơn cử như câu chuyện của chị U. ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột), mỗi lần đánh vợ là người chồng đóng kín cửa phòng trọ nên chị U. bị hành hạ trong thời gian dài mà chủ nhà trọ, khối phố đều không hay biết. Trên người có vết thâm tím thì chị U. lại nói dối là bị ngã hay té xe gì đó.

Nhiều gia đình nhìn bề ngoài ai cũng tưởng hạnh phúc khi cả vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định, con cái khỏe mạnh, cuối tuần cả nhà xúm xít chở nhau đi siêu thị, ăn nhà hàng. Nhưng chỉ đến khi họ đâm đơn ra tòa, mỗi người mỗi ngả, tài sản phân chia thì hàng xóm, bạn bè, người thân mới té ngửa, hóa ra hạnh phúc bấy lâu chỉ là cái vỏ bọc bề ngoài. Ấy là câu chuyện của gia đình chị B., trước đây thuê trọ tại phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Theo lời chị B., khác với vẻ lịch sử, hào nhoáng bề ngoài, mỗi lần người chồng nói mà chị làm phật ý, nếu không bị đánh thì chị cũng phải chịu đựng những lời chửi bới thậm tệ. Thậm chí chị còn phải chịu đựng đến mức giữa đêm khuya chồng gọi điện bắt mang tiền để trả tiền “bo gái” chị cũng đành chấp nhận làm theo nếu không chị biết chắc đêm đó chị sẽ không thoát khỏi những cái tát nổ đom đóm mắt.

Những cán bộ hội phụ nữ thừa nhận những vụ việc họ can thiệp hoặc nạn nhân đến cầu cứu là những trường hợp đã quá sức chịu đựng, trên thực tế vì con cái, vì danh tiếng và sợ xấu hổ nên nhiều chị em vẫn chấp nhận chịu đựng. Chị Trần Thị Phong, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) bộc bạch: “Một trong những trở ngại lớn nhất đến từ chính nhận thức, quan niệm của phụ nữ. Nhiều chị em vẫn còn tính mặc cảm, tự ti, an phận và quan niệm “xấu chàng hổ ai” nên đa số chị em là nạn nhân bạo lực gia đình thường chọn giải pháp im lặng, âm thầm chịu đựng, không nhờ sự can thiệp của chính quyền hay đoàn thể địa phương. Cũng chính vì tâm lý e ngại như thế nên dù đã xây dựng các mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” song vẫn chưa có nhiều chị em tìm đến”.

Trong quá trình về tận các chi hội để tuyên truyền, nhiều cán bộ hội phụ nữ cho biết hầu hết chị em đều nói rằng nhà mình không có bạo lực gia đình. Nhưng khi được giới thiệu về các nhóm hành vi bạo lực gồm: tình dục, kinh tế, thể chất và tinh thần; cộng với những phân tích, tâm tình chia sẻ gần gũi thì nhiều chị đã mở lòng, bày tỏ và nhận ra rằng gia đình mình có lúc, có những hành vi bạo lực gia đình. Bản thân chị em cũng nhận ra rằng họ cũng phải chủ động tự vệ cho mình bằng cách phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện mối quan hệ trong gia đình, ứng xử khéo léo hơn nữa trong chăm sóc chồng, con.

Những người trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, vận động phòng chống bạo lực gia đình cho hay nhiều vụ việc bạo lực được đưa ra và cộng đồng biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 1.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 75% số vụ. Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì nạn nhân đã bị bạo hành trong một thời gian rất dài và chỉ nhờ quyền địa phương, cơ quan chức năng can thiệp khi đã lâm vào “đường cùng” hoặc bạo hành gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoại trừ những trường hợp bạo hành về thể xác có thể dễ phát hiện, nhiều hình thức bạo hành về tinh thần khiến nạn nhân và những người xung quanh bị dày vò đến khốn khổ…

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: