Chửa ngực và những điều chị em cần lưu ý

15:20, Thứ ba 14/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong những tháng đầu của thai kỳ, vòng một của mẹ bầu to lên nhanh chóng, nhiều khi nó còn vượt cả vòng bụng. Đây là hiện tượng chửa ngực, nó không gây hại cho thai nhi và cũng không gây thiếu sữa, nhưng đôi khi làm cho các mẹ bầu không thoải mái.

Mơi mang thai được 20 tuần mà chị Hoa (Từ Liêm, HN) đã lo lắng vì bộ ngực ngày càng phát triển ngồn ngộn, trong khi bụng thì chưa thấy mấy. Chị chia sẻ: “Từ khi mới có thai thì ngực mình đã phát triển dữ dội, đến nay 20 tuần thì ngực đã tăng 10cm (từ 83cm lên 93cm), trước đây ngực đã khá lớn, nay trông vĩ đại đến phát sợ. Tạng người mình khá gọn gàng, nhưng ngực lại lớn quá khiến mình mặc đồ rất xấu hổ. Mọi người bảo mình bị "chửa ngực". Mấy chị trong cơ quan còn bảo "nhìn cứ ngồn ngộn ra", làm mình buồn không thể tả. Không biết sau này cho con bú xong ngực có nhỏ lại như cũ không, và có bị sệ không?”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Chị Loan (Long Biên, Hn) mang thai đến lần thứ 2 rồi vẫn bị chửa ngực. Mặc dù đã từng chửa ngực lần sinh con trước nhưng đến lần này chị vẫn chưa thể quen được cảm giác căng tức khó chịu: “Mình đang bầu tập 2. Cả tập 2 và tập 1 mình đều bị chửa ngực. Chân tay thì vẫn thế, chỉ ngực và bụng là to lên. Nhìn ngực mình bây giờ mới như bơm silicon Mấy chị mang bầu quanh nhà mình ai cũng phải có bụng lớn mới bắt đầu thay áo ngực. Thế mà mình mới có thai 8 tuần, bụng chưa thấy gì mà ngực đã tăng từ 34b lên 34c, và đang ngấp nghé lên 34d. Ngực căng làm khó chịu quá chừng.” Sự phát triển quá lớn của vòng 1 còn khiến cho đôi gò bồng đảo của chị Loan chằng chịt các vết rạn đỏ, rất ngứa ngáy và khó chịu.

Nhiều phụ nữ có vòng một phát triển quá lớn khi mang bầu (dân gian thường gọi là chửa ngực) còn mang nhiều những phiền toái khác như đau lưng, đau đầu, mỏi mệt, đau cơ. Họ còn mang theo các nỗi lo vô hình trước các lời đồn đại như “mẹ ăn bao nhiêu thì đổ hết vào ngực, con đâu còn dinh dưỡng”, “ngực to sẽ cho ít sữa”…

Tuy nhiên, các  chị em gặp trường hợp này cũng đừng quá lo lắng. Vì chửa ngực là hiện tượng thường gặp ở thai phụ trong thời kỳ đầu bầu bí. Theo BS Quốc Tuấn, Khoa Sản, BV Từ Dũ TPHCM, kích thước, hình dáng của "đôi gò bồng đảo" chủ yếu do mô mỡ quyết định. Trong suốt thai kỳ, do sự kích thích của các nội tố trong cơ thể, các mạch máu ở tuyến vú phình to, mô mỡ tăng lên. Đồng thời, các ống dẫn sữa cũng phát triển mạnh để chuẩn bị cho khả năng tiết sữa gây nên hiện tượng chửa ngực.

Và cũng trái với những lời đồn thổi, bầu ngực thai phụ to hay nhỏ không quyết định lượng sữa. Ngực phát triển cực đại trong thời kỳ mang thai cũng hoàn toàn không có hại gì tới thai nhi. Kích thước của bầu ngực sẽ thu nhỏ dần sau giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, có thể ngực sẽ không còn săn chắc như trước khi mang thai do thiếu hụt nội tiết tố estrogen.

Và một điều chắc chắn nữa là nếu trong lần mang thai đầu tiên, bạn bị “chửa ngực” thì trong những lần mang thai tiếp theo, bạn cũng sẽ gặp phải hiện tượng này.

Những lưu ý khi mắc chứng chửa ngực

Để tạo cảm giác thoải mái, bạn nên mặc áo ngực vừa vặn, chất liệu cotton, có độ nâng tốt, không có gọng cứng và vệ sinh ngực mỗi ngày sạch sẽ.

Để tránh bị khó thở do “chửa ngực”, bạn nên đứng ngồi thẳng lưng, nằm nghiêng khi ngủ hoặc đặt gối nâng đầu và ngực lên cao.Tuy nhiên, nếu bị khó thở kéo dài, bạn nên đi khám cụ thể.

Massage nhẹ nhàng vùng ngực để giúp máu lưu thông tốt hơn và xoa dịu cảm giác căng tức ngực. Tránh massage ngực trong những tháng đầu thai kỳ vì dễ gây hiện tượng co thắt tử cung.

Chườm lạnh hoặc tắm vòi hoa sen để cải thiện lưu thông huyết mạch, giúp ngực bớt căng, đau. Đắp lá bắp cải lạnh lên ngực khi thư giãn, nghỉ ngơi cũng là một cách hay để bạn giảm cảm giác đau ngực.

Bạn cần nhớ rằng “chửa ngực” là biểu hiện thai kỳ mà không ai có thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn hãy thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh thường xuyên bầu ngực của mình và giữ tâm trạng thoải mái. Sau khi sinh và cho con bú, hiện tượng này sẽ biến mất, ngực của bạn sẽ dần khôi phục lại hình dáng tuy rằng khó có thể săn chắc như trước khi mang thai.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy