Ba mẹ con H’Ruk trong góc bếp nghèo. Ảnh: Thanh niên |
Chị mất tích, em thế chân
Chàng rể Alê Bhuar người cùng xã đã vượt qua “sát hạch”, vượt qua đám trai trong buôn để nhận được cái gật đầu của cô gái H’len tuổi đôi mươi. Rượu, thịt ê hề, người của buôn vui chơi đến hai ngày mới vãn. Đùng một cái, một buổi H’len đi rẫy rồi không thấy về. Mọi người tất tả đi tìm nhưng đến hai con trăng lặn cũng không thấy.
Alê Bhuar đi khắp nơi trong vùng, lên cả rừng tìm vợ như người mất hồn, nghĩ rằng hay vợ mình bị lạc? Nhưng rồi anh lại nghĩ: vợ mình lên nương lên núi mòn cả tay chân thì sao lạc được. Alê Bhuar chọn cách cuối cùng là ở nhà chờ vợ. Nhưng chờ đến hơn hai tháng, thức xọp người, bầu bạn của Alê Bhuar những ngày này là những ghè rượu uống cháy cổ.
Ai đó trong buôn Tang buông lời: “Nhà H’len phải đền vợ cho thằng Alê Bhuar rồi!”. Đền là phải bò, phải heo, phải gà, rượu nữa. Nhà H’len hết cả của cải sau lễ cưới. Ngày thực hiện lệ làng càng đến gần. Bố H’len nghĩ mãi, cuối cùng quả quyết: Con H’len đi lâu như thế là nó không về nữa rồi. Thằng Alê Bhuar nói chuyện đòi vợ rồi, cưới con H’Ruk cho nó thôi.
Năm ấy, H’Ruk mới lên mười. Đám cưới mà chàng rể chẳng ai khác là Alê Bhuar 24 tuổi và cô dâu là H’Ruk đang ngây ngô tuổi chơi tuổi lớn. Đem vòng tay (vật đính ước) mà anh rể mới trao, cô hồn nhiên khoe với người làng. Mọi người trong buôn lại được một phen no say.
Cô bé H’Ruk cười vang một góc nhà, bước xuống cầu thang ra chơi với chúng bạn trong buôn mà chẳng thể biết được cơn khổ từ đây đã trói cuộc đời mình.
Những ngày buồn
Ksor H’Ruk không hiểu sao sau bữa người trong buôn vui chơi uống rượu ca hát xong, cô phải đi theo anh rể Alê Bhuar như cái bóng. Ngày trước cô vẫn thường hay lên rẫy với ba mẹ, giờ Alê Bhuar dẫn cô đi. Chăn bò, lấy củi, quanh cô lúc nào cũng có anh rể. Mãi rồi cũng thành quen. Chỉ người trong buôn và ba mẹ cô là khác, nhìn H’Ruk ngày càng ra dáng thiếu nữ, mắt họ ngấn buồn. H’Ruk vẫn hồn nhiên, chỉ thỉnh thoảng đỏ mặt chạy đuổi đánh đám trai gái cùng lứa khi chúng trêu cô và anh rể là… vợ chồng! Những chuyện này, mỗi tối cô đều háo hức kể cho anh rể nghe, còn cả nhà ngồi lặng im.
Hơn 13 tuổi, H’Ruk đã ra dáng thiếu nữ. Bố mẹ H’Ruk cắt một khoảnh đất, dựng nhà, bảo cô và anh rể Alê Bhuar ra ở. Bấy giờ cô mới hiểu những lời trêu đùa của đám trẻ trong làng. Cô còn muốn đi chơi với đám bạn, còn muốn vui với chúng trong những dịp hội làng. Cô thiếu nữ chưa kịp vui đã trở thành đàn bà.
H’Ruk kể đã có lần cô khóc chạy về nhà xin ở lại, không quay về nhà nữa. Mẹ cô nói: “Mày muốn bỏ chồng phải có 2 con trâu. Không có trâu thì có 3 con bò đền cho nó. Mày có thì mày đền đi, tao không có đâu”. Cô hiểu, ước mong được quay về nhà đã thành tuyệt vọng từ ngày cả nhà thực hiện tục “nối dây” cho cô với anh rể.
Bốn đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo oằn lưng H’Ruk như chính cuộc đời cô vậy.
Anh rể - chồng của H’Ruk ít khi ở nhà. “Nó ở luôn trên rẫy, ít nói lắm”, H’Ruk nói. Vì hủ tục, họ đành chấp nhận con đường đi cùng nhau như món nợ đời cần phải trả, đến nay đã 27 năm rồi. Khi ánh tà dương cuối cùng khuất bóng sau dãy núi mờ xa, H’Ruk bảo chúng tôi ra bậc cửa ngồi cho sáng, rồi than: "Làm đàn bà như mình sao khổ quá!".
Tục nối dây Nối dây là một tập tục lâu đời trong một số cộng đồng người bản địa ở Tây nguyên. Theo tục này, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ (có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hoặc người chị vợ già hơn mình rất nhiều) miễn là người đó chưa có chồng. Những người đó gọi là người nối dây. Nếu không còn người để nối dây thì người chồng phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Ngược lại, nếu người chồng mất mà gia đình chồng không muốn mất của cũng phải đưa người (anh trai hay em trai chưa có vợ của người chồng) sang nhà người vợ đã mất để thực hiện tục nối dây. Nhà thơ Văn Công Hùng, một người ở Tây nguyên lâu năm và có nhiều chuyến đi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa bản địa cho biết: “Thực ra tục nối dây là một cách giữ của cải bởi nhiều dân tộc bản địa ở Tây nguyên theo chế độ mẫu hệ. Hiện hủ tục này đã không còn”. |