“Vợ chồng tương kính như tân”, ý tứ chính là vợ chồng cùng tôn kính lẫn nhau như đối với tân khách. Người trẻ ngày nay cho rằng, đã là vợ chồng, đã quá gần gũi, thân thuộc rồi nên không cần câu nệ khách sáo.
Họ cũng cho rằng, vợ chồng tôn kính nhau như khách là không có tình cảm, có khoảng cách và có sự phân biệt. Vì thế, họ dùng cách thức suồng sã để đối đãi với nhau, thậm chí có người vợ còn cho rằng phải “ở trên” chồng một chút mới là thể hiện tầm quan trọng của mình trong gia đình.
Quan niệm “tương kính như tân” của cổ nhân thì có hàm ý là người vợ kính yêu người chồng, người chồng quý trọng người vợ, đôi bên cùng tôn kính lẫn nhau, không xuề xòa, không thất lễ. “Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc”, đó là cách đối đãi giữa vợ và chồng của người xưa.
Bàn về đạo vợ chồng, trong “Lễ Ký. Ai Công vấn” cũng có ghi lại câu chuyện: Một lần, quốc quân Lỗ Ai Công của nước Lỗ đàm chuyện cùng Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Tam đại thánh thời cổ đại là Nghiêu, Thuấn, Vũ, lúc cầm quyền một mực đều tôn trọng thê tử, thuận theo đạo vợ chồng. Bởi vì mối quan hệ với thê tử là mối quan hệ chính yếu nhất trong các mối quan hệ thân tình, vậy thì sao có thể không tôn trọng thê tử được?” Câu chuyện thể hiện cái nhìn của cổ nhân về mối quan hệ vợ chồng cũng như vị thế của người vợ trong xã hội xưa.
Vợ chồng Khích Khuyết “tương kính như tân”
Về nguồn gốc của câu thành ngữ “Tương kính như tân”, có câu chuyện như sau:
Tấn Văn Công là một trong năm ngũ bá nổi tiếng thời Xuân Thu. Em trai của Tấn Văn Công là Tấn Huệ Công có vị thầy giáo tên là Khích Nhuế.
Sau khi Tấn Huệ Công qua đời, Tấn Văn Công về nước lên ngôi, không nhường lại ngai vàng cho con trai của Huệ Công. Khích Nhuế trước kia hầu hạ Tấn Huệ Công, nay vì sợ Tấn Văn Công hãm hại bèn cùng với một cựu thần âm mưu sát hại Tấn Văn Công, nhưng không thành. Cuối cùng Khích Nhuế và cựu thần kia bị xử tử, gia tộc họ vì vậy cũng bị giáng hạ thành bậc thứ dân.
Một hôm, đại thần Cựu Quý của Tấn Văn Công phụng mệnh ra ngoài. Trên đường đi ngang qua đất Ký thì thấy một chàng trai trẻ tuổi đang làm cỏ ngoài ruộng. Cựu Quý nhận ra người này chính là Khích Khuyết, con trai của Khích Nhuế.
Đúng lúc này, Cựu Quý nhìn thấy vợ của Khích Khuyết mang cơm ra đến đầu ruộng cho chồng. Người vợ liền dùng hai tay nâng bát cơm lên cung kính đưa cho người chồng ăn. Khích Khuyết cũng trang trọng đưa hai tay nhận lấy bát cơm từ người vợ. Trước tiên ông rất mực cung kính bẩm báo trời xanh, cảm tạ ân đức, sau đó ông mới bắt đầu dùng bữa.
Khi Khích Khuyết dùng cơm, vợ ông ngồi một bên, cung kính chờ đợi chồng ăn xong, sau đó mới thu dọn bát đũa. Trong cả bữa ăn trưa ấy, hai vợ chồng họ đối đãi với nhau đoan trang lễ phép như khách quý.
Cựu Quý phụng mệnh về tới cung bèn trịnh trọng tiến cử Khích Khuyết với Tấn Văn Công. Ông nói: “Tôn trọng người khác là biểu hiện điển hình của đức hạnh. Người có thể tôn trọng người khác nhất định là người có đức hạnh. Xin Quân vương bổ nhiệm cậu ta”.
Tấn Văn Công trong lòng có đôi phần không yên tâm, bởi vì dù sao thì cha cậu ta là Khích Nhuế người năm xưa bị chính mình xử tử. Tuy nhiên, Tấn Văn Công vẫn hạ lệnh phong cho Khích Khuyết làm đại phu hạ quân.
Vào thời Tấn Tương Công, Khích Khuyết đã lập công lớn trong trận chiến ở đất Ký. Sau khi giành chiến thắng trở về, Tấn Tương Công liền ban tặng đất Ký cho Kích Khuyết. Cựu Quý cũng được ban thưởng nhờ công lao tiến cử Khích Khuyết.
Sau này Khích Khuyết trở thành trọng thần của nước Tấn, lấy tên hiệu là Thành Tử.
Trương Sưởng vẽ lông mày cho vợ
Thời nhà Hán, Kinh triệu doãn Trương Sưởng là người có tài năng xuất chúng, thành tích hơn người. Nhưng Trương Sưởng hàng ngày đều vẽ lông mày cho vợ nên bị các quan trong triều khinh thường, cho rằng ông là người chìm đắm hưởng lạc niềm vui khuê phòng. Có người còn vì vậy mà bẩm báo lên Hoàng đế.
Kỳ thực, vợ chồng Trương Sưởng vốn là hàng xóm. Thuở nhỏ, Trương Sưởng vô cùng nghịch ngợm. Khi chơi đùa ông đã vô tình ném viên đá trúng vào chỗ lông mày khiến cô bé hàng xóm có vết sẹo dài trên mặt. Khi lớn lên Trương Sưởng vô cùng hối hận. Nghe nói cô bé ấy vì dung nhan bị ảnh hưởng mà khó tìm được mối lương duyên. Vì thế, Trương Sưởng bèn tới hỏi và hai người nên duyên vợ chồng.
Vì vết sẹo trên lông mày ngày xưa nên dung nhan của vợ Trương Sưởng bị ảnh hưởng rất nhiều. Thể là, hàng ngày Trương Sưởng đều tự tay vẽ lông mày cho vợ để che đi vết sẹo ấy. Ngày qua ngày, tay nghề của ông đã trở nên rất thành thục. Tương truyền rằng, ông vẽ lông mày sống động như thực.
Thời ấy, một quan viên thân mang trọng trách lớn mà lại chìm đắm nơi khuê phòng thì quả thực là chuyện ô nhục cho thân phận. Do vậy, Hán Tuyên Đế đã đích thân tới hỏi. Sau khi hiểu rõ sự tình bèn không tiếp tục truy cứu chuyện này nữa.
Câu chuyện Trương Sưởng vẽ lông mày cho vợ đã được lưu truyền rộng rãi cho đến tận ngày nay. Đó cũng là cách đối đãi giữa vợ chồng của người xưa đáng để người đời sau học tập.