Đường mang lại sự ngọt ngào cho các món ăn. Những món đồ có chứa đường luôn được mọi người yêu thích. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều lại làm ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, phụ nữ không nên bổ sung lượng đường không quá 100 calo/ngày (khoảng 25 gram hay 6 thìa cà phê) và nam giới không nên tiêu thụ lượng đường quá 150 calo (khoảng 37,5 gram hay 9 thìa cà phê).
Ăn nhiều đường sẽ đẩy nhanh tốc độ lão hóa của cơ thể đồng thời dẫn đến những bệnh nguy hiểm.
Nếu có những dấu hiệu dưới đây, có thể bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường.
Luôn thèm đồ ngọt
Liên tục thèm đồ ngọt hoặc những loại đồ uống có đường là dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường. Việc sử dụng nhiều đường sẽ làm đường huyết tăng đột biến và dẫn tới một chu kỳ thèm ăn - tiêu thụ đồ ngọt quá mức.
Đường huyết tăng và giảm nhanh hơn khi bạn ăn nhứng món chứa nhiều đường và không bổ sung các thực phẩm chứa những chất khác như protein, chất xơ. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao thường được cơ thể hấp thụ nhanh. Khi đó, đường huyết sẽ tăng lên rất nhanh.
Trong khi đó, tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ, có chỉ số đường huyết thấp thì đường sẽ được hấp thụ chậm hơn và tạo ra phản ứng đường trong máu cân bằng. Một số thực phẩm có chỉ số đường huyết cao rất quen thuộc mà không phải ai cũng để ý tới là bánh ngọt, bánh xốp, bánh rán, kẹo, soda... Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là rau xanh, các loại ngũ cốc...
Sức khỏe răng miệng có vấn đề
Đường là một trong những thủ phạm gây ra vấn đề về sức khỏe răng miệng. Nó có thể gây ra sâu răng. Đường làm vi khuẩn trong miệng phát triển nhanh hơn. Các vi khuẩn này tạo ra một loại axit làm suy yếu men răng, khiến răng dễ bị hỏng.
Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề răng miệng, nguyên nhân rất có thể là do bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường.
Luôn cảm thấy đói và dễ tăng cân
Tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân dẫn đến tăng cân. Lượng đường cao sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất đồng thời ảnh hưởng không tốt tới hệ vi sinh đường ruột.
Đường ruột khỏe mạnh có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đường huyết và mức insulin trong cơ thể. Khi tiêu thụ quá nhiều đường, hệ sinh thái đường ruột sẽ phải làm việc quá sức. Về lâu dài, nó sẽ càng muốn nhiều đường hơn để duy trì sự cân bằng. Bạn càng ăn nhiều đường, cơ thể càng nghĩ rằng nó cần nhiều đường hơn. Khi đó, cơ thể tự phát đi tín hiệu đói và thèm ăn đồ ngọt. Việc này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc tăng cân không kiểm soát.
Lượng đường cao còn có khả năng ức chế leptin - một loại hormone điều chỉnh cơn đói của cơ thể. Khi leptin giảm xuống, nó sẽ làm cơ thể có cảm giác đói và thèm ăn.
Các cơn đau mãn tính
Việc tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn tới những cơn đau mãn tính. Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều đường và chất béo sẽ làm các bệnh nhân viêm khớp gặp tình trạng gia tăng các cơn đau.
Ngoài ra, đường cũng được cho là thủ phạm gây ra chứng viêm. Điều này cũng góp phần dẫn tới tình trạng viêm đau mãn tính.
Cao huyết áp
Ăn nhiều đường có thể dẫn tới tình trạng cao huyết áp của một số người.
Nếu thấy huyết áp tăng, có thể nguyên nhân là do bạn đã tiêu thụ một lượng đường lớn. Đường bổ sung làm tăng axit uric trong cơ thể và gây ức chế sản xuất oxit nitric (NO). NO là chất cần thiết để giữ cho mạch máu hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, NO giảm thì mạch máu không thể làm việc bình thường và dẫn tới hiện tượng tăng huyết áp.