Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, các chuyên gia cũng không nghĩ rằng thứ tự chào đời lại ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ. Tuy nhiên, sau khi khảo sát các dữ liệu của 240.000 thanh niên trong độ tuổi 18-19, các chuyên gia nhận thấy chỉ số IQ trung bình của con đầu lòng là 103,2 điểm, cao hơn con thứ khoảng 2 điểm và cao hơn con thứ 3 khoảng 3 điểm.
Các chuyên gia đã loại trừ yếu tố gien tác động đến sự khác biệt này. Theo các chuyên gia thì đấy là do các cách dạy dỗ và cư xử của cha mẹ đối với trẻ.
Để khẳng định điều này, các chuyên gia đã nghiên cứu các đối tượng là con thứ hai và thứ ba trong gia đình, nhưng trở thành "con cả" do anh hay chị mình đã mất. Nghiên cứu cho thấy các đối tượng này có chỉ số IQ gần bằng người anh, chị đã mất của mình. Điều đó chứng tỏ sự ảnh hưởng xã hội và ảnh hưởng trong gia đình đã tạo nên sự thay đổi đó.
Ngay từ nhỏ, con cả thường được chú ý và đối xử như những "người chủ" trong gia đình. Họ được trao nhiều trách nhiệm hơn sau khi có em và được bố mẹ kỳ vọng nhiều hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có xu hướng "thử nghiệm" nhiều hơn đối với con đầu. Thế nên trẻ đầu lòng được trải nghiệm nhiều môi trường và có cơ hội tiếp xúc với nhiều thứ hơn so với con thứ. Vì với con thứ, bố mẹ có xu hướng nuôi con bằng những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con đầu lòng.