Cục pin oan nghiệt
Daily Mail ngày 5/10 đưa tin, vào một buổi sáng/chiều/tối trong ngôi nhà ở Basingstoke, Hampshire, Anh, bé Francesca Asan 2 tuổi đã gặp phải một tai nạn hóc dị vật cực kỳ nguy hiểm.
Trong lúc bố mẹ không để ý, Francesca Asan đã lọ mọ nghịch ngợm các ngăn tủ, rồi lôi ra được một viên pin cúc áo có đường kính 2 cm. Tưởng là kẹo, Francesca Asan bỏ tọt vào miệng nuốt.
Bé Francesca Asan, 2 tuổi đã lọ mọ nghịch ngợm các ngăn tủ và lôi ra được một viên pin cúc áo có đường kính 2 cm, bỏ tọt vào miệng.
Nhưng viên pin không trôi vào dạ dày. Nó mắc ở họng khiến bé Francesca - vốn đã bị bệnh tim bẩm sinh - phải chịu đau đớn trong suốt một tuần liền, luôn thấy rất mệt mỏi, khó chịu.
Bố mẹ Francesca rất lo lắng khi thấy con không được khỏe nên đã đưa bé đi khám khắp nơi để tìm ra nguyên nhân. Cả 2 lần khám, cô bé đều được chẩn đoán là ngộ độc thực phẩm và cho bé về nhà để theo dõi thêm.
Thế nhưng, khi Francesca vẫn tiếp tục không chịu ăn và đại tiện ra phân đen. Vợ chồng ông Asan lo lắng tột độ, đưa con quay lại ngay bệnh viện để gặp bác sĩ. Ông Asan thậm chí còn đưa con tới phòng khám răng để kiểm tra vì cô bé cứ chỉ vào miệng suốt.
Nhưng các bác sĩ cũng chỉ cho rằng chắc cô bé chỉ mệt mỏi do chuẩn bị mọc răng thôi.
Francesca cùng các chị em trong nhà.
Mãi tới khi cô gái nhỏ mềm oặt đi trong tay người cha, thì bố mẹ em mới vội vàng đưa con tới bệnh viện cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ phát hiện ra viên pin lithium 3V đã ăn mòn thực quản vào tới tận động mạch gây chảy máu nghiêm trọng.
Mặc dù các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa nhưng vẫn không thể ngăn được những cục máu đông phát triển ngày một lớn trong dạ dày cô bé. Francesca sớm từ giã cõi đời khi chưa bước sang tuổi thứ 3!
Nhiều ngày liền, ông Asan không thể tha thứ cho chính bản thân mình vì đã để cho con tiếp xúc với viên pin cúc áo.
Trước đó, vụ việc tương tự cũng đã xảy ra với bé Brianna Florer (2 tuổi), tại Oklahoma, Mỹ. Khi em đang ở nhà ông bà thì đột nhiên mặt tái xanh đi rồi nôn ra máu.
Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng các bác sĩ cũng không thể ngăn được hiện tượng máu chảy do axit trong pin đã ăn mòn động mạch.
Qua những vụ việc đáng tiếc kể trên, bố mẹ nên lưu ý quan sát nếu con có những triệu chứng như sau thì nên nghĩ ngay tới trường hợp trẻ đã nuốt phải pin cúc áo:
– Trẻ đột ngột khóc, chảy nước dãi, tỏ ra mệt mỏi, đau đớn, khó chịu.
– Ăn uống khó khăn hoặc cứ ăn vào là nôn.
– Tức ngực, đau bụng, có máu trong nước bọt và phân có màu đen.
- Khi nghi ngờ trẻ nuốt phải pin cúc áo, việc đầu tiên mà phụ huynh cần làm là đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tuyệt đối không cố gắng gây nôn hoặc làm di chuyển dị vật.
Thế nào là sơ cứu đúng cách?
Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai), thông thường khi thấy con hóc, việc người lớn hay làm đầu tiên là đưa tay vào cổ họng trẻ móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật. Điều này vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.
“Trong trường hợp trẻ bị hóc, sặc dị vật, sau khi xử lý ban đầu nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, có thể phải mở khí quản cấp cứu để làm thông thoáng đường thở, nội soi phế quản để lấy dị vật, và điều trị các biến chứng khác do sặc như xẹp phổi, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi...”, BS Lương Quốc Chính khuyến cáo.
BS Lương Quốc Chính cho biết, kỹ thuật sơ cứu cho trẻ dưới 2 tháng tuổi cần làm các thao tác sau:
- Vỗ lưng (H1): Đặt một tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu. Tay còn lại đặt dọc phía trước, nắm chắc lấy hàm. Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp. Thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa hai vai trẻ.
- Đẩy ngực (H2): Đặt một tay dọc, ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay, nhẹ nhàng lật ngửa trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ. Hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp. Dùng 2-3 ngón tay đặt lên trung tâm ngực trẻ, đẩy ngực vào trong và lên trên ngực trẻ lõm xuống 3.8cm.
- Cấp cứu hồi sinh tim phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn/ngừng thở (H3): Trùm miệng bạn lên miệng và mũi trẻ. Thổi ngạt nhẹ nhàng 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 giây, tạm dừng giữa 2 lần thổi để khí thoát ra.
- Ép ngực 30 lần (H4): Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2-3 ngón tay ấn xuống trung tâm thành ngực sao cho lún 3.8cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép ngực.
Kĩ thuật sơ cứu cho trẻ nhỏ tập đi, trẻ trên 1 tuổi:
- Vỗ lưng (H5): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa hai vai.
- Đẩy bụng (Heimlich - H6): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, hai tay ôm quanh eo trẻ, nắm một bàn tay và đặt lên bụng (vùng thượng vị), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.
- Kĩ thuật hồi sinh tim, phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn (H7): Thổi ngạt 2 lần: Bóp chặt mũi trẻ, miệng trùm lên miệng trẻ, nhẹ nhàng thổi ngạt 2 lần. Sau đó ép ngực 30 lần: Gót một bàn tay đặt trên xương ức trẻ, gót bàn tay kia đặt lên bàn tay trên xương ức, các ngón của bàn tay đan với nhau. Ép ngực mạnh và nhanh thành ngực lún 5cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên liên tục 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép ngực càng lâu càng tốt cho đến khi trẻ tự thở lại.
“Để tiến hành sơ cứu thành công, cần phải phát hiện đúng loại tắc nghẽn và đánh giá được các tình huống để áp dụng các kĩ thuật phù hợp. Phần lớn những ca tử vong do suy hô hấp đường thở là do không sơ cứu kịp thời, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tim đã ngừng đập”, BS Lương Quốc Chính cho biết.