Con tôi không nhai được hay tôi không cho con tôi có cơ hội được nhai?
“Em cũng muốn con em nó nhai lắm chứ, nhưng con em nó không nhai được bác sĩ ơi!”Ba mẹ ông bà nào có con cháu qua 10 tháng tuổi rồi mà chưa ăn được thức ăn lợn cợn, chưa cầm được thức ăn dạng ngón tay bỏ vào miệng, cắn một cái, nhai mấy lần rồi nuốt một cái rột đâu? Cô nhờ ông bà, ba mẹ làm việc này dùm cô nhé: mở cái miệng của bé ra, coi bé có lợi hay không (không cần biết răng cỏ thế nào nhé!)? Nếu hàm trên và hàm dưới đều có lợi, và bé không bị bại não, bé chắc chắn có khả năng nhai thức ăn, nhé! Điều này không bàn cãi thêm!Tại sao bé của ba mẹ ông bà không nhai được?! Vì thật sự là, ông bà ba mẹ đã TƯỚC ĐI CƠ HỘI SỬ DỤNG KHẢ NĂNG NHAI của con cháu mình!
Điều này, nếu suy nghĩ, rất giống như một đứa trẻ 18 tháng tuổi, không bị bại não, có hai cái chân, mà bị ba mẹ ông bà than với bác sĩ là: “con em sao nó chậm đi quá, nó không chịu đi bác sĩ ơi?!!!”. Hỏi ra thì sao: 9-10 tháng đang định loi ngoi vịn giường đứng dậy: bị cản liền vì sợ nó đứng sớm quá, còng chân! 10-12 tháng đứng được mấy giây, té ùm xuống, ba mẹ ông bà hết hồn, hông dám cho đứng nữa, sợ nó dập mặt!! 12-13 tháng vẫn còn được bồng bế liên tục, chuyền tay người nọ cho đến người kia, cái chân trở nên thừa thải, không sử dụng, và vì không sử dụng nên yếu hơn so với các bạn khác, đứng, đi dễ té.
Ông bà ba mẹ lại lấy đó làm cái lý do chính đáng cho mình bồng bế tiếp để “bảo vệ” con. Đến 18 tháng, nó nặng lên rồi, bồng gãy tay rồi, lúc đó chịu hết nổi, mới nhìn xung quanh, so sánh với con người khác, rồi chạy đến lo lắng hỏi bác sĩ, đỗ lỗi cho con cháu mình không chịu đi! Mà không biết rằng, hoặc phủ nhận hoàn toàn, cái khả năng “dập tắt” khả năng từ trong trứng nước của con một cách phũ phàng, không thương tiếc, của CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI LỚN, bởi những lo lắng cực kì vô lý!
Trở lại với việc nhai hay không nhai, cũng vậy! Cho nó ăn đồ ăn lợn cợn xíu, con nó vừa nhợn ói một cái, là giống như trời sắp sập đến nơi, vội vàng quăng thức ăn đó đi, chuyển qua cháo nhuyễn liền! Thế là cả mấy năm đầu đời của con bị bản án chuối ơi là chuối, là phải ăn cháo mỗi ngày, trên danh nghĩa được yêu thương! Nhưng thật sự mà nói, hy vọng không ai để lòng mà giận nhé, đây là một tình yêu thương giả tạo đấy! Người nhân danh tình yêu thương này, chỉ nghĩ đến cảm nghĩ cá nhân, chỉ nghĩ đến hài lòng cá nhân, và chỉ hướng đến việc kiểm soát theo tiêu chuẩn cá nhân của mình mà thôi! Một tình yêu thương độc tài và chiếm hữu! Vì tình yêu thương thật sự, phải là tình yêu thương hướng đến việc làm cho con hạnh phúc, tôn trọng những cố gắng, lựa chọn của con, và hỗ trợ con phát triển tối đa những khả năng mà con đã có từ lúc ra đời – những bản năng – của con mình, một cách kiên nhẫn, rộng lượng, và tin tưởng!
Bạn nên biết rằng, việc ăn uống, là một trong tứ khoái của đời người! Con bạn từ lúc bắt đầu ăn dặm, thay vì “được cho ăn”, lại “bị cho ăn”, bị người lớn, vì nỗi lo nhỏ nhặt và sự thiếu kiên nhẫn của mình, biến thể một trong tứ khoái quan trọng của trẻ, thành một hoạt động nhạt nhẽo, vô vị và cực kì nhàm chán, lặp lại hơn 3 lần mỗi ngày, đơn điệu, và căng thẳng! Cuộc đời đáng lẽ nở hoa, trở thành bế tắc, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt thế này đây! Bạn cứ thử đặt mình vào vị trí của con, sẽ cảm thấy đáng chán và thất vọng biết chừng nào! Một điều quan trọng nên nhớ nữa, là khi đã phải ăn cháo, ăn nhuyễn càng lâu, răng hàm của bé vì không tập, sẽ yếu đi, dạ dày của bé, vì phải ăn nhuyễn quá nhiều, cũng sẽ làm biếng lại. Giống như một đứa bé tập đi khi quá trễ, sẽ dễ vấp té nhiều hơn! Càng tập nhai cho con trễ, con càng dễ nôn trớ lúc ban đầu!
Ăn uống, đối với những năm đầu đời của con trẻ, không chỉ đơn thuần là để no! Cũng giống như người lớn, việc ăn uống của trẻ nên là:
Ăn uống = thưởng thức, khám phá, thí nghiệm, chứng tỏ bản thân, vui vẻ và chia sẻ!
Đối với cuộc sống con trẻ, việc ăn uống của bé, còn quan trọng hơn nhiều so với chúng ta, vì không như chúng ta, bé không có quá nhiều điều khác để bận tâm và thưởng thức bằng! Bé không có nhiều bạn bè, không đi làm, không đi học, cũng chưa biết uống rượu giải sầu, cũng không có khả năng đi shopping giải stress! Cũng giống như việc tập đi, bé cần phải có những “nấc cục” trên con đường ăn dặm, và bé cần bạn ở bên cạnh, để hỗ trợ và động viên bé tiếp tục quá trình khám phá bản thân một cách tò mò và vui vẻ, để cuối cùng có thể cùng nhau vỡ òa hạnh phúc trong chiến thắng, từ những điều cực kì nhỏ nhặt! Điều bé không cần nhất ở bạn, là bạn trở thành một người yêu cuồng dại, lẽo đẽo đi theo, níu áo níu chân, lải nhải chuyện bé không nên làm chuyện này chuyện kia, vì “nguy hiểm”?!!!!
Thiển nghĩ rằng, nếu việc con tập đi té dúi dụi, trầy xước mấy lần, nếu việc con tập nhai nôn trớ vài lần, đã trở thành quan trọng đến mức bạn không cho con làm nữa, thì những việc lớn hơn, quan trọng hơn, trong quá trình phát triển cuộc đời và trong những quyết định chính yếu liên quan đến sự trưởng thành của con trẻ về sau, bạn sẽ muốn con bạn nghĩ sao?! Đừng biến mình thành người cai ngục cuộc đời của con mình! Hãy cho con cơ hội được thử thách và sống trọn vẹn với cuộc đời của con, bắt đầu bằng những chuyện đơn giản nhất, như là tập nhai, bạn nhé!!!
Vì vậy, nếu thật sự yêu con, bạn nên từ bỏ cái tôi của mình đi, và thật sự là một người bạn đồng hành của con! Tập cho con nhai lại đi, và đừng quay đầu lại nữa!!!