Cuốn “Truyện Thúy Kiều” được Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Thế giới ấn hành nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (3.1.1765 – 3.1.2015), do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.
Bìa cuốn sách có in hình ảnh Thúy Kiều khỏa thân tắm giữa thiên nhiên, lấy mái tóc dài che một bên ngực.
Ngay khi hình ảnh “Truyện Thúy Kiều” xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng bìa cuốn sách không xứng tầm với một kiệt tác văn học, tầm thường, không hợp thuần phong mỹ tục.
Một số độc giả bình luận thẳng thắn họ sẽ không mua cuốn sách vì trang bìa in hình "nhạy cảm". Nặng nề hơn, có ý kiến cho rằng đó là cách làm cẩu thả của đơn vị xuất bản.
Hình ảnh trên bìa sách gây tranh cãi |
Theo ông Dương Thanh Hoài – đại diện đơn vị phát hành sách Nhã Nam, thì bìa sách đảm bảo tính nghệ thuật và không có gì dung tục. “Đây là bức vẽ mà họa sĩ minh họa cho câu thơ tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”. Rõ ràng, nếu minh họa câu thơ này, họa sĩ Lê Văn Đệ (vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam) được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác. Thế nhưng, như mọi người có thể thấy, ông cũng vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào. Và dĩ nhiên là càng không nhuốm điều gì gọi là dung tục ở đây”.
Tuy vậy, nhiều người bày tỏ không đồng tình với quan điểm này của phía Nhã Nam. Hiện vẫn có hai luồng dư luận trái chiều về bìa sách của cuốn Truyện Kiều mới vừa phát hành.
Một Facebooker bình luận: "Người ta vẫn nói không thể nhìn mặt mà bắt hình dong, không thể nhìn bìa mà đánh giá cả cuốn sách. Nhưng trường hợp này, bìa không xứng tầm với cả một kiệt tác văn học nước nhà như Truyện Kiều”.
“Hình ảnh này thực sự đã từng lấy làm bìa Truyện kiều à? Hay là hình ảnh minh họa trên một tờ báo nhân ngày kỷ niệm 200 năm mất Nguyễn Du? Mình cũng cảm thấy hình ảnh này không phù hợp, khi nghĩ về Kiều mình cũng không nghĩ về hình ảnh một người con gái trần trụi như kia. Có cái gì đó không đúng!”, Facebooker khác băn khoăn.
Còn có người thốt lên rằng: “Quá tệ và dung tục”.
Song cũng có ý kiến phản bác, bìa “Truyện Thúy Kiều” chỉ xấu chứ không dung tục: “Theo ý kiến của mình thì bìa vẽ rất trần trụi, rất thô nhưng cái thô này nó hợp với thân phận thanh lâu của Kiều”.
Độc giả khác lên tiếng: “Bìa thì không đẹp nhưng không đáng bị công kích là dung tục”.
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến ủng hộ. Trả lời trên Zing News, TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Sự ồn ào lần này liên quan đến một ấn bản Kiều nhưng lại liên quan không phải đến nội dung, đến chất lượng của ấn bản ấy, đến việc ấn bản ấy có đáng được tái bản không, đến việc khi tái bản có được biên tập tử tế không (những điều mà tôi ngờ là ít người quan tâm) mà lại liên quan đến… cái bìa sách. Và lại là một cái bìa sách mà theo tôi là có ý tưởng, đẹp và được làm chu đáo, nếu so với vô vàn ấn bản Kiều đang lưu hành và rộng ra, với vô vàn những cái bìa sách đang được in ở ta.
Một độc giả khác lại cho rằng, bìa sách rất đẹp và không hề dung tục: “Nếu như trong đầu bạn luôn có suy nghĩ: "Đây là tranh khỏa thân. Bìa thì không được có tranh khỏa thân" thì đó chính là định kiến, là sự kì thị và cổ hủ. Nếu bạn nói Nhã Nam làm không phải vì nghệ thuật, nghệ thuật phải theo định nghĩa của chính bạn thì đó cũng là định kiến. Nghệ thuật không cần người khác phải lên tiếng giùm nó đâu”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Trộm ngang nhiên phá khóa cửa rồi bẻ khóa xe SH ở Sài Gòn (Xã hội) - (Phunutoday) - Cơ quan Công an TP HCM vẫn đang tiếp tục truy tìm tên trộm ngang nhiên phá khóa cửa rồi bẻ khóa xe SH tại một gia đình ở Quận 2, TP HCM. |