Trong viễn cảnh nhiều ‘ông lớn’ nhà nước thua lỗ, mất vốn liên tục như hiện nay, nếu không có những thành công như của Petrolimex thì liệu còn có ai dám đặt niềm tin vào các tập đoàn nhà nước, nơi tiêu những đồng tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của người dân? Chính vì vậy mà không những chỉ vui mừng đơn giản, mọi ngươi phải mừng rớt nước mắt cho thành công của Petrolimex ấy chứ.
Theo lãnh đạo Petrolimex, trong số 1.579,14 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu đóng góp khoảng 45,7%.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex cho thấy, chỉ riêng quý 3-2013, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Petrolimex đạt tới 637,53 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 440,21 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt hơn 1.418 tỉ đồng, tăng 57,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, lợi nhuận của Petrolimex có xu hướng tăng liên tục, quý 1-2013 chỉ khoảng 244,78 tỉ đồng, nhưng qua các quý sau, mức lợi nhuận tăng vọt, thậm chí tăng gấp đôi.
Doanh thu 9 tháng của Petrolimex 149.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.579 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 1,05%. |
Có một thực tế là bất cứ người tiêu dùng Việt nào cũng thuộc nằm lòng điệp khúc quen thuộc và vô cùng nổi tiếng của Petrolimex, lỗ rồi xin tăng giá. Chẳng thế mà nhìn lại một số lần tăng giá xăng dầu gần đây, lần nào doanh nghiệp xăng dầu cũng lặp đi lặp lại điệp khúc này.
Chính vì vậy mà ngay khi có thông tin Petrolimex lãi lớn, rất nhiều người tiêu dùng đã phải thắc mắc đặt câu hỏi, lợi nhuận của Petrolimex đến từ đâu? Bởi trong chín tháng đầu năm nay, giá xăng được điều hành theo kiểu tăng giảm rất nhiều lần, nhưng đã có thời điểm giá xăng A92 lên đến mức kỷ lục 24.570 đồng/lít, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có thời điểm trích lên đến 2.000 đồng/lít xăng A92.
Thậm chí người ta còn quả quyết khẳng định Petrolimex đang chơi trò nhập nhèm lỗ lãi. Vì rất lạ lùng là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường hay báo lỗ, còn khi công bố lên sàn hay báo cáo thành tích doanh nghiệp này lại có những con số báo lãi đẹp đẽ, bất ngờ.
Dư luận xôn xao, ầm ĩ là vậy thế mà vẫn có một số ý kiến quả quyết cho rằng, trong vấn đề này tò mò, thắc mắc là việc không hay chút nào. Từ xa xưa các cụ chẳng đã dậy: "biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe", cho nên chuyện kinh doanh xăng dầu của Petrolimex tốt nhất là không nên thắc mắc, tò mò, cũng tuyệt đối không được đoán già đoán non vì làm như vậy... chỉ có mà thiệt thân.
Tất nhiên, những người có quan điểm như trên có cái lý của họ.
Này nhé, quý vị thử nghĩ mà xem trong bức tranh đầy màu sắc ảm đạm của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, thành công của Petrolimex rõ ràng là một điểm sáng mang lại sự ấm áp và niềm tin cho người dân.
Chỉ cách đây chưa lâu, vào sáng 25/7, trong buổi họp báo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011, dư luận cả nước đã không khỏi xót xa, lo lắng khi hiệu quả kinh doanh kém của các doanh nghiệp nhà nước được công bố.
Theo đó, hiệu quả đầu tư dài hạn thấp, mất vốn, đầu tư chứng khoán đều thua lỗ là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua. Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho thấy, tổng đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến hết năm 2011 là 25.750 tỉ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào công ty con, công ty liên kết.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. Cụ thể như TCT Xây lắp dầu khí (PVC) lỗ 85,8 tỉ đồng do đầu tư vào công ty liên kết PVC - SG, PVC Land lỗ 66,4 tỉ đồng; Vinaconex: 3 công ty con do Công ty Xuân Mai góp vốn thua lỗ 78,5 tỉ đồng.
Vinafood 2 đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả… Vinafood 2 đầu tư chứng khoán của Công ty CP Vận tải biển VN 59,5 tỉ đồng, phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) 52,57 tỉ đồng nhưng giá niêm yết chỉ còn 16,64 tỉ đồng.
Trong viễn cảnh nhiều "ông lớn" nhà nước thua lỗ, mất vốn liên tục như hiện nay, nếu không có những thành công như của Petrolimex thì liệu còn có ai dám đặt niềm tin vào các tập đoàn nhà nước, nơi tiêu những đồng tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của người dân? Chính vì vậy mà không những chỉ vui mừng đơn giản, mọi ngươi phải mừng rớt nước mắt cho thành công của Petrolimex ấy chứ.
Hơn nữa, như đã nói ở trên trong suốt năm qua, điệp khúc lỗ rồi xin tăng giá đã được Petrolimex phát đi phát lại nhiều đến mức trở thành dấu ấn đặc trưng của doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Từ đó suy ra doanh nghiệp lãi thì những lo lắng về việc giá xăng dầu tăng gây sốc của người dân cũng sẽ theo đó mà giảm đi đáng kể. Như vậy chẳng là đáng mừng quá đi còn gì.
Thế cho nên, thay vì cứ ngồi thắc mắc rồi bàn ra tán vào chuyện nhập nhèm lỗ lãi, mọi người phải cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc khi Petrolimex lãi lớn. Thậm chí, mọi người cũng nên dành thời gian và công sức để bàn ra tán vào cho mục đích có ích hơn như cầu nguyện để Petrolimex cứ mãi có lãi để kể cả khi giá xăng dầu thế giới có tăng thì "ông lớn" cũng thương dân mà nâng giá trong nước nhẹ nhàng.
Còn cứ nói lắm, bàn nhiều, cẩn thận "ông lớn" dỗi, không báo lãi mà cứ kêu lỗ mãi thì chỉ có rước khổ vào thân. Mà đã đến nước ấy rồi thì có hối cũng không kịp.