"Dân trong nghề' tiết lộ sự thật về thứ màu trắng quét lên những quả mít bị khoét đầu: Có phải "thuốc kích chín"?

( PHUNUTODAY ) - Vì sao mít bị vạt đầu, khoét cạnh cuống? Chất màu trắng bôi trên phần bị khoét này là chất gì?

Mít vốn là một loại trái cây được nhiều người yêu thích. Không chỉ có thể ăn luôn mà nó còn được dùng để chế biến ra nhiều món khác nhau như xôi, chè,... Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dùng đang tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều trái mít bị cắt một miếng rồi bôi một thứ bột màu trắng.

Theo bạn, thứ màu trắng được quét trên phần cuống những quả mít như trong hình ảnh dưới đây là gì?

VNEMit-1513527555-5522-1513527578

Đúng là không phải ai cũng biết đó là gì, và mục đích thật sự của việc quét thứ màu trắng lên những quả mít này là gì. Nhưng chuyện sẽ chẳng có gì nếu như không có những người dự đoán rằng đó là... hoá chất được quét lên mít cho nhanh chín. Điều này vô tình khiến cho nhiều người khác cũng sợ hãi lây và không dám mua mít nữa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người nông dân trồng mít hay những người bán mít.

Vậy chất màu trắng đó thực chất là gì?

mittamhoachat

Để giải đáp vấn đề này, một YouTuber đã trực tiếp đến gặp chủ vựa mít ở Cai Lậy - Tiền Giang để tìm hiểu câu trả lời chính xác.

Ông chủ vựa mít này cho biết, không phải trái mít nào cũng được xuất khẩu. Để kiểm tra, họ sẽ cắt một miếng ở phần đầu để xem trái mít có đạt yêu cầu hay không. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta thường thấy những trái mít bị cắt mất một góc.

Còn với những trái mít vận chuyển đi xa, họ phải dùng thuốc bảo quản để giữ được độ tươi ngon cho trái cây. Tuy nhiên ông chủ khẳng định, loại thuốc này được đơn vị nhập khẩu hoàn toàn cho phép và đạt tiêu chuẩn để xuất đi.

Nói kỹ hơn về loại thuốc bảo quản, ông chủ vựa cho biết, đó không phải hóa chất độc hại mà là thuốc hữu cơ, có nguồn gốc Thái Lan, sau đó pha với nước tinh khiết, loại nước có thể uống được. Nếu không có loại thuốc này, trái cây sẽ bị úng, hỏng và không thể giữ lâu.

Về việc nhiều người nghi ngờ liệu loại thuốc này có làm cho mít chín nhanh hơn, người đàn ông khẳng định, thuốc này an toàn và không có tác dụng thúc đẩy quá trình mít chín.

Sau khi xịt thuốc, những trái mít này sẽ tiếp tục được quét một lớp bột mì lên để hút hết mủ rồi bôi vôi. Đây cũng chính là loại vôi các bà các mẹ hay sử dụng để ăn trầu nên khá an toàn.

Và việc quét lên quả mít như vậy hoàn toàn có lý do. Để có thể kiểm tra xem bên trong ruột mít có bị xơ đen không, có hư hỏng gì hay không, người ta sẽ cắt một phần nhỏ ở cuống. Những quả mít hỏng, bị xơ đen, không ăn được sẽ bị loại bỏ. Ngược lại, những quả mít đạt tiêu chuẩn mới được mang đi bán. Nhưng để bảo quản mít sau khi đã cắt đi một phần như vậy tránh bị côn trùng, vi khuẩn xâm nhập thì người ta đã quét một lớp vôi trắng lên như trong hình ảnh trên.

Việc quét vôi lên mít như vậy có tác dụng bảo quản và không gây ảnh hưởng gì tới phần ruột mít bên trong cũng như chất lượng của quả mít.

Bên cạnh đó, theo lời chủ vựa mít, những công đoạn này là bắt buộc phải làm và phía đối tác còn yêu cầu thực hiện đầy đủ, để đáp ứng những điều kiện như không để vi khuẩn xâm nhập, không bị nấm mốc khi vận chuyển xa.

Trả lời về việc nhiều người có thắc mắc liệu chất màu trắng đó có thể là thuốc kích chín dành cho mít hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng điều này khó xảy ra. Bởi việc sử dụng các biện pháp ép chín trái cây hiện nay là có nhưng không phổ biến. Nếu có ép chín thì người trồng cũng thường sử dụng Ethylene (Etilen), có tác dụng kích thích trái cây chín nhanh, nhưng đây là hành động bình thường, không gây hại cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua mít cũng như các loại trái cây ở những địa chỉ uy tín và có địa chỉ rõ ràng.

Những đối tượng nào không nên ăn mít

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, mít dù là loại quả tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần nhớ rằng không phải ai ăn mít cũng được, thậm chí có một số đối tượng cần phải tránh ăn loại trái cây này.

Đó là:

- Trẻ em, người bị mẫn cảm về da: Ăn mít nhiều sẽ gây ra nóng từ đó dẫn đến các bệnh về da như rôm sảy, nếu không biết cách vệ sinh sạch sẽ thì có thể gây ra hiện tượng mọc mụn, nhọt.

- Người có thân nhiệt cao: Những người bị nóng trong thì không nên ăn nhiều mít vì sẽ gây ra cảm giác bức xúc, khó chịu…

- Bệnh nhân tiểu đường: Nhóm người tiểu đường cũng không nên ăn mít vì trong loại quả này có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza. Khi ăn vào sẽ dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.

- Béo phì: Đối tượng béo phì có khả năng tổng hợp đường thành mỡ rất nhanh, nếu ăn nhiều loại quả chứa đường như mít sẽ gây ra tình trạng tích mỡ trong bụng khiến mạch máu lưu thông kém.

- Bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao: Vì mít có chứa lượng đường rất cao nên không hề tốt cho gan, thậm chí còn gây nóng trong người. Những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu nên cẩn thận khi ăn loại quả khó tiêu, nhiều năng lượng như mít.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link