HIV là căn bệnh truyền nhiễm mà nhiều người mắc phải. |
Năm nay mới 30 tuổi nhưng nhìn P.T.Q nhỏ thó và gầy gò. Cô ngồi thu mình bên chiếc bàn nhỏ tại Trung tâm y tế Dĩ An (Bình Dương) đợi nhận thuốc ARV.
Cô nghẹn ngào kể lại: “Em là nhân viên văn phòng của một công ty nhỏ ở Dĩ An, chồng làm tài xế. Con đầu của em đã 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 thì vợ chồng em quyết định sinh thêm đứa con thứ 2. Khi thai được 14 tuần, em đến Trung tâm y tế Dĩ An khám thai và làm các xét nghiệm bình thường, lúc nhận kết quả thấy dương tính với HIV, em bị choáng và sốc nặng, không tin vào những gì mình nhìn thấy.
Trước đó, đọc sách báo em cũng hiểu sơ sơ về HIV và cũng không quan tâm nhiều lắm, đến khi chính mình bị bệnh mới cảm thấy khủng hoảng và suy sụp”.
Tiếp đó là một khoảng thời gian dài cô sống trong hoang mang, lo sợ và không dám thổ lộ với bất cứ ai, kể cả chồng mình. Cô xin nghỉ hàng tháng trời vì không còn tâm trí để làm việc. Kể từ khi biết mình bị HIV, ngoài việc hàng ngày đến Trung tâm y tế uống thuốc ARV để điều trị, cô không còn biết mình nên làm gì, nghĩ gì, sống như thế nào.
Gần đến ngày sinh, biết không thể giấu mãi được, cô đành nói với chồng. “Sau khi biết em bị HIV, anh ấy cũng đã đi kiểm tra ngay, kết quả là âm tính. Em không biết mình bị “dính” HIV từ đâu, chỉ biết khóc. Cũng may chồng em sau lúc giật mình ngỡ ngàng đã không xua đuổi, mắng chửi em mà còn động viên em là số mình khổ vậy thì ráng uống thuốc điều trị để còn có sức khỏe lo cho con.
Cho đến bây giờ, khi con của em đã được hơn 1 tháng, em vẫn không dám nói cho má chồng biết. Chồng em cũng bảo giấu được thì cứ giấu, để má chồng em biết chắc em sống không nổi”, Q. vừa thổn thức vừa tâm sự.
Q. sinh con gái nặng 3,3kg. Sau khi sinh 1 tháng, bé đã được làm xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV từ mẹ hay không. Q. cho biết, ngay khi phát hiện bị HIV, cô đã được các bác sĩ của Trung tâm y tế Dĩ An động viên tinh thần, hướng dẫn các cách phòng chống lây nhiễm và uống thuốc ARV đều đặn. Vì vậy, cô cũng dần yên tâm hơn, không còn thấy hoảng loạn và chỉ mong mỏi bé con của mình không bị lây HIV.
Bác sĩ Lê Lan Hương, Phó giám đốc Trung tâm y tế Dĩ An cho biết, với những trường hợp như chị Q, các bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân sử dụng bao cao su, uống thuốc đều đặn, phát sữa cho em bé mới sinh, không cho bé bú mẹ… Đã có không ít trường hợp chồng đưa vợ đi khám thai, xét nghiệm máu thấy vợ bị HIV đã la lối chửi bới, thậm chí đánh đập vợ, cho rằng vợ không chung thủy, lang chạ dẫn đến mang bệnh. Đến khi đưa cả ông chồng đi xét nghiệm, kết quả dương tính với HIV, lúc đó mới chịu im lặng đưa vợ về.
Dĩ An nói riêng và Bình Dương nói chung là khu vực phức tạp vì có đông lao động nhập cư. Việc quản lý các công nhân nữ mang thai là vô cùng khó khăn, đó là còn chưa kể đến các trường hợp sau khi phát hiện bị HIV đã chuyển nhà, về quê… khiến các bác sĩ “mất dấu”, không thể theo dõi liên tục được.
Bác sĩ Hương cho biết, mặc dù đoàn thanh niên hàng tháng vẫn tổ chức các lớp tập huấn cho công nhân trong các khu nhà trọ, lồng ghép với các hoạt động của hội phụ nữ, đoàn thể để tuyên truyền về HIV nhưng kết quả vẫn chưa thật sự khả quan.
Một trong những khó khăn khác là hiện nay bảo hiểm y tế chưa chi trả cho việc khám và xét nghiệm HIV cũng như điều trị bằng thuốc ARV. Toàn bộ chi phí cho các hoạt động này đều dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong thời gian tới, khi các tổ chức này rút các hoạt động tài trợ, thai phụ phải trả tiền để uống thuốc ARV thì chắc chắn số người “trốn” sau khi biết nhiễm HIV sẽ tăng lên rất nhiều.
Kinh hoàng: Nhiễm HIV, viêm gan B vì mốt xăm hình 'độc, lạ' (Sức khỏe) - (Phunutoday) - Thú xăm hình tạo sẹo tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhìn xăm hình bằng thuốc lá đã sợ, xem xăm lột da còn kinh dị và dữ dằn gấp nhiều. |