Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển, vậy nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Nguy cơ sức khỏe của bệnh thận mạn tính
Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp.
Tổn thương thần kinh ngoại biên: Gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.
Tăng huyếp áp: Không chỉ là nguyên nhân chính gây suy thận mạn tính mà còn có thể là hậu quả của bệnh thận, gây tổn thương cho tim và mạch máu. Suy thận có tác động lớn đến huyết áp vì thận không còn duy trì được cân bằng dịch trong cơ thể. Khi dịch ứ đọng ở phổi có thể gây khó thở và suy tim do sung huyết.
Dấu hiệu thận có vấn đề
Mệt mỏi, chán ăn
Nếu bạn cảm thấy rất mệt mỏi cho dù đã ngủ ngon đêm hôm trước, điều này có thể thận đang gặp vấn đề. Khi bị suy yếu, thận sẽ không sản xuất đủ lượng erythropoietin, một loại hoóc môn cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu dẫn đến mệt mỏi và thiếu máu. Ngoài ra, chán ăn đi kèm buồn nôn, ói mửa cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận và hiện tượng này xảy ra khi có sự tích tụ độc tố trong cơ thể.
Ngứa da, chuột rút
Khi thận bị suy giảm chức năng, các chất thải sẽ tích tụ trong máu và điều này gây phát ban, ngứa ngáy trên da. Ngoài ra, thận suy yếu còn gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải trong cơ thể, khiến bạn thường xuyên bị chuột rút.
Hơi thở có mùi hôi
Chất lỏng dư thừa tích tụ trong phổi và sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu mang ô xy đi khắp cơ thể khiến bạn bị khó thở. Hơn nữa, thận suy yếu làm tăng mức độ urê trong nước bọt. Urê này được phân hủy thành amoniac gây ra hơi thở có mùi khai như nước tiểu. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nói trên, bạn nên đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Màu nước tiểu thay đổi
Thông thường, người khỏe mạnh có nước tiểu màu vàng hoặc trong suốt. Khi ít uống nước hoặc đi tiểu lần đầu tiên sau khi ngủ dậy, nước tiểu có thể có màu sẫm hơn một chút. Nhưng khi màu sắc nước tiểu có chứa sắc đỏ, tiểu ra bọt nước tiểu nhiều hơn, thì đã là lúc bạn nên chú ý đến khám thận.
Buồn nôn, ói mửa
Khi thận có bệnh và tiến triển đến giai đoạn giữa hoặc cuối, sẽ ngay lập tức tác động và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn, chán ăn và các triệu chứng khác. Vì vậy, khi có những biểu hiện này, ngoài việc bạn phải khám ở khoa tiêu hóa, còn phải khám thêm thận.