Đầu năm đi chợ âm phủ

20:00, Chủ nhật 02/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chợ "âm phủ" là nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. Đây vừa là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa vừa mang một nét đẹp đặc trưng của người Việt.

Trong khi mọi người còn say giấc nồng để ngày mai chuẩn bị cho mâm cỗ ngày cuối năm, thì ở chợ đêm “đất Phủ” (chợ đêm thành phố Phủ Lý, Hà Nam), vẫn còn đó những ông bố, bà mẹ thức trắng đêm cố gắng bán thêm chút đồ kiếm thêm ít tiền lo cho cái tết đã về đến ngõ…

Trong cái lạnh giá cắt da cắt thịt giữa đêm khuya vắng, thường ngày phiên chợ đêm “đất Phủ” hay còn gọi bằng cái tên nghe có vẻ hơi rùng rợn hơn “chợ âm phủ” vẫn nhộn nhịp và đông vui lắm. Nhưng năm nào cũng vậy những ngày cuối năm, phiên chợ thưa người hơn. Ở phiên chợ ngày cuối năm, vẫn còn đó những ông bố, bà mẹ đèo thêm gánh hàng chỉ là vài chục mớ rau, hay những bó hoa… họ cố gắng bán cho các tiểu thương để kiếm thêm chút tiền để lo tết.

Chợ đêm “đất Phủ” thông thường họp từ 0h cho đến tận sáng ngày hôm sau. Thời điểm nhộn nhịp nhất là vào khoảng 2h sáng. Chợ đêm “đất Phủ” là chợ đầu mối cung cấp các mặt hàng nông, thực phẩm đến các chợ nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh.

Phiên chợ độc đáo này đã có từ nhiều năm nay, bất kể thời tiết nắng hay mưa, cái lạnh cắt da cắt thịt, một năm thì chỉ trừ đêm một số ngày như đêm 30 tết, ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 tết là phiên chợ nghỉ. Chứ hàng ngày cứ đến lúc đồng hồ điểm sang canh, các gia đình đã chìm trong giấc ngủ, thì phiên chợ bắt đầu có người qua lại, thưa dần rồi nhộn nhịp lên lúc nào không hay. Chợ đêm “đất Phủ” nằm trên đường Lê Lợi, thành phố Phủ Lý, là nơi giao thoa buôn bán, trung chuyển hàng hóa của hàng trăm lái buôn lớn nhỏ ở trong tỉnh Hà Nam và cả tỉnh ngoài như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội….

Thời điểm 2h sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp hơn, phía xa xa, bóng dáng những người mẹ đạp chiếc xe đạp phía sau là những bó rau buộc vội, hay những bó hoa xếp ngay ngắn phía sau xe chào khách mua hàng ngay từ đằng xa. Tiếng ai đó ý ới, họ vội chào hỏi nhau rồi mau chóng tìm chỗ ngồi, dọn hàng ra bán. Nếu ai có mặt ở đây, chứng kiến phiên chợ lúc nửa đêm mới thấy thấm thía được nỗi cơ cực của những con người đang cố gắng bòn tết.

Không chỉ người bán mong kiếm thêm chút ít để về lo tết, ở chợ đêm “đất Phủ” còn đó những người chuyên đi bốc vác và sắp xếp hàng thuê cho các tiểu thương. Trong thâm tâm họ cũng ước được ở nhà với gia đình ngày cuối năm. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo ngày tết còn dài đằng đẵng.

Chị Xuân, một người buôn bán ở chợ đêm “đất Phủ” cho hay: “Cuối năm rồi chú à! Ai chẳng muốn được nghỉ, họ bảo làm thì làm cả đời, mỗi năm nghỉ tý có sao. Nhưng nhà chúng tôi đâu có giàu có gì. Với lại ngày cuối năm bán gấp mấy lần ngày thường, tội gì mà không đi kiếm thêm ít tiền về lo cái tết cho nó tươm tất”.

Một điều đặc biệt của phiên chợ đêm cuối năm này là cảnh mua bán diễn ra rất nhanh, rất ít khi người ta mặc cả về giá. Một phần vì kẻ bán, người mua đã quen mặt nhau, hơn nữa cuối năm, họ cũng muốn cho xong sớm rồi về lo công việc gia đình.

So với phiên chợ ban ngày, chợ đêm Phủ Lý có hôm còn đông hơn rất nhiều, mặc dù mặt hàng chợ đêm đa phần chỉ là rau, củ, quả, các mặt hàng khác chủ yếu là rất ít. Nhưng do lượng người mua bán đổ về đây khá đông nên chợ lúc nào cũng đông người hơn buổi sáng.

Theo nhiều người buôn bán ở đây cho biết, sở dĩ chợ họp vào ban đêm là vì chợ cung cấp hàng hóa cho cả các thương lái ở xa, nên khi họ vận chuyển về đến các chợ huyện hoặc chợ ở tỉnh khác thì trời cũng vừa sáng. Hơn nữa, ban ngày nhiều người còn bận đi làm việc đồng áng, nên họp vào ban đêm thì ban ngày vẫn đi làm được.

Chị Lê Thị Tính, quê ở Thanh Liêm (Hà Nam) cho hay: “Phiên chợ ngày cuối cùng của năm, năm nào tôi cũng tham gia cả, năm nay làm ăn thì chẳng được mấy. Nhà tôi thì chủ yếu bán rau tự trồng, ngày cuối năm rồi, bán được chút nào thì bán sáng mai còn mua thêm ít đồ về ăn tết anh ạ. Nếu không hết hàng thì mang về ăn dần, của nhà trồng ra mà”.

Trời dần dần về sáng, phiên chợ cũng thưa dần những thương lái. Phía xa xa lại xuất hiện những bóng dáng người những mặt hàng khác. Có những người thức trắng đêm, tham gia hai phiên chợ, họ cố gắng kiếm thêm chút ít lo cho cái tết được đầy đủ.

Cũng mang một nét văn hóa cổ xưa đó chính là Chợ âm - dương mùng 2 Tết tại xã Cao Thượng - Tân Yên (Bắc Giang) họp khi trời còn chạng vạng, sáng ra chợ tan…

Sân đình làng Cao Thượng, hơn 3 giờ sáng đã lác đác người. Sớm nhất là mấy bà, mấy chị hàng rau cần, cà chua, cải cúc nhà ngay gần đó, ruộng rau cũng ngay cạnh ngay đó. Thứ đến là hàng bún, bánh.

4 giờ chợ đã bắt đầu nhộn nhịp. Xe máy chở hàng ào vào chợ rồi lại ào đi. Hàng thịt, cá, muối, rồi đến các mặt hàng tạp hóa, nhưng nhiều nhất trong phiên chợ năm nay có lẽ là bánh đa đỏ, có tới vài chục hàng, bánh đa đỏ một góc chợ.

Năm nay Ban tổ chức chợ cũng đã phân thành từng khu vực: Bún, bánh, rau xanh, cá thịt nhắc nhở thường xuyên nên chợ họp nề nếp hơn. Gần 6 giờ chợ đông đúc, nhộn nhịp người mua, bán, người đi chơi chợ. Đủ mọi lứa tuổi. Hơn 7 giờ, chợ tan...

Chợ mùng 2 Cao Thượng mỗi năm chỉ họp 1 phiên ngay tại sân đình. Các loại hàng hóa chính là rau cần, cá tưới, bún bánh. Người mua bán đều vui vẻ, bán không nói thách, mua không mặc cả.

Theo các bậc cao niên cho rằng đây là chợ âm phủ có từ vài ba trăm năm nay. Bởi vùng đất Cao Thượng thờ thần Bạch hổ nên dân mở chợ để cầu an, cầu phúc. Cũng vì lẽ đó nên chợ họp khi trời còn tối, khi hừng dương lên chợ tan.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, khi giặc Pháp tràn vào Cao Thượng đánh nhau với Nghĩa quân Yên Thế, chúng triệt hạ làng mạc và đuổi không cho hợp chợ tại khu vực đình, nhớ chợ hàng năm dân làng mở 1 phiên vào ngày mùng 2.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng cần khẳng định Chợ mùng 2 Cao Thượng là nếp sinh hoạt cổ còn lưu giữ được đến ngày nay.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy