Trực Tết mỗi ngày kiếm 1 triệu đồng

16:00, Chủ nhật 02/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tết là dịp để nhiều nhân viên, sinh viên và những người lao động tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Và thường việc "kiếm tiền" vào dịp này dễ dàng và cao hơn những dịp khác.

Trực ngày Tết, tiền công được trả gấp đôi, ba ngày thường, do đó nhiều nhân viên sẵn sàng nhận luôn phần trực những người có quê xa.

Làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ngày Tết, nhân viên tại cơ quan anh Duy (Xuân Mai, Hà Nội) phải cắt cử nhau trực sự cố kỹ thuật. "Công việc ngày trực cũng không có gì nhiều. Chủ yếu là phải có mặt ở cơ quan, theo dõi đường truyền. Riêng ngày mùng 1, người trực còn được các lãnh đạo công ty lì xì một triệu đồng", anh Duy cho hay.

Nhiều nhân viên đăng ký trực ngày Tết vì tiền công cao hơn ngày thường. Ảnh: Trường Sơn

Do đó, nhiều người nhà ở Hà Nội sẵn sàng đăng ký trực thay những ngày trống. Anh Duy cũng đăng ký trực 3 ngày vào 29 âm lịch, mùng 1 và mùng 5 vào dịp Tết mặc dù theo quy định anh chỉ phải trực một ngày.

"3 ngày trực của mình tính ra được gần 3 triệu đồng cả tiền công và lì xì, bằng nửa tháng lương bình thường nên cố gắng tranh thủ đi đến cơ quan vài tiếng từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Công việc ngày Tết chủ yếu là thắp hương, đón khách đến chúc Tết... Chỉ khi có sự cố kỹ thuật mới phải xử lý", anh Duy cho hay.

Là đàn ông nên ngày Tết anh Duy không phải lo lắng quá nhiều công việc nội trợ. Trực xong mùng 1, những ngày sau anh vẫn dành thời gian đưa ra gia đình đi chơi, chúc Tết.

Chị Phương, nhân viên trực tổng đài một hãng taxi cho biết, nghề trực tổng đài, lương bình quân những ngày lễ tết gấp 3 lần ngày thường, chưa kể phụ cấp và thưởng nếu doanh số tốt vì đây là thời điểm khách gọi taxi đông nhất trong năm. Do đó, tuy là phụ nữ, vướng bận nhiều công việc nội trợ nhưng chị vẫn đăng ký làm 3 ca vào ngày mùng 1 và mùng 3, 4 Tết. Bên cạnh đó, chị còn trực thay một nhân viên khác vào ngày mùng 2. Chị Phương cũng cho biết, nhiều nhân viên trong công ty chưa có gia đình còn đăng ký trực đêm để được hưởng tiền công cao hơn.

"Bình thường lương của mình chỉ được 4 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu làm mấy ngày Tết có thể được một nửa tháng lương. Việc đi chúc Tết mình vẫn tranh thủ thu xếp ngoài giờ trực vì mỗi ca chỉ kéo dài khoảng nửa ngày", chị Phương cho hay.

Nhân viên này cũng cho biết, nhiều lái xe của hãng cũng sẵn sàng không nghỉ Tết vì tỷ lệ phần trăm được trích tăng lên. "Hãng vẫn tạo điều kiện sắp xếp cho nhân viên nghỉ Tết, đặc biệt những người quê xa. Tuy nhiên, lãnh đạo lại đưa ra những cơ chế để khuyến khích người lao động", chị Phương nói.

Là bảo vệ một doanh nghiệp Nhà nước lớn có trụ sở tại Từ Liêm, anh Xuân năm nay cũng đăng ký trực Tết đến 3 trong tổng số 9 ngày nghỉ. Nhóm bảo vệ có hơn 10 người thì đa số quê ở xa, muốn được nghỉ dài nên anh Xuân xung phong trực thay 2 ngày.

"Trực ngày Tết tiền công được gấp 2 lần ngày thường, lại thêm phụ cấp, tiền lì xì của lãnh đạo, tính ra cũng được tiền triệu chứ không ít. Thôi thì chịu khó thu xếp để vừa có thời gian quây quần bên gia đình ngày Tết, vừa kiếm thêm được chút tiền để trang trải", anh Xuân cho hay.

Ngày Tết là dịp sum họp cùng gia đình, người thân. Tuy nhiên, nghề nào cũng có những đặc thù nhất định. "Hơn nữa, cũng vì miếng cơm manh áo mà phải có những toan tính đó chứ ai cũng mong có cái Tết đủ đầy, đầm ấm với gia đình", chị Phương ngậm ngùi.

Không chỉ những nhân viên mới nhận trực những ngày Tết để kiếm them thu nhập mà ngay cả các sinh viên cũng tranh thủ dịp lễ Tết này để tích lũy cho mình một khoản tiền nào đó để tran trải cho cuộc sống.

Trong khi bạn bè gói ghém đồ đạc về quê sum họp với gia đình thì Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) lại lỉnh kỉnh nghiên, mực, bút lông lang thang khắp phố phường bán chữ.

Với sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn, Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) tặng chữ không lấy tiền. Số tiền chắt chiu từ việc bán chữ ngày xuân, Thông gửi tặng bố mẹ một phần, còn lại dùng trang trải cuộc sống.

Văn Thông sinh năm 1993, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ở quê quanh năm lam lũ, chỉ trông vào mấy sào ruộng khô cằn nên từ ngày chân ướt chân ráo vào đại học, Thông đã đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thông đi khắp thành phố Hà Nội để bưng bê ở các quán cà phê, đi giao hàng… Năm nay, với số vốn 3 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, Thông sắm đầy đủ cho mình một bộ bút lông, nghiên, mực để xuống phố bán chữ. Thông cho biết, trừ tiền mực, tiền giấy, nghiên… tiền lời mỗi chữ thu về cũng chưa đến 10.000đ.

Thông đi khắp nơi, khi ở phố Nguyễn Khuyến, lúc ở phố Văn Miếu đến tối mịt mới trở về phòng. Hỏi Thông khi nào về quê ăn tết, Thông ngậm ngùi: “Tranh thủ mấy ngày tết mình làm thêm kiếm chút tiền gửi về cho bố mẹ sắm tết. Tiết kiệm được thêm chút nào hay chút đó, chứ giờ vé tàu về tết rồi lại ra cũng mất gần 500.000đ. Tốn lắm!”.

Trong màu áo xanh của đội bảo vệ đường hoa, Trần Minh Thành - sinh viên năm 2 CĐ Du lịch Sài Gòn - chu đáo hướng dẫn khách tham quan đường hoa. Quê ở tỉnh Đồng Nai - cách TP.HCM chẳng bao xa - nhưng đây đã là tết thứ hai Minh Thành ở lại TP.HCM làm thêm. Khoản thù lao 25.000đ/giờ làm bảo vệ sẽ giúp Thành trang trải phần nào học phí, sinh hoạt phí sau tết.

Khu nhà trọ ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) nơi Thành trọ học đã vắng hoe bởi bạn bè hầu hết đã về tết. Cái tết của Thành sẽ trôi qua với thùng mì gói, ít bánh chưng, bánh tét mẹ cho và những cuộc điện thoại thăm hỏi người thân trong phút giao thừa. Minh Thành chia sẻ: "Nếu giờ này được ở nhà, mình sẽ dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện với ba mẹ, anh em. Như thế đã là vui lắm!".

Ngày tết, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình, tuy nhiên vì lý do cơm áo gạo tiền mà nhiều người đành "lùi lại" cái thời gian  về bên gia đình với hi vọng cuộc sống sẽ bót khó khăn hơn phần nào. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy