Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn
Thịt lợn là nguồn cung cấp protein và năng lượng quan trọng cho cơ thể, chiếm 30-50% khẩu phần ăn hàng tuần của nhiều gia đình. Ngoài ra, thịt lợn còn là nguồn giàu vitamin nhóm B, bao gồm thiamine, riboflavin, niacin và một số khoáng chất dễ hấp thụ như calci, kali và sắt. Đặc biệt, thịt lợn cũng dễ tiêu hóa, nên thường được khuyến khích sử dụng cho trẻ em, người cao tuổi và những người đang hồi phục sau khi ốm.
Thế nào là thịt lợn sạch
Thịt lợn sạch là thịt lợn tươi, không chứa vi khuẩn và ký sinh trùng như giun sán, không nuôi bằng cám tăng trọng, không tồn dư hóa chất và không chất bảo quản.
Thịt lợn sạch có lớp bì và mỡ dày, đàn hồi, màu đỏ hoặc hồng tươi và không có hạt lẫn trong thớ thịt. Nếu nhìn bên ngoài, miếng thịt sạch có màng khô, màu hồng nhạt, không phải màu đỏ rực. Miếng thịt có cả nạc lẫn mỡ, chứ không phải chỉ nạc. Thịt lợn không được cho ăn cám tạo nạc sẽ có lớp mỡ dày khoảng 1,5-2cm, giữa phần mỡ và phần nạc liên kết chặt và không có chất dịch màu vàng tiết ra. Khi ấn tay vào thịt, miếng thịt không bị lõm và dính vào tay.
Mỡ và bì càng dày chứng tỏ lợn được nuôi lâu và mỡ có màu trắng sáng cho thấy không chứa chất tăng trọng, lợn khoẻ mạnh và không mắc bệnh. Nếu mua được thịt lợn sạch, bạn sẽ cảm nhận thớ thịt săn chắc, đàn hồi tốt và không có mùi ôi thiu. Khi nấu thịt, bạn sẽ ngửi được mùi thơm, nước luộc thịt trong và có váng mỡ to, không bị ra nước.
Nhận biết thịt lợn tươi, chưa nhiễm khuẩn
Thịt tươi thường có bề mặt khô ráo, sáng bóng và không nhớt đồng thời lại có thớ thịt đều, căng và mặt cắt bóng loáng. Thịt tươi thường đàn hồi tốt, không để lại vết lõm sau khi ấn và có độ mềm vừa phải khi sờ vào. Mùi thịt tươi thơm và đặc trưng của loại thịt đó.
Đối với thịt lợn tươi, miếng thịt có màng ngoài khô và bóng, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Nếu thịt đã bị ôi hoặc bị nhiễm khuẩn, sẽ có màu hơi thâm hoặc xanh nhạt, mất tính bóng và thường có mùi khó chịu.
Nhận biết thịt lợn nhiễm ký sinh trùng
Nếu thịt lợn bị nhiễm giun sán, thường sẽ có các kén sán nằm xen giữa các thớ thịt. Khi mua thịt lợn, bạn cần để ý đến những vùng có gân mỡ như vai, bắp, đầu. Nếu thấy những hạt nhỏ trắng như hạt gạo xen giữa các thớ thịt hay bắp thịt, đó là dấu hiệu của giun sán và không nên mua. Khi thái thịt, cần phải thái theo thớ và nếu phát hiện kén sán thì phải bỏ ngay. Ăn phải thịt nhiễm giun sán có thể sinh bệnh, vì vậy đừng tiếc bỏ thịt để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nhận biết thịt lợn ăn tăng trọng, chất tạo nạc
Có những giống lợn được nuôi để sản xuất thịt siêu nạc nên không phải thịt lợn ít mỡ nào cũng là do được cho ăn tăng trọng hoặc chất tạo nạc. Để nhận biết thịt lợn bị cho ăn tăng trọng và chất tạo nạc, bạn có thể dựa vào màu sắc khác thường của thịt, thịt có mùi tanh hơn thịt lợn sạch, ít đàn hồi và khô cứng, mỡ lỏng lẻo và tách rời khỏi nạc, thịt khi thái có thể chảy ra dịch vàng, khi nấu thì nhiều váng và nước có mùi hôi.
Nhận biết thịt lợn ngâm chất bảo quản
Khi thịt bị ôi thiu, một số người bán có thể sử dụng các phương pháp như ướp hàn the, kali nitrat,... để làm cho thịt trông tươi hơn. Thịt bị ướp chất bảo quản có màu đỏ tươi nhưng không còn độ dẻo dính tự nhiên, thịt bị cứng chứ không còn độ đàn hồi, khi cắt thì mềm nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm. Khi rửa, thịt ngâm chất bảo quản sẽ chuyển sang màu nhợt và có mùi tanh khó chịu, mỡ vàng chứ không trắng ngà như thịt tươi. Khi nấu, nước thịt ôi có màu đục, mùi hôi và mỡ nổi thành những hình tròn nhỏ và tách rời.