Điểm danh những phiên chợ quê “lạ” đời nhất ở Việt Nam

09:00, Thứ bảy 27/12/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chợ tình, chợ mua may bán rủi, chợ chỉ bán nón hay chợ Âm Phủ… là những chợ quê “lạ” đời nhất ở Việt Nam.

Chợ chiếu Âm Phủ, Thái Bình

Chợ chiếu Âm Phủ ở An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình họp từ 1h đêm đến rạng sáng. Người đi chợ thường là phụ nữ, người già, mỗi đêm mua bán hàng ngàn lá chiếu. Chợ trước đây họp trong ánh đèn dầu, giờ dùng đèn mỏ. Dù được họp vào thời điểm không thích hợp, nhưng chợ "âm phủ" này đã có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ.

Chợ nón Gò Găng, Bình Định

Chợ nón Gò Găng họp ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, TP. Quy Nhơn, Bình Định chỉ họp từ khoảng tầm 3h, 4h sáng, đúng lúc gà gáy nên còn có tên là "Chợ Gà Gáy". Chợ chỉ bán một mặt hàng duy nhất là nón lá thô, vật dụng làm nón, và thường diễn ra dưới ánh đèn dầu.

Chợ Viềng, Nam Định

Có hai chợ Viềng là chợ ở gần Phủ Dầy huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) hay còn gọi là chợ Viềng Phủ và chợ ở gần chùa Bi huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) hay còn gọi là chợ Viềng Chùa. Dân gian có câu Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên chỉ 2 chợ cùng tên, họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau như cây xanh, đồ cổ, đồ cụ, công cụ nhà nông, thịt bò…

Ngoài ra ở huyện Vụ Bản còn có một chợ Viềng nữa ở xã Trung Thành hay còn gọi là Chợ Viềng Trung Thành. Các chợ này đều họp đêm ngày mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Du khách tìm đến chủ yếu để mua may bán rủi và thường ra về với một cây lộc cầu may.

Chợ tình Sa Pa, Lào Cai

Chợ tình Sa Pa được biết là nơi các thanh niên dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy… cư trú tại Sa Pa tìm đến mỗi cuối tuần để kiếm bạn đời tương lai. Đến đây, người già vui vẻ đi hỏi thăm bạn bè, người trẻ có cơ hội giao lưu gặp gỡ, đặc biệt làm quen kết bạn qua tiếng Khèn, tiếng Sáo trong đó chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ.

Trước đây đường đi lại rất khó khăn, người dân thường phải đi lối mòn, bản ở xa trung tâm thị trấn Sa Pa, để đi tới chợ bằng đường mòn mất khoảng 12 tiếng hoặc nửa ngày. Mọi người thường phải xuất phát từ ngày hôm trước tức thứ bảy và ngủ qua đêm tại thị trấn để dễ dàng buôn bán vào phiên chợ ngày Chủ nhật. Chính vì thế đêm thứ bảy thường náo nhiệt.

Chợ tình được duy trì cho đến tận hôm nay là nét đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Chợ tình Sa Pa thu hút du khách đặc biệt là khách nước ngoài.

Chợ Ba Đồng, Vĩnh Long: Chỉ dùng 3 đồng bạc là có thể đi chợ

Có thể nói, Ba Đồng là một ngôi chợ mang đậm chất sông nước nhiều nhất. Ai đã một lần đến ngôi chợ quê này, đều phải thốt lên vì giá cả của các mặt hàng rất rẻ. Chợ Ba Đồng nằm ở mé sông Măng, thuộc xã Chánh An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long).

Chị Cù Mỹ Dung (38 tuổi), sống ở gần chợ, cho biết: “Trước đây, nơi này chỉ là một nơi để trao đổi ít trái cây quê nhưng sau đó chú Hồ Văn Đồng đã tự mình đứng ra để thành lập ngôi chợ và kể từ đó chợ phát triển hẳn lên. Cũng vì thế mọi người mới dùng tên của chú Đồng để đặt tên cho ngôi chợ”.

Chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang

Với địa thế sông ngòi dày đặc và chằng chịt, miền Tây nổi tiếng bởi những khu chợ lênh đênh trên mặt nước, trong đó chợ nổi Ngã Bảy là khu chợ nổi tiếng lâu đời nhất vùng đất Cửu Long.

Chợ nổi Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Du khách tới đây sẽ nhìn thấy bạt ngàn màu sắc từ trái cây, rau củ cho đến các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng và hàng hóa đó sẽ được treo lơ lửng một cây sào cao gọi là cây bẹo.

Top những loại quả độc dị nhất năm 2014
Dưa hấu, bí ngô tí hon, nhãn tím, bí đao khổng lồ, buồng chuối mỗi ngày “đẻ” 2 nải… là những loại quả độc dị nhất năm 2014.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh