Ông lão 86 tuổi bán chuối hơn 60 năm giữa Hà Thành
Không khó để tìm được cụ ông Nguyễn Trung Khánh (hay còn gọi là ông Đạc), bởi ngõ phố nào, ông cũng đi qua. Rong ruổi cùng chiếc xe đạp cà tàng và hai sọt chuối đầy chặt.
Co ro trong giá rét, mặc chỉ độc bộ quần áo nâu mỏng bạc màu, ông cụ ngồi nghỉ trưa, bữa cơm thịnh soạn trong ngày là gói xôi mang từ nhà ra phố. “Người già như tôi không ăn uống nhiều, chỉ cần gói xôi gói từ nhà đi, ăn sáng, ăn trưa là đủ. Vừa đỡ tốn kém, lại đảm bảo an toàn,” gỡ gói xôi bọc trong chiếc lá dong vẫn còn nóng, ông cụ cho biết.
Ngày nào ông cụ cũng đi hơn 25 km vào nội thành bán chuối. |
Quê ông ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ nhà ông vào đến nội thành phải hơn 25km, vậy mà ngày nào mưa cũng như nắng, với hai sọt chuối trên chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi trên mọi nẻo phố phường Hà Nội.
Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ tảng sáng và kết thúc khi nào ông bán hết số chuối mang theo. “Ngày thường thì sáng ra tôi bắt đầu đạp xe từ nhà đi. Nhưng những dịp mồng 1 và rằm thì tôi phải đi từ 3h sáng và đèo theo số lượng chuối nhiều hơn,” cụ Khánh cho biết.
Xuất phát từ nhà, cụ cùng chiếc xe đạp không phanh chất đầy 2 thúng chuối phải mất gần 3h đồng hồ mới đến được chợ Hà Đông. Cứ khoảng 8h30 - 9h hàng ngày, người dân khu vực quận Thanh Xuân lại bắt gặp hình ảnh một ông cụ ngoại bát tuần chở hai rổ chuối rong ruổi trên đường.
Hôm nào đắt hàng, khoảng 3h chiều là cụ lên đường trở về nhà. Nhưng cũng có những hôm ế ẩm, đạp hết phố này sang phố khác mãi đến xẩm tối mới hết, đạp về đến nhà cũng phải 8-9h tối.
Theo thời gian, lưng cụ càng còng hơn. Tính đoạn đường đi và về đã 50km, chưa tính cả ngày ròng rã đạp rong ruổi mọi ngõ ngách.
Năm nay đã 86 tuổi, nhưng sức khỏe của cụ vẫn dẻo dai, trừ những ngày đau ốm, còn chưa ngày nào cụ nghỉ bán. Hơn 60 năm bán chuối ở thủ đô, cụ coi việc mưu sinh này cũng là cách để... tập thể dục dưỡng già. “Nhiều người hỏi tôi già rồi, làm việc nhiều làm gì cho mệt thân, nhưng tôi là nông dân, làm quen rồi, ngơi chân tay là thấy buồn lắm. Quê tôi bạt ngàn chuối, cái nhà tôi ở cũng gây dựng từ việc bán chuối mà có, nên đâu phải nói không bán chuối nữa là thôi luôn được. Không đi... nhớ lắm!” ông móm mém cười.
Và cứ thế, hàng ngày nhiều người dân Hà Nội ở khu vực Thanh Xuân lại thấy một cụ già bát tuần chậm rãi đạp xe trên phố phường đông đúc, đằng sau là 2 rổ chuối, bàn chân trần ấy đã in dấu hầu hết mọi ngõ nghách đường phố. Không quản ngại đường xa, tiết trời giá rét, ông cụ vẫn kiên trì, nhẫn nại, đức tính của lão nông bán chuối khiến nhiều người dân không khỏi cảm phục.
Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin hiến xác
Già cả, không người thân thích, nhiều lần bà Thanh bị chủ nhà trọ từ chối cho thuê phòng vì chỉ "sợ bà cụ chết". 25 năm, bà lão 84 tuổi ngày ngày ngồi cân trước cửa khu bách hóa để kiếm đủ 800.000 đồng trả tiền thuê trọ.
Bà gắn bó cuộc đời với chiếc cân và vỉa hè Bách hóa Thanh Xuân đã 25 năm qua. |
Hơn 25 năm qua, cụ Đinh Thị Thanh (quê ở Thái Bình) ngồi cân nhờ ở vỉa hè Bách Hóa Thanh Xuân. Bệnh khớp hành hạ thân già khiến cụ thấy mệt mỏi nhưng "đau cũng kệ" vì "tiền đâu mà mua thuốc". Hiện nguyện vọng lớn nhất của bà cụ là "được chết" và "hiến xác cho y học". Cụ chia sẻ, nhiều lần viết đơn xin hiến xác gửi Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa được chấp thuận.
"Tôi thích thế. Đọc báo nên tôi biết nhiều người khổ lắm, có người hỏng mắt, hỏng thận. Tôi muốn cho họ để người ta đỡ tiền tí nào hay tí đó. Tôi không sợ chết, chỉ sợ ốm dài ngày", bà lão 84 tuổi tâm sự khi màn đêm đang buông xuống trên con đường tấp nập xe cộ lúc tan tầm.
Cụ bà mù bán nước nuôi con bệnh tật
Gian hàng của cụ bà Phan Thị Yến nằm lọt thỏm trong hai cột đèn điện trên phố Bảo Khánh. Đã 30 năm nay, gánh hàng nước nhỏ xíu nuôi sống cụ và người con gái bệnh tật. Đã gần 90 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, nhưng chưa ngày nào cụ được một ngày sung sướng, một giây phút nghỉ ngơi.
Sống trong bóng tối đã 20 năm nhưng cụ Yến hầu như không một ngày nào vắng mặt ở phố Bảo Khánh. Nhìn bóng dáng gầy gò của cụ, gánh trên đôi vai gian hàng nhỏ, ai cũng thương xót. Hỏi về gia đình, trong khóe mắt mờ đục lại chực trào nước mắt.
“Đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời tôi, giờ đây nó đã 63 tuổi rồi mà cũng chỉ ú ớ nằm một chỗ. Tôi thương con nên không thể nào vô tình với chúng nó được. Còn sống được ngày nào tôi vẫn sẽ làm để nuôi nó và mua thuốc cho nó...”
Tình mẫu tử ấy là động lực giúp cụ Yến quanh năm mò mẫm đi bộ từ nhà ra đầu đê rồi nhờ người dắt ra chỗ bán hàng. Đến chiều lại nhờ người đưa ra đầu đê và mò mẫm về nhà. Đến khi đôi mắt cụ mờ hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa, cụ đành thuê xe ôm đưa ra chỗ bán hàng, sáng đi đến tối mới về. Đã mất công tiền thuê xe nên cụ cố ngồi đến tối mịt để bù vào.
Ngày nắng thì không sao nhưng những hôm mưa gió, quán nước của cụ không có lấy một bóng người, cụ đành khất nợ tiền xe để hôm khác trả. Những người xe ôm cũng thương hoàn cảnh cụ nên không bao giờ đòi tiền, khi nào cụ có thì đưa.
Tiền bán nước ít ỏi bà tằn tiện nuôi mình và con gái bệnh tật. |
Cụ có cả thảy bốn người con, người con gái thì đã bị liệt nhiều năm. Người con trai cả vốn được gia đình kỳ vọng vì làm ăn được thì lại mắc bệnh ung thư. Khi chết để lại người vợ không nghề nghiệp mang trong mình bệnh tim bẩm sinh và hai đứa con thơ dại.
Người con trai thứ hai vốn là công nhân một nhà máy nước, nhưng không may bị ống nước đè gãy chân trong một lần làm việc dẫn tới tàn phế. Người con trai út trước đây đi bộ đội 7 năm ở chiến trường biên giới phía Bắc. Sau ra quân cũng đã đi làm nhiều nơi nhưng không theo được do sức khỏe yếu giờ đang thất nghiệp, ở nhà trông chờ vào đồng lương của vợ làm công nhân vệ sinh nhà máy nước.
Với cái gánh nước nhỏ này, cụ phải vừa kiếm đủ tiền nuôi mình, vừa phải phụ giúp thêm con trai trả tiền nhà và lo cho cô con gái. Bữa trưa của cụ thường chỉ là gói xôi 2.000 đồng. Bữa tối là cái bánh mì không nhân. Với cụ thế là đủ.
Bà cụ 30 năm sống chết với một gánh bún
Hơn 70 tuổi, với trên 30 năm bán bún ốc nhưng từ trước tới nay bà Oanh đều độc lập tác chiến. Từ chuyện dậy sớm đi mua đồ, rồi nấu nướng chuẩn bị cho đến bán hàng, rửa bát đều một tay bà làm hết.
Gánh bún ốc của bà Oanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc. |
Hơn 30 năm trời ngồi bán bún ở cổng chợ bưởi đã trở thành một thói quen, một nhu cầu cố hữu của bà Oanh mà đến bây giờ khi không còn phải lo cơm áo gạo tiền bà cũng không thể nào bỏ được cái gánh bún của mình. Dù gia rồi, lại yếu nữa nhưng dù mưa hay nắng, hôm nào bà cũng dọn hàng đều đặn.
Bà chia sẻ: "Mỗi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, mỗi lần con cái làm mình làm mẩy không cho bán nữa, tôi lại nhớ đến mấy đứa nhóc là khách quen vẫn thường bảo: “Sau này bà không bán nữa thì bọn cháu biết ăn ở đâu bây giờ”.
Người mẹ mù 96 tuổi nuôi con bại não
Bà cụ mù Nguyễn Thị Đắp (96 tuổi), thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày ngày phải lặn lội ngược xuôi nuôi đứa con tật nguyền đã 51 tuổi.
Rơi nước mắt cảnh người mẹ mù 95 tuổi nuôi con bại não. |
Năm nay bà cụ mù Nguyễn Thị Đắp, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã 95 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu đùm bọc, chăm sóc, nâng niu, vỗ về, nhưng chuỗi ngày chìm dài trong nỗi tủi cực của cụ vẫn chưa dứt bởi trên đôi vai chưa một lần được hưởng niềm vui của cụ còn có một người con tật nguyền đã hơn 51 tuổi mà vẫn cần mẹ chăm sóc.
Ngày nắng cũng như mưa, người mẹ mù lặn lội ngược xuôi kiếm bát gạo, đồng tiền lo thuốc thang cho Hậu. Cụ Đắp bảo "ngày trước ai thuê cái gì thì làm nấy từ phụ hồ, chăn trâu cắt cỏ, đi cày thuê…
Nhưng hơn 30 năm nay, kể từ khi đôi mắt bị mù lại thêm căn bệnh phong, bệnh thấp khớp lúc trái gió trở trời hành hạ nên chẳng làm được gì nữa". Thấy hoàn cảnh cụ, bà con chòm xóm kẻ cho bát gạo, người cọng rau nhưng chỉ được một vài bữa. Nhà không còn gì đáng giá, có lần cụ Đắp nghe tin ở xóm vạn chài Phù Vân hay bán máu để lấy tiền nuôi thân nên cụ cũng lần mò tìm đến. Thấy cụ đã già, lại không đủ sức khỏe nên người ta khuyên cụ về… người con gái thứ hai lấy chồng xa nên cũng chẳng giúp đỡ được nhiều cho mẹ và em trai.
88 tuổi mù loà mò mẫm đầu đường xó chợ xin ăn
Chiều tà cụ bà khiếm thị Trịnh Thị Nhượng, 88 tuổi ở thôn 3 - xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa hằng ngày vẫn mò mẫm xin ăn ở các chợ.
Bà còng khiếm thị một đời sống đơn thân trong bóng tối.... |
Mù bẩm sinh khi vừa lọt lòng mẹ, đến năm 17 tuổi bố mẹ lần lượt ra đi để lại một mình cụ vò võ một mình. Hằng ngày, bà cụ cứ tha thẩn, lọ mọ đi kiếm ăn. Bà cụ mù lòa không ít lần bị đâm, bị trượt chân ngã, bị ngã xuống ao... Bà chết đi sống lại bao nhiêu lần trên đường đi xin ăn.
Bà cụ chia sẻ: "Nếu được ước... tôi sẽ ước một lần thôi tôi được nhìn thấy ánh sáng. Được nhìn thấy những người bà con đã cưu mang cả đời tôi. Để tôi cảm ơn họ. Và nhất là tôi muốn nhìn thấy con đường hàng ngày tôi vẫn mò mẫm đi xin ăn..."
Hình ảnh chật vật mưu sinh nơi phố thị lay động lòng người Bên cạnh sự hiện đại, vẻ sang trọng nơi thị thành còn có những cảnh đời nghèo khó, thân phận bất hạnh đang vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo. |