Kiểm soát tốt nhất năng lượng cho bé bị béo phì
Vào ngày Tết mẹ nên chuẩn bị bữa ăn chính cho trẻ với ít cơm, hạn chế ăn bánh chưng, bánh tét, các đồ nướng, chiên nhiều dầu mỡ…
Vì những thực phẩm này rất giàu năng lượng: một miếng bánh chưng 200gr cung cấp năng lượng khoảng 400kcal, một đùi gà quay cũng mang lại 300kcal, một cuộn chả giò là 30kcal, vậy đó chỉ cần “mỗi thứ một chút” đã mang lại khẩu phần ăn “quá tải” - là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tình trạng béo phì.
Thực phẩm từ trứng cũng nên ăn vừa phải để tránh nguy cơ tăng cholesterol.
Những thức ăn vặt, các loại nước ngọt, bánh, kẹo… cũng nên hạn chế cho bé sử dụng vì đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng bệnh béo phì ở trẻ.
Hạn chế đồ chiên, đồ ngọt, nước uống có ga cho trẻ thừa cân, béo phì.
Trong dịp Lễ Tết, những trẻ béo phì nên ăn nhiều rau từ các món rau như canh rau, rau trộn, món lẩu, món bánh tráng cuốn là những món ngon miệng và cung cấp ít năng lượng.
Trẻ cũng nên dùng các loại nước ép trái cây ít ngọt như cam, bưởi, dưa hấu, thơm, lê, táo. Những loại trái cây này cũng có thể ăn cả miếng để giúp dễ tiêu hóa những thức ăn ngày Tết - vốn nhiều dầu mỡ và giàu năng lượng, đồng thời giúp trẻ tăng cường chất xơ và vitamin.
Nên giúp trẻ giữ thói quen vận động: nếu được, các bà mẹ nên sắp xếp, tạo điều kiện cho trẻ đi chơi công viên, chợ hoa để trẻ có nhiều thời gian đi bộ, chạy nhảy vận động nhằm tiêu hao bớt năng lượng thừa
Ngoài chế độ ăn uống, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ cũng không kém phần quan trọng. Không nên để trẻ thức quá khuya, nếu trẻ ngủ thêm giấc trưa một chút càng tốt. Thiếu ngủ sẽ khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn và dễ mắc bệnh.
Đối với các bé suy dinh dưỡng, nhẹ cân
Ngày Tết, do bố mẹ thường bận rộn với những công việc như: tiếp khách, đi chúc Tết, tổ chức tiệc tùng…nên không chú ý đến bữa ăn của trẻ. Với trẻ biếng ăn, tết sụt cân là chuyện "thường ngày ở huyện". Do đó, cần phải hết sức lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của các bé hơn trong những ngày này. Hãy cho bé ăn đầy đủ, đúng giờ, không bỏ bữa vì đi chơi, luôn đảm bảo bữa ăn của bé phải đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, tinh bột, vitamin, dầu).
Ngày Tết mẹ cần bổ sung nhiều trái cây, rau quả cho bé.
Các thực phẩm giàu năng lượng như nước ngọt, bánh mứt, kẹo, bánh chưng, thịt mỡ, món chiên…) không nhất thiết phải hạn chế nhiều như bé thừa cân nhưng cần khéo léo đưa vào các bữa ăn chính và phụ của bé. Không nên cho bé ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt trước bữa ăn chính mà chỉ nên cho sau bữa ăn chính.
Ngày Tết, vẫn phải đảm bảo chế độ ăn uống, thời gian ăn giống như ngày thường. Trước khi đi chơi nên cho bé ăn trước ở nhà, có thể cho bé ăn những thức ăn khác cơm như bánh chưng, miến…mà không làm mất đi hương vị tết của bé. Các bà mẹ cũng nên lưu ý đề phòng những trường hợp bé bị nhỡ bữa ăn vì đi chơi, nên có sự chuẩn bị trước những thức ăn sẵn mang theo như: sữa tươi, sữa chua, và một số đồ ăn nhẹ…
Đối với các bé đang trong độ tuổi bú mẹ
Các bà mẹ phải đặc biệt quan tâm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Thông thường trong những ngày Tết, các bà mẹ thường bê trễ việc ăn uống của mình dẫn đến không đủ năng lượng để cung cấp đủ sữa cho bé. Các bà mẹ cần chú ý ăn đầy đủ dinh dưỡng như ngày thường, uống nhiều nước, ăn đúng bữa, cho bé ngủ đúng giờ, tránh ăn nhiều thức ăn có tỏi, tiêu, chất kích thích… làm thay đổi mùi của sữa.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho bé sau những ngày nghỉ Tết, ngoài việc chú ý về dinh dưỡng, các bà mẹ cũng nên chú ý đảm bảo giấc ngủ của bé đúng giờ, tránh những trường hợp trẻ ham vui quá thường đi ngủ muộn. Các bà mẹ cũng không nên cho trẻ đi chơi về quá khuya để tránh việc bé bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vào ngày Tết, bố mẹ đừng quên cho bé uống nhiều nước nhé. Nó sẽ giúp bé hấp thu, tiêu hóa và chuyển hóa tốt các loại chất dinh dưỡng, thải trừ các loại chất thải ra khỏi cơ thể. Các loại thức ăn có thể gây hóc, sặc như hạt dưa, hạt bí, các loại trái cây có hạt nhỏ như dưa hấu, mãng cầu … cần để xa tầm tay các bé còn nhỏ. Chúc các bé có những ngày Tết thoải mái mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.