Cháo dinh dưỡng có đủ chất cho con?

06:45, Thứ hai 25/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tiện dụng, bao bì đẹp cùng với hàng loạt những thông tin dinh dưỡng ghi trên gói đóng sẵn nên ngày nay cháo dinh dưỡng được các mẹ tin dùng. Sự thực thì cháo dinh dưỡng có đủ dưỡng chất như trên bao bì?

Cháo bán sẵn khó đủ chất cho bé

- Chất đạm cần thiết để đáp ứng cho các bé từ 7 -12 tháng là 80-100g thịt, tôm chia làm ba đến bốn bữa hay 1 lòng đỏ trứng gà/ bữa. Một tuần, bé cần ăn ba đến bốn quả trứng. Nếu hầu hết bữa ăn của bé là cháo dinh dưỡng, khó đảm bảo cung cấp đủ lượng chất đạm nói trên.

- Cháo dinh dưỡng có thể chứa các loại hóa chất như chất bảo quản chống mốc, giúp thực phẩm không bị đổi màu, giữ nguyên mùi vị.

- Tại các cửa hàng bán cháo dinh dưỡng tự phát, nguồn gốc các loại nguyên liệu không được chứng nhận chất lượng vệ sinh thực phẩm. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng bé bị ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy.

- Thịt cá được bày bán từ sáng đến trưa, dễ bị vi khuẩn xâm nhập.

- Một số mẹ không lưu ý ghi chú trên bao bì “chỉ sử dựng trong 18 giờ” nên cứ mua nhiều và để trong tủ lạnh để cho bé ăn dần. Thực tế, ngành Y tế đã khuyến cáo thực phẩm nấu chín và bảo quản ở nhiệt độ bình thường không để quá 4 giờ vì cứ 1 giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn phát triển lên gấp nhiều lần.

cháo dinh dưỡng,cháo ăn liền, vệ sinh,

Cháo dinh dưỡng không thể đầy đủ dưỡng chất như cháo tự nấu tại nhà

Những ẩn họa khôn lường từ cháo dinh dưỡng

Một cán bộ thuộc khoa Dinh dưỡng học và ngành nghề từng khẳng định: "Những loại cháo dinh dưỡng trên thị trường chắc chắn không đủ dinh dưỡng. Thực tế, đến nay chưa một nhà sản xuất nào đưa mẫu cháo đến Viện Dinh dưỡng để kiểm định hàm lượng dinh dưỡng, chất đạm. Có vẻ như người tiêu dùng đang có sự nhầm lẫn về khái niệm cháo dinh dưỡng. Một loại cháo được coi là dinh dưỡng thì phải tính toán sao cho đủ, cân đối giữa các chất đạm, vi chất dinh dưỡng trong từng gói cháo, bát cháo, vì thế nó phải được nghiên cứu kỹ bởi các cơ quan có chuyên môn chứ không thể tùy tiện muốn công bố như thế nào thì công bố".

Một số khảo sát đã thực hiện tại một số cơ sở lớn nhỏ sản xuất “cháo dinh dưỡng” cho kết quả đáng lo ngại: hàm lượng protid nhìn chung thấp hơn so với tiêu chuẩn dành cho bé mà Viện Dinh dưỡng đã khuyến cáo...

Thực tế, có không ít trẻ ăn “cháo dinh dưỡng” trong thời gian dài đã xuất hiện dấu hiệu suy dinh dưỡng, có bé còn ngày càng tỏ ra biếng ăn (mẹ lại cho rằng đó là vì “cháo nhiều chất bổ quá nên... chậm tiêu). Bệnh viện đã từng phải tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sau khi ăn cháo dinh dưỡng phải nhập viện do ngộ độc. Nguy cơ là nếu ngộ độc nặng trẻ bị sốt, mất nước, không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân thì nhiều, song tập trung vào 2 vấn đề chính - do bản thân “cháo dinh dưỡng” không bảo đảm VSATTP và do bà mẹ quan niệm sai về bảo quản thực phẩm tại gia đình. Có bà mẹ mỗi lần mua mấy bịch “để tủ lạnh cho con ăn dần” mà không chú ý ngoài bao cũng có ghi chú là “sử dụng trong 18 giờ” (thậm chí còn có nơi ghi “trong 24 giờ”, song ít khi nào thấy ghi ngày, giờ sản xuất và đóng gói). Cần thiết phải nhắc lại: ngành Y tế đã khuyến cáo chính thức - thực phẩm đã nấu chín và bảo quản ở nhiệt độ bình thường, không nên để quá 4 giờ. Cứ 1 giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn trong đó có thể phát triển tăng gấp nhiều lần. Để trong tủ lạnh cũng không thể hạn chế được sự phát triển của một số loại vi khuẩn, nấm mốc nguy hiểm; chưa nói tới việc ăn phải thực phẩm để lâu bị biến chất, trẻ (do sức đề kháng còn yếu) sẽ bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc... Ngoài ra, bịch và hộp nhựa đựng cháo dù sử dụng một lần, nếu không được bảo quản tốt thì cũng dễ bị nhiễm khuẩn, cháo nóng bên trong có thể bị thôi nhiễm các chất hóa học tồn dư từ chính hộp, bịch đựng bằng nhựa kém chất lượng...

Các mẹ nên làm gì?

Theo những thông tin nói trên, nếu các mẹ mua cháo dinh dưỡng nấu sẵn thì vừa không đáp ứng đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé. Do đó, nếu có con nhỏ, cách tốt nhất là phụ huynh nên tự nấu cháo tại nhà cho bé ăn, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, lại sạch sẽ. Cách nấu cháo nhanh nhất mà vẫn thay đổi được khẩu vị từng bữa là nấu một nồi cháo trắng, sau đó để trong tủ lạnh, đến bữa lấy đủ lượng cháo ra nấu. Thịt, cá, tôm cũng được xay nhuyễn, chia thành từng phần, đủ một bữa để trong ngăn đá tủ lạnh . Trong điều kiện không có tủ lạnh để bảo quản, nên chế biến từng bữa một cho bé, hoặc nếu làm sẵn thì cũng cần cho vào từng hộp nhỏ và ngâm vào nước lạnh để đảm bảo an toàn. Nếu hôm nào bố mẹ quá bận rộn, muốn mua cháo dinh dưỡng cho con thì cần tìm hàng cháo uy tín, sạch sẽ, có tủ lạnh để bảo quản thức ăn.

Chế biến món cháo vừa ngon vừa bổ, vừa rẻ tại nhà cho trẻ thật ra không khó. Dành ra một chút thời gian để nấu không chỉ giúp trẻ có món ăn an toàn, bổ dưỡng mà còn làm sâu đậm hơn tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái.

Do vậy, dù bận rộn mấy thì các ông bố bà mẹ cũng nên chịu khó nấu cho trẻ ăn là tốt nhất. Một vài gợi ý để mọi người có thể tự nấu lấy món cháo dinh dưỡng tại nhà:

Để không tốn gas mà cháo nhừ: nên đun sôi gạo từ buổi tối, sau đó cho vào một bình thuỷ, sáng hôm sau đã có một nồi cháo trắng nhuyễn nhừ.

Để không mất công xay nhuyễn thực phẩm: hãy băm thịt thật nhuyễn, bỏ những sợi gân xơ, sau đó hoà tan với nước lạnh, cho vào cháo còn đang nguội rồi đun sôi chín thịt. Như vậy thịt không bị vón cục và bé ăn rất dễ dàng.

Để bé ăn được thực phẩm tươi: buổi sáng nên cho bé ăn một chén cháo trứng (cháo trắng và một quả trứng) hoặc cháo sữa (cháo trắng và bảy muỗng sữa bột). Trưa, chiều, tối thì ăn cháo với thịt bằm hoặc các loại khác.

Để có cháo thơm ngon: lấy một nắm lá rau xanh (rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền...) băm nhuyễn cho vào cháo khi đã chín thịt. Đun sôi chín rau, cho một muỗng canh dầu ăn vào nồi cháo, đun sôi là xong.

Bé mới tập ăn không nên nêm nếm mặn, ngọt vì bé không thích, còn nếu bé đã quen với vị nêm thì cứ tiếp tục nêm. Bé ăn bữa nào thì nấu thịt rau bữa đó, không nên nấu một nồi ăn cả ngày (trừ cháo trắng là nấu sẵn).

Thực tế không có cháo nào là “cháo dinh dưỡng”, chỉ có cháo thịt, cháo cá, cháo tôm... Và nếu ăn hoài không lên cân, bé bị ói và tiêu chảy... thì phải xem lại cách lựa chọn cháo cho bé.

Nếu khó khăn quá về thời gian mà phải chọn “cháo dinh dưỡng” nấu sẵn, các bà mẹ nên “chọn mặt gửi vàng” (chỉ chọn những nhãn hàng có đăng ký, xuất xứ rõ ràng, có uy tín...) và nên bổ sung thêm sữa, các loại thịt, cá, rau quả tươi... hàng ngày cho bé.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link