Những lưu ý khi bà bầu đi máy bay trong dịp Tết

10:10, Thứ năm 23/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tết là dịp rất nhiều người đi du lịch, về quê... bằng máy bay. Và các bà bầu khi sử dụng phương tiện đi lại nhanh chóng, thuận tiện này cần lưu ý những gì. Các mẹ mẹ bầu hãy chú ý nhé!

Nếu có ý định đi du lịch bằng máy bay nhân dịp Tết này, mẹ bầu nên biết những lưu ý theo từng tháng thai kỳ.

3 tháng đầu tiên và chuyện đi lại bằng máy bay

Nhiều người mẹ không thể đi lại bằng máy bay trong 3 tháng đầu. Nguyên nhân là khi đi máy bay, các triệu chứng trong thai kỳ sẽ trầm trọng hơn (nôn nghén).

Tuy nhiên, nếu bạn cần phải đi lại bằng máy bay thì bạn nên trao đổi với bác sĩ.

- Giảm nghén: Chuyên gia khuyên bạn nên hít một lát chanh để giải quyết những cơn nôn nao trong người. Nên mang theo đồ ăn vặt thay vì chỉ sử dụng thức ăn của hãng bay. Ngoài ra, bạn nên chọn khoang không hút thuốc, tuy nhiên, mùi nước hoa từ hành khách bên cạnh có thể làm bạn sợ hãi.

- Nguy cơ sảy thai: Thai phụ trong 3 tháng đầu tiên có nguy cơ sảy thai cao nhất. Tuy nhiên theo các nghiên cứu, đi lại bằng máy bay không làm tăng tỷ lệ sảy thai ở thai phụ. Dù vậy tốt nhất là bạn vẫn nên hạn chế hàng không, nhất là những chuyến bay quá dài trong thời gian này.

3 tháng giữa: Thời điểm lý tưởng cho những chuyến bay

Thời gian an toàn nhất cho phụ nữ mang thai di chuyển bằng đường hàng không là 3 tháng giữa (nhất là tuần thứ 18 tới tuần thứ 24 của thai kỳ). Giai đoạn này, thể lực và tâm trạng của thai phụ tốt nhất. Đồng thời, các nguy cơ như sinh non, sảy thai cũng giảm hẳn. Trừ khi thai kỳ có những rắc rối khác như bệnh tiểu đường khó kiểm soát, tăng huyết áp hay bệnh hồng cầu hình liềm, bằng không, đi máy bay khá dễ chịu trong thời gian này.

Nếu phải bay những chuyến bay dài, bạn cần chú ý vận động để kích thích tuần hoàn trong cơ thể. Khoảng 20-80% phụ nữ mang thai phát triển rạn da, với nhiều cấp độ khác nhau trong thai kỳ. Khi có những chuyến bay dài, bạn thường phải ngồi lâu nên sẽ làm tăng tình trạng rạn da và những vấn đề sức khỏe khác. Để hạn chế tình trạng này các mẹ bầu nên:

- Nên mặc đồ lỏng, rộng, tránh quần áo chật.

- Không được bắt chéo chân trong suốt chuyến bay.

- Uống đủ nước vì không khí trên máy bay có thể gây ra mất nước.

- Nên đi bộ trên các lối đi, duỗi chân và “ngọ nguậy” những ngón chân của bạn.

- Nếu bạn may mắn được ngồi cạnh một chiếc ghế trống, nên tận dụng bằng cách thỉnh thoảng đổi chỗ ngồi.

3 tháng cuối: Tránh bay, đề phòng chuyển dạ sớm

Chuyển dạ sớm là mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ mang thai khi di chuyển bằng đương hàng không trong 3 tháng cuối. Nếu bạn có việc phải đi máy bay thời điểm này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Ngoài ra, do bụng bầu đã to nên khi ngồi ghế máy bay, bạn cảm thấy thực sự không thoải mái. Vì thế, thai phụ nên liên hệ với hãng bay để tìm hiểu những chỗ ngồi thoải mái nhất, cho dù đó là những ghế đắt tiền hơn.

Nếu bạn buộc phải đi máy bay khi ngày sinh dự kiến cận kề, một lần nữa, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Khi ở trên máy bay, cần thông báo ngay cho phi hành đoàn nếu bạn bị co thắt hay đau. Đừng chủ quan vì bạn không thể biết chắc khi nào thì em bé chào đời. Tốt nhất là cảnh giác và chuẩn bị với bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ thể bạn.

Bà bầu đi máy bay cần lưu ý những điều sau:

- Cho dù theo các bác sĩ, bà bầu có thể an toàn đi máy bay cho đến tuần thứ 36 nhưng nhiều hãng hàng không vẫn đòi hỏi bạn phải có giấy phép của bác sĩ (nếu bạn mang thai ở tháng thứ 8 hoặc 9) trước khi lên máy bay. Bạn nên lưu ý điều này để chuẩn bị đủ giấy tờ nói trên trước khi đặt vé bay.

- Khi đặt vé, nên lựa chỗ ngồi phía giữa khoang máy gần cánh máy bay để giảm thiểu dao động khi phi cơ rơi vào vùng nhiễu loạn áp suất, máy bay nhồi lên xuống.

- Lấy chỗ ngồi cạnh lối đi để dễ dàng đứng lên đi lại hoặc tới phòng vệ sinh. Ghế này cũng tương đối có khoảng trống để cử động cơ thể, chân tay.

- Hầu hết các bác sĩ khoa sản đều khuyên rằng bà bầu không nên đi xa quá nếu mang thai trên 28 tuần. Nguyên nhân là vì nếu bà bầu đi máy bay quá lâu rất dễ dẫn đến hiện tượng sinh non, tăng huyết áp và những cục máu đông trong các tĩnh mạch ở chân.

- Ghế ngồi phải được trang bị dây an toàn tuyệt đối để không gây rủi ro cho mẹ và baby. Bạn nhớ phải thắt dây an toàn dưới bụng và trên đầu bắp đùi để an toàn tuyệt đối.

- Khi bay, bạn nên lưu ý giành ra một chỗ để đi lại trên quanh cabin ít nhất 20-30 phút một lần. Nếu bạn có những chuyến bay dài, nên tập các động tác thể dục cho chân khoảng 15 phút/lần để tránh hiện tượng đông máu và giãn tĩnh mạch.

- Nên uống nhiều nước đặc biệt là nước trái cây, sữa trong suốt chuyến bay vì độ ẩm thấp trong cabin có thể làm bạn dễ mất nước.

- Nếu bạn đang có vấn đề gì với thai nhi hoặc có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt vé. Bạn cũng nên có một y tá đi kèm trong chuyến bay nếu bạn có thể sắp xếp được.

Theo các nhà chuyên môn y tế, an toàn nhất là từ tuần lễ 18-24 của thai kỳ. Sau 36 tuần lễ sẽ có nhiều rủi ro sinh trên máy bay. Ngoài ra ở thời kỳ cuối này mà mẹ mang thai đôi, bị tiểu đường, cao huyết áp, xuất huyết âm đạo thì bác sĩ thường khuyên hoãn chuyến bay và ổn định bệnh tình.

Đối với các mẹ đi máy bay cùng với con nhỏ

Bạn cảm thấy em bé của bạn còn quá nhỏ để tham gia vào những kỳ nghỉ và bạn lo lắng băn khoăn có nên cho trẻ đi đường xa không. Bạn hãy yên tâm đi nhé, nếu bạn đã đủ sức khỏe thì hai mẹ con bạn có thể cùng với gia đình du xuân trong dịp Tết này. Bạn chỉ cần kiểm tra lại một số vấn đề sau trước khi lên đường:

- Con bạn đã được bao nhiêu ngày tuổi? Hầu hết các chuyên gia nhi khoa đều khuyên bạn không nên cho con đi du lịch bằng máy bay nếu con bạn chưa đủ sáu tuần tuổi. Khi còn quá nhỏ cơ thể em bé sẽ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những lúc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.

- Tai của bé có được an toàn không? Trong suốt chuyến bay, sự thay đổi của tầng áp suất sẽ ảnh hưởng đến tai giữa có thể làm đau hoặc ù tai. Để tránh cho bé khỏi bị ù tai, bạn nên sử dụng nút chặn tai cho bé trong suốt chuyến đi, bắt đầu từ khi máy bay chuẩn bị cất cánh cho đến khi máy bay đã hạ cánh và dừng hẳn. Nếu bé đang bị bệnh viêm nhiễm tai hoặc bệnh về đường hô hấp thì bạn nên hỏi kỹ bác sĩ xem có nên cho bé đi du lịch cùng gia đình không. Ảnh: Getty Images

- Bé có thể hít thở bình thường không? Có rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy chúng ta không hít thở bình thường trong những môi tường ô xy thấp, chẳng hạn như trong môi trường áp suất khí của khoang máy bay. Nhưng bạn cứ yên tâm, điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến cục cưng của bạn nếu bé có sức khỏe tốt. Trong trường hợp bé có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh hen suyễn thì bạn phải chắc chắn rằng bạn sẽ mang bé đi cùng bạn dưới sự cho phép của bác sĩ và bạn đã mang đủ thuốc đặc trị cần dùng cho bé.

- Chỗ ngồi của bé có an toàn không? Hầu hết những chiếc ghế dành cho trẻ đi xe hơi cũng có kích cỡ phù hợp với ghế máy bay. Đối với những máy bay có khoang dành riêng cho trẻ dưới 1 tuổi thì bạn cũng nên đặt bé trong một chiếc ghế nằm an toàn và nên đặt bé ở những chiếc ghế đầu tiên sát khoang lái. Nếu bé quấy khóc trong chuyến bay, bạn có thể đánh thức bé dậy để cho bé bú và vỗ về bé.

- Bé bú như thế nào? Sữa cho bé và giờ bú của bé trong suốt chuyến bay cũng là việc khá quan trọng. Đối với những chuyến bay ngắn thì bạn không phải quá bận tâm về điều này, nhưng đối với những chuyến bay dài hơn 2 tiếng thì bạn nên lên lịch để cho bé bú hoặc chuẩn bị sẵn những bình sữa được giữ ấm để bé bú trong suốt chặng đường. Để giúp bé ngoan ngoãn và thoải mái trong suốt chuyến bay bạn cũng có thể mang theo những đồ chơi nhỏ xinh mà bé quen thuộc hoặc những con gấu bông nhỏ để bé cảm thấy môi trường trên máy bay cũng không quá xa lạ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy