Đời người mất gì cũng được nhưng phải giữ cho chặt 1 thứ, mất rồi phúc cũng tiêu tan

14:48, Thứ tư 02/11/2022

( PHUNUTODAY ) - Bởi xem trọng đức Nhân, nên người xưa dẫu rơi vào bước đường cùng, thì vẫn bảo vệ phẩm giá, giữ gìn khí tiết, và khi đối diện với cái chết vẫn thể hiện được sự trong sạch và tôn nghiêm.

Khi chúng ta tiếp xúc với ai đó trong khoảng thời gian ngắn, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy vẻ bề ngoài của họ, nhưng khi tiếp xúc một thời gian dài, bạn sẽ phát hiện ra: Nhân phẩm, tính cách quan trọng hơn vẻ bề ngoài rất nhiều. Đây cũng là chìa khóa then chốt quyết định cho mối quan hệ đó có lâu bền hay không.

Empty

Nhân phẩm của một người, đó chính là mấu chốt của việc làm người, là giấy thông hành của đời người. Quyết định cho việc một người có thể đi bao xa, tương lai đạt được thành tựu gì hay không, đôi khi không phải học vấn thâm sâu bao nhiêu, địa vị cao thế nào, mà là phẩm hạnh của họ sâu dày ngần nào.

Một người có diện mạo xinh đẹp sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác “vui mắt” nhất thời, nhưng một người có tấm lòng rộng lớn, hành xử có đạo lý, thiện đãi với mọi người, sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy dễ chịu như làn gió mát, ai cũng muốn đến gần tiếp xúc với họ.

Lương tâm còn quý hơn cả bạc tiền, thiện tâm còn quan trọng hơn diện mạo. Người có tâm địa thiện lượng càng dễ nhận được sự tôn kính của người khác. Tâm nếu không đoan chính, người nếu không thiện lương, họa loạn sớm muộn cũng đến. Đức hạnh không xứng với địa vị thì dù tài sản có nhiều đến mấy, sớm muộn cũng tiêu tán. Nhân tâm hướng Thiện, vận may ắt sẽ tới.

Người có nhân phẩm tốt, họ có thể thông cảm và hiểu thấu cho những nỗi thống khổ của người khác, làm việc gì cũng đặt vào vị trí của đối phương để suy xét, điều gì bản thân không muốn thì sẽ không làm cho người khác. Họ làm gì cũng coi trọng đạo lý, nói chuyện và làm việc đều có chừng mực.

Người có nhân phẩm tốt đẹp sẽ không tính toán, thường lấy tấm lòng thanh bạch và trong sạch nhất để làm việc, làm người. Lấy thiện lương làm cái gốc để làm người, lấy từ bi để lập chỗ đứng giữa đời.

Thành công của một người không thể lấy tài phú hay địa vị để đo lường, mà phải dựa vào phẩm hạnh của người đó để đo lường. Người có lòng biết ơn, hiểu được cách tôn trọng người khác thì đức của họ sẽ lớn.

Sống ở đời, mất điều gì cũng được, nhất định đừng bao giờ đánh mất nhân phẩm.

Người có nhân phẩm lớn, người đời sẽ kính trọng. Người có nhân phẩm kém, ai cũng không muốn gần gũi. Nhân phẩm thể hiện nội hàm thâm sâu cũng như giá trị lâu dài của một người, nhân phẩm quan trọng hơn rất nhiều so với năng lực.

Một nhân cách tốt là tài sản quý giá nhất của đời người, bởi tính cách là then chốt quyết định cuộc sống và quyết định số phận.

Sống ở trên đời, cho dù đánh mất tất cả thì cũng đừng để mất nhân cách làm người

Trong Lễ Ký có ghi chép một câu chuyện xảy ra vào thời Xuân Thu.

CDFE1599-E30E-4168-9D93-61EE6E9CCDB0

Năm ấy, nước Tề bị mất mùa, người chết đói nằm la liệt khắp nơi. Có một người tên là Kiềm Ngao đã nấu cơm cứu đói rồi bày ra đường ban phát. Một ngày nọ, Kiềm Ngao thấy có người thất thểu đi tới, từ dáng vẻ có thể biết rằng anh ta đã bị đói lâu ngày. Kiềm Ngao một tay bưng cơm, một tay bưng nước rồi làm ra vẻ ban ơn, quát lớn rằng:

– Này, lại đây mà ăn!

Không ngờ người đói nọ ngẩng đầu lên nhìn Kiềm Ngao một lúc lâu rồi trả lời: “Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông nên mới ra nông nỗi này”, nói xong liền hiên ngang bỏ đi.

Người bị đói trong câu chuyện trên thà chết chứ không chịu cúi đầu, đứng trước mặt kẻ khinh thường mình đã giữ trọn nhân cách và sự tôn nghiêm của bản thân.

Mạnh Tử cũng từng viết:

“Một giỏ cơm, một bát canh, có được thì sẽ sống, không có thì chết đói. Nhưng nếu la hét mà bố thí thì người qua đường cũng không nhận; lấy chân đá mà bố thí thì ngay cả người ăn xin cũng chẳng thèm.” (Mạnh Tử – Cáo tử thượng)

“Ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại” – chết đói là chuyện nhỏ, nhưng thất tiết mới là chuyện lớn. Vì để giữ nhân cách và khí tiết, mà có người sẵn sàng nhịn đói đến chết, lại cũng có người suốt đời sống cảnh nghèo khổ long đong. Năm xưa, Nguyễn Khuyến không chịu luồn cúi chốn quan trường mà lui về ở ẩn, sống cuộc sống thanh bần nơi thôn dã. Khi triều đình hết năm lần bảy lượt mời ra làm quan, ông vẫn một mực khước từ, chọn giữ gìn nhân cách và phẩm giá của mình.

Cũng vậy, Đào Uyên Minh đã không vì năm đấu gạo mà chịu khom lưng khúm núm. Ông đã cáo quan về nhà, vui thú điền viên. Về sau nông điền liên tiếp gặp thiên tai, nhà lại cháy rụi, gia cảnh thì ngày càng túng bấn, nhưng ông vẫn cự tuyệt khi Thứ sử Giang Châu mang bổng lộc đến chiêu mời.

Vậy, vì sao người xưa lại coi trọng phẩm tiết hơn tất cả mọi thứ công danh hay vật chất đến vậy? Khổng Tử có câu rằng:

“Nhân giả, nhân dã” (仁者, 人也)

Ấy là, làm người phải có đức Nhân (仁) thì mới được gọi là người (人). Như vậy, không phải tiền tài, không phải địa vị, cũng không phải quyền lực hay gia cảnh bề thế, mà chính những phẩm đức tích luỹ qua quá trình tu dưỡng lâu dài mới khiến con người thực sự là “người”, mới khiến con người trở nên cao quý và tôn kính. Trong Vi lô dạ thoại có một câu nói mà ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy thật sâu sắc, và câu nói ấy, suy đến cùng, cũng là để nói đến chữ Nhân này:

Vô tài phi bần, vô học nãi vi bần;

Vô vị phi tiện, vô sỉ nãi vi tiện;

Vô niên phi yểu, vô thuật nãi vi yểu;

Vô tử phi cô, vô đức nãi vi cô.

Dịch nghĩa:

Không tiền bạc không phải là nghèo – không có học mới là nghèo;

Không địa vị không phải là hèn – không có liêm sỉ mới là hèn;

Không sống lâu không phải là yểu mệnh – không có những việc đáng kể lại mới là yểu mệnh;

Không con cái không phải là cô độc – không có đức mới là cô độc.

Vậy thì, xoay trở lại mà nói, giữa cái bộn bề của cuộc sống, giữa cái bon chen của cuộc đời, thì dù bạn đang thấy mình chịu tổn hại, cũng đừng quên rằng: Cuộc đời như gió thoảng mây trôi, danh lợi như phù du chìm nổi, nhưng chỉ riêng một chữ “Nhân” này là sống mãi…

chia sẻ bài viết
Theo:  xevathethao.vn copy link
Tác giả: Mộc