Chân giò là một trong những thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng, chủ yếu là protein và chất béo. Còn lại là hàm lượng canxi, sắt, vitamin A, B, C nhất định. Người ta ước tính cứ trong 100g chân giò lợn có chứa 15,8g protit; 26,3g mỡ; 1,7g chất tổng hợp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được chân giò, những trường hợp dưới đây được khuyến cáo không nên ăn món ăn này.
Người bị viêm gan mãn tính
Khi tế bào gan bị tổn thương, sẽ dẫn đến sự viêm nhiễm, tình trạng này kéo dài trên 6 tháng sẽ được coi là viêm gan mạn tính.
Khi gan bị viêm mạn tính người bệnh sẽ có những biểu hiện như suy nhược cơ thể, vàng da, vàng mắt, có thể là mẩn ngứa, nổi mụn nhọt,…
Thông thường viêm gan là do sự rối loạn về trao đổi chất, hệ thống tuần hoàn của gan bị rối loạn, virus viêm gan gây nên,...
Nếu ăn móng giò thì lượng dinh dưỡng lớn của móng giò khi vào cơ thể sẽ làm sự rối loạn chất trở nên trầm trọng, các chất béo không có lợi cho cơ thể sẽ làm bệnh nặng nề hơn.
Do đó,những người bị viêm gan không nên ăn móng giò trong thời điểm bị bệnh.
Người bị sỏi thận
Đây là căn bệnh rất thường gặp trong các bệnh thuộc đường tiết niệu. Bệnh thường khởi phát do sự rối loạn trong trao đổi chất khoáng ở hệ tiết niệu. Những chất phải hòa tan và đào thải qua đường tiểu nhưng lại tích tụ lại thành sỏi trong thận.
Bên cạnh đó việc nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể cũng là một nguyên nhân khiến bạn mắc sỏi thận. Trong khi móng giò lại là thực phẩm chứa nhiều chất béo, dinh dưỡng cao. Vì vậy, những người mắc bệnh sỏi thận nếu ăn móng giò thì bệnh sẽ càng tệ hơn.
Người thừa cân hoặc béo phì
Người thừa cân, béo phì đương nhiên sẽ có lượng mỡ dư thừa và việc bổ sung thêm dinh dưỡng, chất béo trong móng giò là điều không cần thiết, hơn nữa nó sẽ khiến bạn tăng cân nhiều hơn.
Do đó, loại móng giò ra khỏi thực đơn của người bệnh béo phì, thừa cân. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm rau củ quả, vitamin, nên hạn chế tối đa những chất béo để giảm cân nặng và đảm bảo sức khỏe của bạn.
Một số món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ móng giò
Dưỡng huyết, an thần: Móng giò 2 cái, tim lợn 1 quả, địa du tươi 30g. Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi; tim lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả đem hầm thật nhừ trong lửa nhỏ, khi được chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, an thần, dùng tốt cho bệnh nhân bị động kinh.
Kiện tỳ, dưỡng huyết, kích thích tiêu hóa: Móng giò lợn 1 cái, nấm hương 150g, gia vị vừa đủ. Móng giò lợn làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ. Sau đó cho nấm vào đun chín, chế thêm gia vị là được, ăn nóng. Món này có tác dụng bồi bổ âm dương, kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết, kích thích sự thèm ăn, thích hợp với người bệnh suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh.
Cải thiện tuần hoàn khí huyết, dưỡng da: Móng giò lợn 2 cái, lạc nhân 100g, đại táo 10 quả. Móng giò lợn làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ cùng với lạc nhân, đại táo chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ khí ích huyết, hoạt huyết, phòng ngừa và chữa trị bệnh thiếu dinh dưỡng của da, phòng chống nếp nhăn trên da mặt.