Trong 6 tháng đầu năm 2013, khoa Cấp cứu Bệnh viện Tâm thần TP HCM tiếp nhận 74 bệnh nhân gây hấn, đánh người, đập phá đồ đạc sau khi sử dụng ma tuý, trong đó có 68 người khai dùng ma tuý tổng hợp không rõ loại.
Phòng cấp cứu Bệnh viện Tâm thần thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân chơi ma túy đá có biểu hiện rối loạn hành vi. Ảnh: Trung Hào
Ba tháng đầu năm 2012, bệnh viện này cũng tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân đến khám với các triệu chứng chủ yếu là rối loạn cảm xúc, như: hành vi cư xử bất thường, kích động, cự cãi, đánh người, đập phá đồ đặc, giảm khả năng định hướng lực, quờ quạng, nói nhảm do liên quan đến ý nghĩ hoang tưởng, ảo giác ảo thị được chẩn đoán lạm dụng hoặc phụ thuộc ma túy.
Tất cả bệnh nhân đều khai báo dùng ma túy tổng hợp như methamphetamine, cannabis, được gọi chung là “hàng đá” và tất nhiên không ít bạn trẻ dùng cả heroin và các loại ma túy tổng hợp cùng lúc để tăng cảm giác “phê”.
Tại khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP HCM trong những ngày cuối năm 2013, các bác sĩ cũng ghi nhận nhiều trường hợp tự bẻ gãy dương vật. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân dùng ma túy tổng hợp bởi các thanh niên này nhập viện thường trong tình trạng lờ đờ như phê thuốc.
Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, cho rằng nhiều khả năng hung thủ cắt chân chị gái ở Bệnh viện Xanh Pôn đã sử dụng một loại ma túy tổng hợp tên là Ecstasy. Khi sử dụng với liều cao hoặc dùng liều thấp kéo dài (trên 2-3 tháng), người dùng có thể bị hoảng tưởng, ảo giác, trong đầu xuất hiện các ảo thanh xui khiến.
"Những trường hợp như tự cứa cổ mình, cầm dao đi gặp ai là đâm chém, nhảy lầu tự tử... sau khi dùng ma túy tổng hợp này chúng tôi đều đã gặp, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi biết thông tin về chuyện dùng dao cưa chân chị như trường hợp vừa xảy ra", bác sĩ Huy nói.
Ông nhớ rõ trường hợp một nam bệnh nhân 30 tuổi từng tưởng tượng mình "mọc cánh", biết bay và nhảy từ trên lầu xuống sau khi sử dụng ma túy tổng hợp này.
Hàng đá bị công an thu giữ hồi tháng 6 ở Hải Phòng. Ảnh: Hải Biên
“Nhiều bệnh nhân trẻ nghĩ rằng các loại ma túy tổng hợp không gây nghiện và an toàn hơn sau khi chúng được thải hết khỏi cơ thể. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm”, bác sĩ Phạm Văn Trụ, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết.
Ma túy đá hay còn gọi hàng đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp, có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph) được phối trộn phức tạp từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau, trong đó thành phần chính, phổ biến là methamphetamine. Loại ma túy tổng hợp này hình dạng là những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính (bột ngọt) hoặc giống hạt muối.
Ngay khi sử dụng, ma túy tổng hợp sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Người dùng có thể làm những điều mà khi tỉnh táo họ không thể như chạy xe tốc độ cao, tự hủy hoại cơ thể mình, nhẹ hơn là nhảy nhót, la hét…
Theo ông Trụ, bác sĩ chuyên khoa tâm thần không khó khăn để phát hiện những bệnh nhân phần lớn là thanh niên đến khám với dáng vẻ rũ rượi, ngồi đứng đi tới đi lui vì ảo giác và suy giảm định hướng không gian, lời nói và ý tưởng không “dính kết” vì suy giảm khả năng nhận thức, dễ gây gổ.
Ông Trụ cho biết, theo nghiên cứu của tiến sĩ Russel C.Callaghan (Trung tâm nghiện và sức khỏe tâm thần Toronto Canada), người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp 9 lần so với người không sử dụng và cao gấp 1,5 đến 3 lần so với bệnh nhân nghiện nặng cocaine hoặc các chất dạng thuốc phiện (mà không sử dụng thêm cần sa).
Phó giáo sư Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) còn cho biết người "đập đá" hay nảy sinh ham muốn tình dục và nhiều nhóm đã sử dụng chất này rồi quan hệ tình dục tập thể. Nhiều người bị ngộ độc ecstacy còn sinh trầm cảm, có ý muốn tự sát.
"Đập đá gây nghiện và có sức phá hủy con người rất nhanh. Điều trị chứng nghiện đập đá không đơn giản, và việc khó hơn là làm thế nào để người nghiện chịu hợp tác với thầy thuốc", ông nói.