Ngày 20-11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau một thời gian điều tra đã khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng Nguyễn Văn Tiết (64 tuổi), cán bộ nghỉ hưu, trú tại xã Kim Phú huyện Yên Sơn cầm đầu, cùng với đồng phạm Nguyễn Hoàng Khôi (68 tuổi), cán bộ nghỉ hưu và Lâm Páo (64 tuổi), có 1 tiền án, cùng trú tại phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang.
Đồng thời, Cơ quan điều tra khởi tố hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 7 đối tượng liên quan gồm: Đào Thị Hương (59 tuổi), Nguyễn Thị Thủy (67 tuổi), cùng trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; Hà Thị Dũng (49 tuổi), trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; Hà Thị Thanh (52 tuổi), giáo viên tiểu học; Nguyễn Thị Dung (53 tuổi), giáo viên tiểu học; Thèn Văn Minh (53 tuổi), giáo viên tiểu học và Vũ Văn Hưng (30 tuổi), cùng trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Qua tài liệu của Cơ quan điều tra, Tiết, Páo và Khôi có mối quan hệ bạn bè thân thiết, thường xuyên qua lại với nhau. Từ năm 2012, các đối tượng đã câu kết, lên kế hoạch lừa đảo xin việc.
Lợi dụng sự cả tin của nhiều người, dù không có bất kỳ mối quan hệ nào nhưng các đối tượng đã rêu rao, khoe “mẽ” mình có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều người, có thể xin cho những đã học xong các trường đại học, cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp vào làm việc tại các cơ quan của Nhà nước tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận với số tiền chi phí xin việc từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Theo đó, các đối tượng có thể xin việc cho những người là con em dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vào học cử tuyển tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên với số tiền chi phí xin đi học là 230.000.000đ; xin vào làm Viettel ở Tuyên Quang, Hà Nội hay An ninh sân bay Nội Bài thì chi phí hồ sơ là 80 triệu đồng. Ngay cả việc xin vào làm bảo vệ quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) cũng phải có tiền bọn chúng mới xin cho.
Để có nhiều nạn nhân rơi vào bẫy, Tiết, Páo, Khôi móc nối với Hương, Dũng, Thủy, Hưng và 3 giáo viên trường tiểu học ở huyện Chiêm Hóa là Minh, Thanh, Dung đi thu hồ sơ, tiền nộp cho Tiết. Sau đó, Tiết sẽ chi trả tiền công cho các đối tượng với mỗi bộ hồ sơ từ 3 đến 5 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2012 đến tháng 8-2016, các đối tượng nói trên đã nhận nhiều hồ sơ xin đi học Đại học Y Thái Nguyên theo hệ cử tuyển và nhận rất nhiều hồ sơ xin vào làm việc tại các cơ quan của Nhà nước để chiếm đoạt tiền.
Con số bị hại đã lên tới 100 người, với số tiền bọn chúng chiếm được là 2 tỷ đồng. Để hợp thức hóa số tiền cầm của bị hại/ 1 bộ hồ sơ, Tiết và đồng bọn rất tinh vi khi sử dụng giấy vay nợ.
Trình báo tại Cơ quan điều tra, nạn nhân Bùi Thị Kim Liên (56 tuổi), trú tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thẫn thờ cho biết, gia đình chị rất vất vả, khó khăn nhưng nghe lời các đối tượng, đã vay mượn khắp nơi được 180 triệu đồng để xin việc cho con trai vào làm tại Viettel Hà Nội.
Khi nhận tiền, Tiết viết cho chị Liên một giấy vay nợ với nội dung vay của chị Liên số tiền trên. Chờ mãi không thấy nơi xin việc gọi đi làm, liên hệ điện thoại đòi tiền Tiết nhưng không thấy bắt máy.
Cùng chung với hoàn cảnh chị Liên, bà Trần Thị Duy, trú tại TP Tuyên Quang vì muốn xin việc để con trai làm việc tại Viettel Tuyên Quang cũng vay mượn số tiền 200 triệu đồng để đưa cho Tiết và đồng bọn.
Ngoài ra, Tiếp nhận của Tạ Thị Tuyến, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang 3 bộ hồ sơ và 200 triệu đồng để xin cho con của Tuyến tên là Trần Quỳnh vào làm bảo vệ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Khi nhận tiền, Tiết viết Giấy biên nhận giao cho Tuyến cất giữ. Đến tháng 1-2015, Tiết nhận thêm của Tuyến 15 triệu đồng nhưng không làm giấy tờ gì. Tổng cộng Tiết đã nhận của Tuyến 215 triệu đồng.
Khoảng tháng 7-2015, Tiết nhận của ông Đặng Xuân Hà, trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, số tiền 230 triệu đồng và một bộ hồ sơ xin để xin cho con trai ông Hà đi học Đại học Y dược Thái Nguyên theo hệ cử tuyển. Khi hồ sơ và nhận tiền, Tiết viết cho ông Hà một giấy vay nợ với nội dung vay của ông Hà số tiền này.
Tiết không xin được cho con ông Hà đi học, ông Hà đòi lại tiền. Đến ngày 17-5-2016, Tiết đã trả lại cho ông Hà 115 triệu đồng nhưng vẫn còn chiếm đoạt của cho ông Hà 115 triệu đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục mở rộng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng bằng thủ đoạn lừa đảo “chạy” việc
Ngày 4-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố hai đối tượng Trần Thị Phượng và Thái Thị Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 26-10, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp và tạm giữ đối tượng Trần Thị Phượng (54 tuổi) trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh. Sau đó, hai đối tượng trong đường dây là Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng đã đến cơ quan công an đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Lợi dụng nhu cầu xin việc làm của nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành y, Trần Thị Phượng đã nói với mọi người mình có khả năng xin được việc làm tại các bệnh viện trong tỉnh.
Hơn 60 trường hợp đã tin tưởng và giao cho Phượng số tiền trên 10 tỷ đồng để nhờ xin việc cho con em mình. Trần Thị Phượng chuyển hồ sơ và một phần tiền cho Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng để “chạy” việc. Tính đến thời điểm trước khi bị bắt, số tiền mà Trần Thị Phượng chiếm giữ là khoảng 3 tỷ đồng, Thái Thị Lan chiếm giữ gần 7 tỷ đồng.
Thượng tá Đặng Văn Hoạt, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An cho biết: "Hiện mới có khoảng 20 người là nạn nhân của các đối tượng trên đến trình báo.
Chúng tôi đề nghị những gia đình nào đã từng đưa tiền cho các đối tượng Trần Thị Phượng, Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng để nhờ xin việc thì hãy nhanh chóng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An trình báo, cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra".
Do nhu cầu việc làm, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn với mong muốn tìm được cho con em mình một công việc ổn định. Đánh vào tâm lý đó, các đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây là một bài học cảnh giác cho những người đang muốn tìm việc làm thông qua trung gian, môi giới.