F0 khỏi bệnh và tái nhiễm chỉ sau 1-2 tháng: BS chỉ rõ lý do, nhắc nhở điều quan trọng nhất trong mùa dịch

13:43, Chủ nhật 27/02/2022

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người tưởng rằng, đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh thì sẽ không phải lo mắc bệnh, ít nhất là trong khoảng 6 tháng. Tuy nhiên thực tế có người tái nhiễm khi mới khỏi được 1 tháng.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Số ca mắc mới đang tăng lên từng ngày. Trong đó, có nhiều trường hợp âm tính rồi nhưng tái nhiễm chỉ sau 1-2 tháng.

Thắc mắc trên báo, một bạn đọc hỏi rằng: Em trở thành F0 cách đây 2 tuần. Sau một tuần “chiến đấu” ròng rã thế là cũng khỏi rồi bác sĩ ơi! Em mừng quá! Liệu đã từng nhiễm và khỏi bệnh rồi thì có nguy cơ mắc lại không ạ? Có phải ít nhiều thì nguy cơ cũng giảm so với những người chưa từng bị phải không bác sĩ? Vậy là từ giờ em có thể yên tâm ra ngoài mà không sợ mình bị Covid-19 nữa đúng không ạ?

Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Y dược) chia sẻ như sau:

Đầu tiên xin chúc mừng bạn vì đã khỏi bệnh. Tuy nhiên bạn cũng như bất cứ ai đừng có tư tưởng mình "bất tử", không bao giờ bị bệnh nữa sau khi đã khỏi Covid-19. Nhiều người khỏi rồi là chủ quan, nghĩ rằng không bao giờ mình bị tái nhiễm lần nữa. Nhưng hiện nay, không ít các trường hợp đã ghi nhận tái nhiễm sau 1-2 tháng khỏi bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên là do miễn dịch của chúng ta. Nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian nên có khả năng tái nhiễm là chuyện bình thường.

Hai là, chúng ta tái nhiễm Covid-19 nhưng tái nhiễm các biến chủng khác nhau. Sự khác biệt giữa các protein gai càng lớn của các biến chủng thì chúng ta lại càng ít có miễn dịch chéo. Tức là miễn dịch của cơ thể tạo ra để chống lại biến chủng này không đủ để ngăn cản biến chủng phía sau. Ví dụ lần đầu bạn nhiễm chủng Delta thì lần sau bạn vẫn có nguy cơ nhiễm chủng Omicron. Thế nên, bạn cũng như bất cứ ai tuyệt đối không được chủ quan nhé!

Khỏi bệnh rồi thì chúng ta vẫn thực hiện tốt 5K (bao gồm đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế đầy đủ) để tránh nguy cơ tái nhiễm tốt nhất có thể!

8

Vẫn câu chuyện tái nhiễm này. Anh Duy 41 tuổi ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình như sau:

"Tôi thực sự hoang mang, không hiểu sao có thể mắc Covid-19 đến hai lần trong vòng một tháng", anh nói. Chỉ mới hôm 23 Tết anh không còn các triệu chứng Covid-19, cơ thể khỏe mạnh. Vài ngày trước, vợ anh cùng một vài đồng nghiệp của anh dương tính. Hôm 22/2, anh Duy xuất hiện triệu chứng mệt, ho húng hắng, đau rát họng, không sốt, test nhanh rồi xét nghiệm PCR kết quả đều dương tính. Anh cho rằng có thể mình đã lây nhiễm lần nữa từ vợ.

Chị Ngân, 37 tuổi, trú tại quận Ba Đình, cũng gặp tình trạng tương tự. Chị mắc Covid-19 vào cuối tháng 1 đã khỏi, đến ngày 19/2 rát họng, chảy nước mũi, test nhanh kết quả dương tính. "Lần này các triệu chứng nhẹ hơn trước, tôi không bị mất mùi vị và sốt", chị nói và cho biết thêm một vài người bạn của chị cũng tái nhiễm kể từ sau Tết.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), người điều trị hai bệnh nhân trên, cho biết một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0, 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 3 tuần đến một tháng. Bác sĩ nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến chủng mới.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng gặp một vài trường hợp tái nhiễm. Các bệnh nhân dương tính sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

Giải thích hiện tượng trên, bác sĩ Phúc cho biết sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập nCoV. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Do đó, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. "Ví dụ lần dương tính đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron", bác sĩ Phúc nói.

Một giả thiết được bác sĩ Hoàng đưa ra, là có thể lần xét nghiệm âm tính đầu tiên, bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc này nCoV không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng ở sâu trong phổi vẫn còn. Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến nCoV vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính. Điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp cùng tỷ lệ lây nhiễm cao như hiện nay, các bác sĩ cho rằng khả năng rất cao hiện tượng tái nhiễm xảy ra, khi triệu chứng xuất hiện lại và họ thuộc nhóm nguy cơ (khi xung quanh có nhiều người thân hoặc đồng nghiệp mắc Covid-19).

"Để chắc chắn là tái nhiễm, cần giải trình tự gene virus. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm", ông Hoàng nói.

Các nghiên cứu đến nay chỉ ra, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào. Ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ một người khỏi lần lây nhiễm thứ hai, các tế bào T (tế bào miễn dịch sát thủ) cũng ngăn ngừa chuyển nặng và tử vong. F0 hiếm khi gặp triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm nCoV, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh.

Tái nhiễm sẽ giúp tăng cường miễn dịch ở người bệnh. Nó có vai trò như liều vaccine tăng cường. Song bệnh nhân vẫn không được bảo vệ 100%. Nhiều dữ liệu cho thấy một số người tái nhiễm trên hai lần.

Các bác sĩ cho rằng, người càng lớn tuổi, bệnh nền, người bị suy giảm chức năng miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, cấy ghép tạng, người chưa tiêm vaccine... khả năng tái nhiễm cao hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo
Từ khóa: covid-19 tái nhiễm F0