Các giai đoạn của F0
Cũng theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, có 3 giai đoạn trong diễn biến bệnh COVID-19.
Theo đó, một người nhiễm virus SARS-CoV2 sau thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày (với chủng Delta, người bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn hơn) có thể phát bệnh.
- Giai đoạn khởi phát trung bình 5-7 ngày. Người bệnh có thể có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, đau mỏi người,.. hoặc không triệu chứng. Sau giai đoạn này, phần lớn người bệnh chuyển ngay sang giai đoạn 3 là giai đoạn hồi phục. Nhưng có một số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn 2 với những tình trạng nặng hơn.
- Giai đoạn toàn phát diễn ra sau 4-5 ngày với những tổn thương ở các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thận, thần kinh…
- Giai đoạn hồi phục giữa các mức độ bệnh cũng khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài. Trong khi những trường hợp nặng thì biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng. Còn những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài..
Trung bình thời gian có virus ở hầu họng bệnh nhân để có thể có xét nghiệm dương tính là 7-8 ngày.
Thực tế hiện nay, số F0 nhẹ/không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi âm tính trở lại, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng… đã thoái lui, các F0 xuất hiện tâm lý chủ quan âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, họ bỏ hết việc theo dõi sức khoẻ, chỉ số SpO2 – chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi. Theo các bác sĩ, điều này là sai lầm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, việc người bệnh chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng – nhẹ của bệnh. Độ nặng của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus.
Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh.Nếu đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên.
Nếu bão cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
Sai lầm khi test nhanh
Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.
Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.
Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.
Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.
Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…