Việc ăn cơm tưởng chừng vô cùng đơn giản nhưng thực tế nếu ăn không đúng cách cũng có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe.
Ăn cơm sau khi ăn thức ăn
Việc trẻ ăn riêng biệt giữa cơm và thức ăn ở các hộ gia đình hiện nay không phải là hiếm. Tuy nhiên, ăn như thế sẽ ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
BS Nguyễn Liên nguyên khoa dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai việc trẻ ăn thức ăn trước sau đó ăn cơm là hoàn toàn không nên bởi việc ăn thức ăn trước , đặc biệt là thức ăn có chứa nhiều đạm trước sau đó mới cho trẻ ăn ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của trẻ cũng như việc ăn uống lâu dài.
Thói quen ăn uống như vậy là mầm mống hình thành các bệnh mãn tính sau này, đặc biệt là bệnh gout. Bởi, khi thức ăn vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa các chất đạm thành axit uric (tác nhân gây bệnh gout), chất này sẽ không chuyển hóa ra ngoài mà nó sẽ bám vào các khớp và tích tụ dần dần.
Ngoài ra, việc cho trẻ ăn thức ăn trước sẽ gây ra hậu quả là trẻ chán cơm, từ đó không có đủ chất tinh bột, điều này sẽ dẫn đến việc trẻ bị suy dinh dưỡng. Điều đó cũng lý giải vì sao trẻ ăn nhiều đạm mà vẫn bị suy dinh dưỡng.
Vì thế không nên cho trẻ ăn riêng biệt cơm với thức ăn, dù là cho ăn cơm trước hay thức ăn trước cũng không nên, mà phải ăn cùng nhau trong một khẩu phần bữa ăn.
Cơm chan canh
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, nhiều người thường có thói quen ăn cơm là phải chan với canh, bởi như thế cơm sẽ dễ nuốt trôi vào dạ dày, dễ ăn hơn. Nhưng ít người biết khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe.
Nếu vừa ăn cơm vừa chan canh khiến cơm bị mất đi chất protein, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cơm. Mặt khác, ăn cơm chan canh lâu ngày sẽ làm cho hệ tiêu hóa, cũng như hoạt động của thành ruột, dạ dày trở nên lười biếng, ít tiết dịch để co bóp hơn, gây ra các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa như đau dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa… Điều này càng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Không ăn cùng chất xơ
Vẫn theo PGS Nguyễn Thị Lâm, cơm là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Song khi ăn cơm nhiều người chỉ chú trọng ăn kèm thức ăn mặn có nguồn gốc từ đạm và chất béo mà bỏ qua rau củ. Thậm chí, nhiều người không hề ăn rau. Đây là một sai lầm khi bỏ qua tầm quan trọng của chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày.
Theo đó, chất xơ có chủ yếu trong trái cây, rau, ngũ cốc còn nguyên cám, các hạt họ đậu. Chúng có tác dụng ngăn chặn cảm giác thèm ăn ngăn chặn béo phì. Đồng thời trước lo ngại ăn nhiều tinh bột gây đái tháo đường, chất xơ từ rau củ rất hữu ích trong việc tạo ra “màng lưới” làm chậm quá trình đường hấp thu vào máu. Do đó, khi cơ thể nạp tinh bột, việc tiêu thụ nhiều rau và trái cây sẽ luôn là trợ thủ đắc lực. Từ đó, hạn chế các căn bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…
Ngay cả với các bệnh nhân đái tháo đường cũng được khuyến nghị ăn gạo lứt (hay còn gọi là gạo lật) thay cho gạo trắng. Bởi gạo lứt về bản chất là gạo còn nguyên lớp cám ngoài vỏ gạo, chính là phần chất xơ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.
Theo PGS Lâm, khi ăn cơm, chúng ta cần phải cân đối 3 nhóm chất còn lại bao gồm chất béo, đạm và vitamin, khoáng chất, nhất là không được quên ăn thêm nhiều rau củ. Trong đó, nên tăng cường ăn rau xanh lá. Ngoài ra, khi chế biến rau củ, chuyên gia khuyên nên ăn ngay bởi trong quá trình đun nấu, lượng vitamin có thể tan biến từ 70-80%, nếu để lâu, số còn lại cũng sẽ không còn.
Những sai lầm chết người khi ăn cà rốt cần loại bỏ cấp tốc (Sức khỏe) - (Phunutoday) - Những thói quen khi ăn cà rốt dưới đây cần loại bỏ ngay để tránh không mang bệnh vào người. |