Tính từ 7/1-12/1/2022, trung bình thành phố ghi nhận 2.836 ca/ngày. Hiện tại, thành phố đang điều trị 53.515 người. Trong đó, 351 người đang điều trị tại bệnh viện trung ương; 52.964 người bệnh đang được các tầng quản lý và điều trị (điều trị tại nhà 42.652 người, điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện 5.820 người, điều trị tại cơ sở thu dung thành phố là 1.335 người, điều trị tại các bệnh viện 3.157 người).
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 13/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh về công tác điều hành phòng chống dịch Covid-19 và việc triển khai phần mềm quản lý người nhiễm Covid-19. Rà soát sẵn sàng chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi.
Ông Dũng cũng yêu cầu các đơn vị vẫn còn số người cao tuổi có bệnh lý nền còn cao, không đi đến điểm tiêm chủng lưu động được như: Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín…báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao này. Các đơn vị đều cam kết đẩy nhanh tiến độ, tuyên truyền, tăng cường các tổ tiêm tại nhà để nhanh chóng tiêm vắc xin cho đối tượng này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể nói rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, vì vậy Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của tất cả các nước. Hiện đã có một số nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng vì vậy không thể nóng vội. Chúng ta phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ...