Tôm hấp là món ăn có hương vị thơm ngon, cách chế biến đơn giản lại bổ dưỡng. Tuy nhiên, tôm vốn là thủy sản nên sẽ có mùi tanh tự nhiên. Khi chế biến, nếu không cẩn thận thì tôm sẽ có mùi tanh khó ăn. Để tránh tình trạng tôm bị tanh và thịt không chắc ngọt, bạn hãy lưu lại những mẹo nhỏ dưới đây.
Khi hấp tôm, dùng nước nóng hay nước lạnh mới đúng? Đây là vấn đề nhiều người thắc mắc.
Trên thực tế, đối với tôm, bạn nên sử dụng nước nóng. Tôm có khả năng hấp thụ nhiệt nhanh. Nó rất nhanh chín so với các loại thịt hay thủy hải sản khác. Bạn chỉ cần nấu vài phút là tôm đã chín và có thể sử dụng được.
Nếu sử dụng nước lạnh, thời gian làm chín tôm sẽ lâu hơn. Khi đó, mùi tanh của tôm vốn được giải phóng bớt nhưng lại hấp thụ trở lại khiến tôm bị tanh hơn. Thời gian luộc lâu cũng khiến thịt tôm bị khô dai và bớt ngọt.
Khi hấp tôm, để tăng thêm hương vị, tạo mùi thơm cho món ăn, bạn cần cho thêm một số loại gia vị. Thông thường, với món tôm hấp, bạn có thể cho vài lát gừng, 2-3 nhanh sả đập dập vào hấp cùng tôm. Chỉ cần những loại gia vị đơn giản này là đã đủ để tôm thơm ngon, không bị tanh. Không cần thêm quá nhiều gia vị vì nó có thể khiến tôm bị kém ngon.
Ngoài ra, thay vì sử dụng nước lã để hấp tôm, bạn có thể sử dụng bia. Bia sẽ giúp món tôm thơm ngon hơn và không bị tanh.
Hãy ướp tôm với 1/2 lon bia lạnh (hoặc rượu trắng) và để trong vài phút. Bước này giúp khử mùi tôm, tôm hấp lên cũng có màu đỏ đẹp mắt hơn.
Với cách hấp tôm bằng bia, bạn có thể cho bia vào nồi, đun sôi rồi bỏ tôm vào vỉ hấp cách thủy hoặc đun sôi một nồi nước, cho tôm cùng với 1/2 lon bia vào đun cho đến khi tôm con lại, vỏ chuyển màu đỏ hoàn toàn thì vớt ra.
Lưu ý, chỉ cần thấy con tôm chuyển màu đỏ, thân cong lại thành nửa hình tròn là có thể tắt bếp và lấy tôm ra. Không nên nấu quá lâu khiến tôm cong gặp, đầu chạm sát vào đuôi. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm quá chín, phần thịt sẽ bị khô xác và mất đi độ ngọt tự nhiên.
Tôm hấp xong nên ăn ngay khi còn nóng để đảm bảo hương vị thơm ngon tự nhiên và không bị tanh.