Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - người bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga 2007) mới đây đã chia sẻ về lần gặp gỡ thân chủ mới đây. Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hoa hậu Phương Nga vẫn khỏe mạnh, tự tin và bản lĩnh, có niềm tin mình vô tội và giữ quyền im lặng trong quá trình điều tra bổ sung.
Phương Nga cho rằng cái được gọi là "hợp đồng tình cảm" chỉ là bản cam kết cô viết theo yêu cầu của ông Mỹ, chỉ có một bản và do ông Mỹ giữ. Nội dung thể hiện Nga nhận 16,5 tỷ đồng và phải làm người yêu của ông ta trong 7 năm.
Người đẹp cũng khẳng định những nội dung email trao đổi giữa ông Mỹ và cô lan truyền trên mạng là có thật. Ông Mỹ đã gửi cho cô để gợi ý viết cam kết.
Kết thúc buổi gặp gỡ luật sư, cô nhờ ông lần sau vào trại giam nhớ mang theo lời bài hát "Cành hoa trắng" của nhạc sĩ Đức Trí cho cô.
“Trong trại giam không có giấy bút nên tôi không biết cô ấy có sáng tác gì thêm không. Nhưng trước đó, Nga từng được biết đến là một người đa tài, ngoài làm MC, diễn viên, người mẫu ảnh, cô còn tham gia viết lời cùng Đức Trí nhiều ca khúc khá phổ biến như: Có lẽ muộn màng, Mong manh tình về, Đông dịu ngọt, Ký ức vuột mất...”, luật sư Hưng cho hay.
Vụ án tình - tiền hay lừa đảo?
Vụ án đã được Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã có kết luận điều tra bổ sung lần 2 với nhiều tình tiết quan trọng.
Theo nội dung vụ án từng đưa ra xét xử: Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, hoa hậu người Việt tại Nga) có mối quan hệ khá thân thiết với một “đại gia” là ông Cao Toàn Mỹ (cư ngụ tại TP. HCM). Sau một thời gian quen nhau, Nga cho ông Mỹ biết mình có nhiều mối quan hệ và có thể mua được các căn hộ rẻ hơn so giá thị trường nhiều lần. Nga được ông Mỹ tin tưởng chuyển 6 tỷ đồng để mua giúp một căn nhà ở quận 5, TP.HCM. Sau đó một thời gian, Nga báo lại ngôi nhà này đã bị người khác mua trước nên tiếp tục “tư vấn” ông Mỹ qua mua một căn nhà khác ở quận 2 với giá 20 tỷ đồng, nhưng chỉ cần bỏ ra số tiền 16,5 tỷ đồng. Tin tưởng, doanh nhân này tiếp tục chuyển đúng số tiền mà Nga yêu cầu. Thế nhưng một lần nữa Nga thất hẹn với nhiều lý do, không trả lại tiền và sau một thời gian, Nga tìm cách lánh mặt, chặn liên lạc dù nhà chưa bàn giao cho ông Mỹ.
Tiền mất, nhà không thấy đâu nên nạn nhân tố giác với cơ quan chức năng sự việc. Hoa hậu Phương Nga bị bắt vào tháng 3/2015 và bị truy tố về tội Lừa đảo chiểm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử vừa qua, Nga khai nhận rằng số tiền 16,5 tỷ đồng ông Cao Toàn Mỹ chuyển khoản cho mình không phải để mua nhà mà là sự thỏa thuận quan hệ tình cảm trong 7 năm và có cả “hợp đồng tình dục” mà hai bên ký kết. Còn ông Mỹ thì khẳng định chỉ có mối quan hệ làm ăn với Nga và việc chuyển tổng cộng 16,5 tỷ đồng là để mua nhà.
Hội đồng xét xử sau đó đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ có hay không bản hợp đồng tình dục giữa Nga và ông Cao Toàn Mỹ do ông Mỹ gửi từ địa chỉ email cungtimhieu@gmail.com mà Nga cung cấp tại phiên tòa.
Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2 của CQĐT Công an TP. HCM, ông Mỹ khẳng định mình không hề sử dụng địa chỉ email này. Để làm rõ, Công an TP. HCM đã đề nghị Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) hỗ trợ xác minh địa chỉ email còn tồn tại hay không, ai là người sử dụng email này. Tuy nhiên, theo trả lời của C50, các nội dung này được bảo mật theo chính sách cung cấp dịch vụ của Google được pháp luật Việt Nam bảo vệ nên không thể đáp ứng yêu cầu của Công an TP Hồ Chí Minh. Do đó, Công an TP. HCM có thể liên hệ qua bộ phận Interpol để đề nghị Google hỗ trợ.
Kết luận cũng nêu, khi ông Cao Toàn Mỹ làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an, Phương Nga đã thuê Thân Tấn Dũng (37 tuổi, ngụ tại quận 3) để đe dọa ông Mỹ phải rút đơn tố cáo. Phương Nga thuê Dũng với giá 200 triệu đồng, và đã đưa trước 120 triệu. Tuy nhiên, sau đó hai bên phát sinh mâu thuẫn nên Phương Nga không thuê Dũng nữa.
Tiếp đến, Phương Nga thuê ông Nguyễn Văn Yên làm giả giấy chứng nhận tiền đặt cọc 16 tỷ đồng bán căn nhà ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) và 2 giấy hoàn trả tiền cọc. Nội dung ông Yên không bán căn nhà nên hoàn lại cho Phương Nga số tiền 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Yên không dám nhận tiền công 10 triệu đồng của Phương Nga và đã mang tất cả giấy tờ giả trên giao cho Công an.
Chưa dừng lại, Phương Nga thuê bà Đặng Thùy Dương (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) giả làm nhân chứng việc Nga đếm tiền hoàn trả 16,5 tỷ đồng cho ông Cao Toàn Mỹ. Phương Nga sẽ trả cho bà Dương 30% trên số tiền 16,5 tỷ đồng. Nga viết đơn trường trình với nội dung bà Dương là người chứng kiến sau đó bảo bà này mang đến Công an nộp. Tuy nhiên, bà Dương đã nhận ra việc làm sai của mình nên đã đến Công an khai sự thật.
Vấn đề chứng cứ điện tử trong vụ án
Sau khi có kết luận của CQĐT, thông qua luật sư của mình, Phương Nga cho biết, "hợp đồng tình cảm" của cô và Cao Toàn Mỹ thực chất chỉ là bản cam kết cô viết theo yêu cầu của ông Mỹ. Nội dung thể hiện Nga nhận 16,5 tỷ đồng và phải làm người yêu của ông Mỹ trong 7 năm. Và những thông tin của bản hợp đồng này lan truyền trên Internet là sự thật. Đến thời điểm này luật sư của cô cũng cho biết là thân chủ của mình vẫn "giữ quyền im lặng" cho đến khi ra Tòa.
Để chứng minh được hành vi phạm tội cần phải làm rõ được việc có hay không quan hệ giữa Nga và ông Mỹ là là quan hệ tình ái bằng “hợp đồng tình dục” qua địa chỉ email cungtimhieu@gmail.com do Nga cung cấp là thật hay giả mạo. Và đây cũng có thể coi là là một phần chứng cứ trong vụ án.
Tuy nhiên, chứng cứ điện tử là điều khá mới mẻ với tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Chứng cứ trong vụ án hình sự có một ý nghĩa lớn không chỉ về mặt pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội, mà còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi vận dụng để thu thập, phân tích, chuyển hóa chứng cứ điện tử sang chứng cứ truyền thống để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ, trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) lại có nhiều quy định về các tội danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Theo Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông,…thì dữ liệu điện tử thu được trên mạng máy tính, internet... được coi là nguồn chứng cứ.
Theo TS. Đinh Thế Hưng- Trưởng phòng Tư pháp hình sự- Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, căn cứ các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì địa chỉ email được coi là chứng cứ quan trọng trong vụ án. Qua kết luận của CQĐT cho thấy vẫn chưa chứng minh được có hay không địa chỉ email đó. Nên điều quan trọng nhất là phải xác định được địa chỉ email đó có hay không để làm rõ các tình tiết trong vụ án cũng như yêu cầu điều tra bổ sung mà Tòa án đã đề nghị. Trong trường hợp nếu không làm rõ được phải kết luận theo hướng có lợi cho bị can (nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự). Do vậy, bên cạnh các chứng cứ quan trọng khác như như lời khai của các nhân chứng với CQĐT, thì chứng cứ phải làm rõ là địa chỉ email mà Nga cung cấp có thật hay không.