Kết thúc buổi thi Văn THPT Quốc gia 2017: “Lòng trắc ẩn” khiến nhiều thí sinh thích thú

( PHUNUTODAY ) - Sáng nay, ngày 22.6 các sĩ tử của chúng ta bắt đầu kỳ thi THPT Quốc Gia với môn Văn. Bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh đã đánh giá đề văn năm nay rất hay và sâu sắc với đề văn “sự thấu cảm về lòng trắc ẩn”.

Em Đỗ Tuấn Nghĩa – học sinh trường THPT Nguyễn Siêu, là một trong những thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi trường THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) em cho biết em rất thích thú với đề văn, đặc biệt là câu hỏi nghị luận. Tuấn cho rằng: “Bài nghị luận nói về lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm, tuy hơi khó nhưng rất ý nghĩa. Theo em thấu cảm là sự thấu hiểu suy nghĩ của người khác để có thể cảm thông, chia sẻ với họ. Em viết được 2 tờ giấy và cảm thấy khá tự tin, còn câu 5 điểm ở tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm cũng được em ôn rất kỹ”.

0.su-tho-lo-cua-thi-sinh-ve-long-trac-an-1-phunutoday.vn

 

Cũng có cùng suy nghĩ với Tuấn, em Nguyễn Hà Trang – chuyên ngữ 12 (THPT chuyên Sư phạm) cho biết: “Đề văn khá hay và sát với nội dung ôn tập và em nghĩ em có thể thể hiện được hết mình trong khoảng thời gian thi. Em làm được tròn 1 tờ giấy. Câu hỏi nghị luận về sự thấu cảm khá hay vì em nghĩ trong thời buổi hiện nay có được những hành động thấu cảm giữa con người với con người rất là quan trọng và có rất nhiều thứ để nói với câu hỏi này chỉ tiếc là em chỉ có 200 chữ để viết nên không thể chuyển tải được hết”. Trang cũng cho biết thêm, em cũng khá lo lắng với các môn thi tiếp theo vì có nhiều đổi mới, dù như thế nhưng vẫn sẽ cố gắng để thể hiện tốt nhất khả năng của mình.

Trong buổi thi sáng nay, ngoài những ý kiến đồng tình với Tuấn và Trang thì cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, đề thi về lòng trắc ẩn khá khó hiểu và cần sự liên hệ thực tế sâu rộng.

Em Trần Nhật Minh - học sinh trường THPT chuyên Sư phạm lại lúng túng khi nói đến câu hỏi nghị luận. Minh cho biết: “Em khá khó hiểu về lòng trắc ẩn nên làm không tốt câu hỏi này lắm. Để làm được bài thi này, với câu hỏi 5 điểm các bạn phải bám sát sách giáo khoa và các câu hỏi của giáo viên trên lớp. Còn đối với câu nghị luận phải có kiến thức cuộc sống, kinh nghiệm và sự cảm nhận của bản thân” – Minh nói.

Tại điểm thi ở Ninh Thuận, sau khi môn thi ngữ văn vừa kết thúc, các học sinh  rời khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Các sĩ tử đều nhận xét đề thi vừa sức, không quá khó và cũng không quá dễ. Em P. T.N. Thanh (trường THPT Nguyễn Trãi) cho biết, đề thi không khó mấy, cũng không dễ chỉ cần học bài kỹ và nắm kiến thức là thi tốt. Với đề thi này em làm được bài khoảng 70%. Còn em Lý Hiển Đông (lớp 12A2, trường ischool Ninh Thuận cho hay, tuy em học không phải là chuyên  học về xã hội nhưng thấy đề này rất phù hợp với các thí sinh, đề ngữ văn này em làm được 50%.

Tại điểm thi của TP. Hồ Chí Minh, các thí sinh tỏ ra khá thỏa mái về đề thi năm nay. Nhiều thí sinh đánh giá khá vừa sức mình. Ở điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), cũng xuất hiện nhiều nụ cười rạng rỡ với nhận xét "đề năm nay vừa sức với thí sinh, không khó để đạt điểm 6". Tương tự, thí sinh Minh Phụng (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết với đề thi văn năm nay, chắc chắn mọi học sinh đều làm được. "Đề không yêu cầu thuộc lòng, đòi hỏi của đề cũng không quá cao. Một học sinh nghe giảng bài trên lớp đầy đủ có thể làm tốt. Em theo ban A nhưng vẫn có thể làm tốt 70% bài thi"

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn