Các chuyên gia cho rằng, sự biến chủng của SARS-CoV-2 là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm biến chủng phát hiện được trên thế giới.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, 4 chủng SARS-CoV-2 mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là biến chủng đáng quan ngại được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Trong đó, biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus SARS-CoV-2 chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia và được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể nói trên bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.
Tại nước ta, biến thể Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 đợt dịch thứ 4, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân (BN) Covid-19 so với các biến chủng khác.
Trong khi đó, hơn 90% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ nhiễm biến thể Delta tạo nên đợt bùng phát trong hai tháng qua. Ngày càng có nhiều trường hợp đã chủng ngừa nhưng vẫn mắc bệnh dẫn đến câu hỏi về khả năng chống lại biến thể Delta của vắc xin.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến thể Delta có thể tránh được một phần kháng thể do vắc xin tạo ra. Như vậy, những người đã tiêm chủng có mức kháng thể bảo vệ chống lại Delta thấp hơn so với các biến thể khác.
Trang Insider đã xem xét hơn một chục nghiên cứu và thông báo từ các nhà sản xuất vắc xin, tổ chức y tế công cộng và giới khoa học ở nhiều quốc gia để phân tích mức độ hiệu quả của vắc xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca chống lại Delta, kết quả mang lại đầy hứa hẹn.
Mặc dù theo nghiên cứu thì hiệu quả của vắc xin chống lại Covid-19 đang giảm dần theo thời gian, nhưng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong vẫn còn cao.
Vivek Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ, đánh giá: “Chúng ta đã may mắn có được vắc xin an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ vượt trội khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2”.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 dù đã tiêm phòng có thể do cả khả năng miễn dịch suy yếu và sức mạnh của biến thể Delta.
Giới chuyên môn đã phát hiện ra khả năng chống lại Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình của vắc xin giảm dần theo thời gian. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel, vắc xin Pfizer có hiệu quả 75% ở những người đã tiêm phòng vào tháng 4, trong khi mức bảo vệ đó giảm xuống còn 16% ở những người đã tiêm vào tháng 1.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) xem xét những người tiêm vắc xin Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh, có tải lượng virus cao. Kết quả cho thấy tiêm Pfizer có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh với tải lượng virus cao hai tuần sau liều thứ hai. Chỉ số này còn 78% ở mốc ba tháng. Hiệu quả của AstraZeneca giảm từ 69% xuống 61% trong cùng khung thời gian.
Những phát hiện như vậy, cùng với dữ liệu gần đây từ Pfizer cho thấy, liều thứ ba giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta. Hãng dược Pfizer cũng thông báo lần tiêm thứ 3 tạo ra lượng kháng thể chống lại biến thể Delta nhiều hơn từ 5 đến 8 lần.
Lý giải về các loại vaccine phòng Covid-19 có chống được biến thể Delta không, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, với tốc độ lây lan rộng, lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến quá tải y tế, dẫn đến việc phòng, chống bị động.
“WHO đánh giá biến thể Delta sẽ làm cho các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch quay trở lại. Một biến chủng khả năng lây lan tăng nhanh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ cao hơn thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Ví dụ với chủng virus cổ điển, tỷ lệ tiêm chủng chỉ 60% có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Đối với chủng Alpha thì miễn dịch cộng đồng đạt được ở mức độ tiêm chủng khoảng 75%, nhưng với chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 85% trở lên mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Chính vì thế, một số nước mới chỉ đạt được mức độ tiêm chủng khoảng 60% phải tăng cường tỷ lệ tiêm chủng. Vì vậy, trong bối cảnh nước ta đang khó khăn trong việc thực hiện miễn dịch cộng đồng, thì người dân hãy tuân thủ khuyến cáo 5K và tiêm vaccine khi đến lượt chứ không nên lựa chọn loại vaccine gì. Tiêm sớm mới đủ thời gian sinh kháng thể, sẽ giảm bớt nguy cơ, vừa bảo vệ bản thân vừa phát huy thành quả kiểm soát dịch của chúng ta trước đây”, bác sĩ Hồng Hà nhấn mạnh.