Tuy nhiên, sống chung như thế nào là một ‘bài toán khó’. Bởi, không phải cứ thích là sống chung được mà cần có kế hoạch rõ ràng. Bài học của Israel khiến nước này vội áp dụng lệnh phong tỏa trở lại sau 5 tháng mở cửa vẫn còn đó.
Tuy nhiên, mới đây một quốc gia đã ‘mạnh tay’ chuẩn bị cho sự trở lại cuộc sống bình thường của người dân. Đó chính là Đan Mạch.
nCoV đã chấm dứt với người Đan Mạch. Đó là nhận định trong một bài báo của tờ Telegraph (Anh) vào hôm 7/9. Trước đó, chính phủ nước này từng tuyên bố rằng nCoV không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội nhờ 72% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Thông tin cụ thể về kế hoạch chuẩn bị cho công cuộc ‘sống chung với virus’ này được báo chí đăng tải như sau.
Đất nước đầu tiên chuẩn bị bỏ lệnh giãn cách, tìm được cách sống chung với virus
“Dịch bệnh đã trong tầm kiểm soát”, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thông báo vào tuần trước. Ông cũng thừa nhận rằng các biện pháp đặc biệt liên quan tới nCoV của chính phủ sắp kết thúc.
Chính phủ Đan Mạch cho rằng quốc gia này có thể chịu được tỷ lệ lây nhiễm cao hơn vì khoảng 95% người dễ tổn thương, người sống trong viện dưỡng lão, và người trên 60 tuổi đã được tiêm vaccine nCoV đầy đủ.
Trong một buổi cập nhật tình hình nCoV vào tháng 8, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố vaccine là “siêu vũ khí đánh bại hết thảy”. Từ cuối tháng 8, Chính phủ Đan Mạch thông báo kế hoạch giảm dần cơ sở hạ tầng xét nghiệm và sẽ đóng cửa toàn bộ địa điểm test nhanh trước cuối tháng 9.
Chính phủ gần đây cũng bỏ quy định giãn cách 1m, tức là người dân không còn cần dành ra ghế trống trong nhà thờ và rạp chiếu phim. Từ tuần này, học sinh và trẻ mẫu giáo sẽ không còn bị lập tức cho nghỉ ở nhà nếu bạn học hoặc giáo viên mắc nCoV.
Hiện tại, khách hàng tới quán bar và nhà hàng không còn cần trình bày giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy xét nghiệm âm tính với nCoV.
Quy định yêu cầu hàng quán đóng cửa vào 2h sáng đã được dỡ bỏ, trong khi các lễ hội âm nhạc được phép hoạt động hết công suất. Kể cả hộp đêm cũng hoạt động trở lại sau 18 tháng đóng cửa.
Theo chính phủ Đan Mạch, quốc gia này có thể chịu được tỷ lệ lây nhiễm cao hơn. Bởi 95% số người dễ bị tổn thương, sống trong viện dưỡng lão và trên 60 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ.
Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố: ‘Vắc xin là siêu vũ khí đánh bại hết thảy. Cuộc sống thường ngày may mắn đã trở lại ở hầu hết các địa phương. Chúng tôi hy vọng là có thể tránh được những cuộc phong tỏa lớn trong tương lai’.
PGS. Viggo Andreasen (TT PandemiX, Đại học Roskilde) cho hay: Chúng ta ít thấy tình hình dịch nghiêm trọng ở Đan Mạch. Vì thế, công chúng và chính khách chắn chắn đều hiểu rằng đây không phải mối đe dọa với xã hội.
Một nửa số người chưa được tiêm chủng sẽ đạt miễn dịch nhờ mắc bệnh
Cũng giống các quốc gia khác, Đan Mạch lúc này đang có số ca nhiễm ở mức cao. Tuy nhiên, mỗi tuần nước này chỉ ghi nhận hơn 10 ca qua đời, thấp hơn con số 200 ca/tuần hồi tháng 1 – thời điểm dịch bệnh tồi tệ nhất ở Đan Mạch.
Từ đầu tháng 8, số người phải nằm viện vì nCoV tăng gấp đôi. Tới ngày 7/9, số bệnh nhân nằm viện là 123 người.
Dù vậy, nhóm người từ 15 – 18 tuổi, chỉ có 43,5% đã tiêm chủng còn nhóm 20 – 29 tuổi đang tụt lại phía sau.
Gs. Andreasen ước tính: Khi các giới hạn phòng dịch được dỡ bỏ, khoảng 1 nửa số người chưa được tiêm chủng (không muốn tiêm, chưa có điều kiện tiêm, đang dưới 12 tuổi) cũng sẽ có miễn dịch thông qua việc mắc bệnh trong vòng 6 tháng.
Tại Anh, khi ngày học sinh đi học sắp tới gần, nhiều người kêu gọi cần có thêm quy định về khẩu trang, xét nghiệm, cách ly, hệ thống thông khí. Thế nhưng, tại Đan Mạch tình hình hoàn toàn ngược lại.
Tuần trước, các đảng phái của Đan Mạch đã lên tiếng kêu gọi cho phép trẻ em tiếp xúc với người được xác định dương tính không cần phải tự cách ly ở nhà.
Kể từ cuối tháng 9 hoặc có thể sớm hơn, giáo viên, học sinh từ 12 – 16 tuổi được khuyến cáo nên xét nghiệm nhanh mỗi 72 giờ hoặc PCR mỗi 96 giờ chứ không phải bắt buộc. Với học sinh cấp 3, không có bất kì khuyến nghị nào.