Khang Hy - Hoàng đế háo sắc nhất triều Mãn Thanh

19:39, Thứ bảy 15/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Người ta luôn coi Khang Hy là một hoàng đế lý tưởng của Nho giáo. Nhưng những phát hiện gần đây lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Khang Hy là một vị hoàng đế rất háo sắc, thậm chí là vị hoàng đế háo sắc nhất trong số các hoàng đế của vương triều Mãn Thanh.

Khang Hy là vị hoàng đế triều Thanh lâu nay luôn nhận được sự bình giá rất cao của các sử gia trong lịch sử. Hoàng đế Khang Hy (4 /5/1654 – 20/12/1722), tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp, là vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh người Mãn Châu và là vua Thanh thứ hai trị vì toàn cõi Trung Quốc, từ năm 1661 đến năm 1722.

Ông là vị hoàng đế tài ba, người đã thiết lập sự thịnh trị dài trên 130 năm của nhà Thanh, sau một loạt binh lửa can qua. Dưới thời cai trị của ông, Đế quốc Thanh kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, Mãn Châu, nhiều phần của vùng Cận Đông nước Nga và bảo hộ Mông Cổ và Triều Tiên.

Người ta luôn coi Khang Hy là một hoàng đế lý tưởng của Nho giáo. Nhưng những phát hiện gần đây lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Khang Hy là một vị hoàng đế rất háo sắc, thậm chí là vị hoàng đế háo sắc nhất trong số các hoàng đế của vương triều này, hơn hẳn người cháu nổi tiếng phong lưu Càn Long.

Chiếm đoạt cô ruột làm vợ

Khang Hy là vị hoàng đế có nhiều hậu phi nhất trong các vị vua triều Mãn Thanh. Ngay đến một cung nữ giặt đồ ông cũng không bỏ qua nên mới sinh ra vị bát hiền vương nổi tiếng. Với hoàng đế Càn Long thì chỉ có thể hình dung bằng hai chữ dâm loạn. Sáu lần vi hành Giang Nam ông ta đã hoang dâm vô độ, vì những cô kỹ nữ Giang Nam mà hai lần phế bỏ hoàng hậu. Vua Hàm Phong (niên hiệu của vua Văn Tông đời Thanh (1851-1861) cũng vì dâm loạn mà sớm mất ngôi. Hoàng đế Đồng Trị vì đi lầu xanh, mắc bệnh hiểm nghèo mà chết. Ung Chính Hoàng đế, vị hoàng đến mà bề ngoài được coi là rất giản dị, tiết dục kỳ thực cũng là một ngụy quân vương rất háo sắc.

Trước khi tức vị Ung Chính chỉ có một thê một thiếp nhưng 8 người con 5 nam 3 nữ lại là do những người phụ nữ khác nhau sinh ra. Ông vua này nói một đằng làm một nẻo thực chất là để che giấu cuộc sống đạo đức giả tột cùng của mình. Sau này Ung Chính bạo tử, nguyên nhân có lẽ là do đã dùng "hồng hoàn" (một loại thuốc "hồi xuân" được các Hoàng đế Trung Quốc hay sử dụng). Nếu Ung Chính Hoàng đế thực là người tiết dục thanh tâm sao phải dùng đến loại thuốc này?

So sánh chế độ hậu phi của hai triều Minh - Thanh. Hậu phi của các hoàng đế triều Minh hầu hết đều là những người xuất thân thường dân. Trừ Gia Tĩnh hoàng đế từng một lần nạp "cửu tần", còn lại số lượng hậu phi hoàng đế khác là rất ít, số người được sắc phong tối đa là 19 người. Trong đó số hoàng đế chỉ có hai ba người phi chiếm quá nửa. Đó là chưa kể đến Hoàng đế Hoằng Trị, vị hoàng đế hy hữu trong lịch sử các vị Hoàng đế Trung Hoa, suốt đời chỉ sống "một vợ một chồng" cũng xuất hiện dưới triều Minh. Ngược lại dưới triều Thanh tất cả các cô gái đều được Hoàng đế tuyển chọn qua mới được đi lấy chồng. Nếu như Hoàng đế có nhu cầu còn lấy cả những phụ nữ người Hán đã có chồng.

Tới thời kỳ Khang Hy vẫn còn rất nhiều sự việc tương tự như vậy. "Thanh đại ngoại sử" có chép, trong thời kỳ Khang Hy trị vì có một vị cách cách là con út của Hoàng Thái Cực, em gái của Thuận Trị, xét về vai vế là cô ruột của Hoàng đế Khang Hy. Khi Thuận Trị đi tu, vị cách cách vì tuổi còn nhỏ nên chưa thể đi lấy chồng. Sau khi Khang Hy lên ngôi, vị cách cách này vẫn ở lại trong cung. Sau đó, có một vị đại thần thỉnh cầu cho cách cách này xuất giá. Khang Hy nghe xong nói: "Bây giờ mà còn bàn chuyện lấy chồng hay sao, ta đã nạp làm thiếp từ lâu rồi".

Vị đại thần này kinh ngạc nói: "Chốn cung đình là nơi nền tảng của vương hóa luân thường đạo lý không thể rối loạn. Nay công chúa ngang hàng với phụ thân hoàng thượng, hoàng thượng làm sao có thể lấy một người cô cùng họ làm phi được?".

Khang Hy bình thản nói: "Chắc gì. Nói rằng cùng họ không được kết hôn là chỉ chị em gái của mẹ và con gái của mình mới không được kết hôn. Nếu như là cô thì không phải mẹ của ta cũng không phải là con gái của ta, cũng không phải là chị em gái cùng sinh với ta nếu nạp làm thiếp cũng không việc gì". Các vị đại thần nghe xong vô cùng lo lắng, hết sức can ngăn nhưng Khang Hy đến cùng vẫn không nghe.

Cướp vợ đại thần

Trong lịch sử các Hoàng đế Trung Hoa, Khang Hy là vị Hoàng đế có khả năng tính dục mạnh mẽ nhất. Ông có tới 52 người con trai, thực là ít thấy, so với khả năng sinh sản của động vật vẫn còn mạnh hơn. Cả đời Khang Hy rất khỏe mạnh, đến những năm cuối đời mà khí lực vẫn không suy giảm bao nhiêu so với độ tráng niên, còn sự háo sắc thì người đương thời khó ai bì kịp.

Trong Thanh triều ngoại sử nói, thời kỳ Khang Hy, em trai của danh thần Trương Đình Ngọc là Trương Mỗ làm quan ở kinh thành. Ông này đã kết hôn với con gái trong gia đình người Hán làm quan đã nhiều đời mang họ Diêu. Vợ Trương Mỗ cũng được người đời ca tụng là quốc sắc thiên hương. Trong số thê thiếp của các quan chức người Hán trong triều đình nhà Thanh, người này được coi là xinh đẹp nhất. Trương Mỗ vì thế rất lấy làm đắc ý.

Đến một năm mừng thọ Thái hậu, hoàng đế hạ lệnh tất cả các phu nhân người Hán cũng như người Mãn đều phải vào cung chúc thọ một lượt. Tất nhiên những người phụ nữ nhà họ Trương và nhà họ Diêu cũng chuẩn bị công phu, mặc triều phục vào cung chúc thọ thái hậu. Khi đó, Khang Hy cũng có mặt trong buổi lễ, Hoàng Thái hậu rất vui, sai bày yến tiệc trong nội cung để cho mọi người được ăn uống vui chơi cho đến hết ngày mới về.

Sau khi rời khỏi cung, những người phụ nữ này ngồi kiệu về nhà. Những người khác đều về nhà an toàn, chỉ có một nhà là nảy sinh vấn đề. Đó chính là người vợ xinh đẹp của ông quan họ Trương. Khi về tới nhà thì bộ y phục vẫn là bộ y phục ban đầu nhưng khuôn mặt đã khác, áo mũ cũng không chỉnh tề, không còn là người phụ nữ lúc đi nữa. Họ Trương và họ Diêu đều biết là việc gì đã xảy ra nhưng sợ gặp họa nên không dám nói nhiều. Cái lệ các mệnh phụ người Hán nhập cung cũng vì thế mà bị cấm chỉ.

Trước đây, người ta cho rằng vị Hoàng đế háo sắc nhất của triều đại Mãn Thanh là Càn Long nhưng sau đó mới biết Khang Hy mới thực là kẻ háo sắc. Ông ta có tới 55 bà vợ được ghi chép chính thức trong các chính sử. Trong đó có một người họ Vệ chỉ là một phụ nữ giặt quần áo người Hán khi đang giặt đồ thì bị Khang Y để ý đến. Nghe nói vị Lương phi này "sắc đẹp số 1 trong nội cung, được sủng hạnh vô cùng" mà "trên người có mùi hương lạ, tắm cũng không mất".

Khang Hy cũng được coi là môn đệ của Đạo gia, hấp thu đúc rút rất nhiều kinh nghiệm dưỡng sinh từ ba nhà Nho Phật Đạo. Trong sở thích cá nhân của mình Hoàng đế Khang Hy vốn rất thích hút thuốc, sau đó bị cảnh báo đồng thời để phòng chống hỏa hoạn nên mới thôi không hút thuốc. Ông ta cũng vì thế mà có sự thuyết minh rằng:

"...Như hút một điếu thuốc tuy không quan hệ quá nhiều nhưng hỏa hoạn bốc lên đa phần là do vì thế cho nên trẫm lúc nào cũng cấm. Trẫm vốn không phải là không biết hút thuốc, khi còn nhỏ dưỡng mẫu rất thích hút thuốc. Nay cấm rồi mà vẫn dùng sẽ bị bắt đi lính như thế sẽ không còn ai dùng nữa".

Ông ta cũng có thể uống rượu nhưng muốn khống chế tửu lượng của mình thật là rất khó. Ông ta từng nói với con cháu rằng:

"Trẫm từ nhỏ không thích uống (rượu) nên có thể uống mà không uống. Bữa cơm ngày thường hoặc gặp ngày lễ tiết trong năm cũng chỉ uống một cốc nhỏ. Người mà uống một chút rượu là đã không còn nghe thấy gì nữa là người không phải sinh ra để uống rượu. Như trẫm có thể uống được mà không uống, ngay từ đầu đã thành thật muốn trở thành một kẻ không uống. Nếu để cho thèm rượu thì tâm trí sẽ bị loạn mà trở nên ngu tối, hoặc dẫn tới bệnh tật, thật là một thứ chẳng ích gì cho con người. Cho nên trước sau đều coi cấm rượu là giới luật quan trọng".

Khang Hy thậm chí cho rằng sự nguy hại của rượu là rất lớn "các bậc quyền quý giàu sang, lụn bại phá sản, thân mắc trọng bệnh cũng đều là do đó, mà những kẻ nghèo túng được mấy chữ cũng tận lực say hành hung kẻ khác mới gặp họa". Còn nói: "Không ghét việc vui thú với rượu, trong tâm luôn có sự cuồng loạn, dần dần hình hài sẽ đảo loạn, lễ pháp cũng không còn, sẽ làm hỏng đức tốt, lời nào khuyên nhủ được". Có thể thấy ông ta đối với rượu rất cố gắng để loại trừ và khống chế để tránh hậu hoạn sau này, coi đó là kế dưỡng sinh.

Do chú trọng dưỡng sinh Khang Hy Hoàng đế đương nhiên nghiên cứu "tiết dục lòng trong". Ông ta cho rằng "Con người ta nếu để lòng thanh thản và tiết chế được dục vọng thì không chỉ có thể ít lo bệnh tật mà còn luôn tươi trẻ". Đồng thời ông ta cũng kiên định tin rằng "Ít suy nghĩ có thể dưỡng thần, ít ham muốn có thể dưỡng tinh thần, ít nói có thể dưỡng khí, biết được những điều này thì có thể dưỡng sinh". Từ những lời nói này của Khang Hy chúng ta không khó để nhìn thấy Khang Hy đương nhiên không phải là môn đồ của những kẻ háo sắc. Ông ta biết rằng nên "giới hạn ở sắc dục".

Sở hữu 55 hậu phi

Số hậu phi, quý nhân được Khang Hy chính thức lấy, sau này được chôn theo lăng mộ của ông ta vào khoảng 55 người. Còn những người từng được ông ta "sủng hạnh" một lần hoặc là những cô gái được gọi vào cung phục vụ thì tổng số càng "khả quan" hơn. Sau khi Khang Hy chết, Hoàng đế Ung Chính hạ lệnh cho quan viên phủ nội vụ phải cẩn trọng trong việc an táng Khang Hy. Trong chỉ dụ có đoạn nói:

"Nay nghe việc tổng quản tâu về việc của Dịch quý phi, dường như việc nhập lăng của quý phi vẫn có thể. Lăng mộ có quan hệ cả thế đất phong thủy, vì thế các người phải đặc biệt suy xét. Nếu như những quý nhân được phụng sự hoàng thượng có thể. Sao những người thường phong thì không thể".

Gốc gác vị Dịch quý nhân này không rõ ràng, rất có thể là nô bộc hoặc là người Hán. Cô ta chưa từng sinh con, năm Ung Chính thứ 6 (1728) thì qua đời, sống 70 tuổi. Do đó có thể biết chính xác rằng có không ít những cung nữ từng được vua "sủng hạnh" một lần mà địa vị không cao hoặc là chưa được gia phong cuối cùng đều không được mai táng trong lăng mộ của Khang Hy. Nhưng chắc chắn là họ đã từng được Khang Hy "sủng hạnh". Vì thế thê thiếp của Khang Hy chắc chắn là nhiều hơn con số 55. Xem lại toàn bộ tình hình hôn nhân của các vị Hoàng đế triều Thanh, căn cứ vào ghi chép của sử liệu, số lượng thê thiếp mà các vị vua triều Thanh đã lấy cụ thể như sau:

Nỗ Nhĩ Hợp Xích có 16 bà vợ hoặc nhiều hơn một chút. Hoàng Thái Cực có 15 bà vợ hoặc hơn một chút. Ai Tân Giác La - Phúc Lâm thì những người được gọi là thê thiếp có khoảng 16. Ung Chính Hoàng đế Dận Chân chỉ có 8 người. Càn Long Hoàng Đế Hoằng Lịch thì có 41 hậu phi. Gia Khánh Ngung Diễm, xem qua sử sách thì có khoảng 9 người hậu phi. Đạo Quang Hoàng đế Mân Ninh thì ước tính có khoảng 23 bà hậu phi. Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự cho đến Tuyên Thống Hoàng đế Phổ Nghi số thê thiếp không quá 10 người.

Từ đó có thể thấy, số lượng hậu phi của Hoàng đế Khang Hy là đứng số một trong số các vị Hoàng đế của triều Thanh. Mặc dù có người nói các Hoàng đế cổ đại luôn có tư tưởng muốn hưởng lạc mà Khang Hy thống trị trong một thời gian dài thì đương nhiên phải có nhiều thê thiếp. Cách giải thích này tuy có chỗ hợp lý nhưng người kế vị Khang Hy là Ung Chính cũng chỉ có 8 bà vợ. Đến cháu ông ta, vị vua nổi tiếng dâm đãng phong lưu trong mắt dân chúng là Càn Long, so về thời gian thống trị (tính cả ba năm Càn Long làm Thái thượng hoàng) còn dài hơn rất nhiều so với Khang Hy mà cũng chỉ có 41 bà vợ. So về tổng số vẫn còn kém xa so với ông mình là Hoàng đế Khang Hy. Khang Hy nếu như không háo sắc vì sao lại có hứng thú với việc nạp thê thiếp đến như vậy. Đó là chưa kể đến việc rất nhiều bà vợ của Khang Hy được nhập cung vào những năm cuối đời của vị Hoàng đế này. Trong xã hội trung đại Trung Quốc, một người luôn coi mình là môn đệ của Đạo gia như Khang Hy cho đến cuối đời vẫn hết lần này đến lần khác lấy thê nạp thiếp, như thế chẳng phải là háo sắc hay sao?

Mặc dù là ông vua háo sắc nhưng với những hậu phi của mình, Khang Hy đều dành cho họ những tình cảm chân thành. Mỗi khi Khang Hy ra khỏi cung tới một địa phương nào đó, ông ta đều thường xuyên viết thư hoặc phái người đem đặc sản nơi đó về cho các hậu phi trong cung. Thậm chí, trong thư, Khang Hy còn kể những chuyện vui mình gặp trên đường để giải khuây cho các hậu phi vốn suốt ngày phải sống cuộc sống buồn chán trong hậu cung.

Việc quan trọng nhất mà Khang Hy làm cho những hậu phi của mình chính là sắp xếp cuộc sống cho họ sau khi ông chết. Khang Hy đã hạ lệnh, những phi tần có con thì khi về già tới ở phủ của con. Điều này đã thay đổi toàn bộ tục lệ của tổ tiên Thanh triều, buộc các hậu phi phải ở trong hậu cung cho tới khi chết.

Trước khi Khang Hy qua đời, chính vị “Đại đế” này đã hạ lệnh chôn cất hai Hoàng hậu của mình trong địa cung của Cảnh lăng. Chính vì vậy, sau khi Khang Hy băng hà, những phi tần của ông sau khi qua đời, theo cách làm của Khang Hy khi còn sống, đều lần lượt được an táng tại nơi đây. Chính vì vậy, lăng mộ của Khang Hy mới trở thành nơi an táng của nhiều phi tần đến như vậy.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: