Sinh con là sự việc trọng đại của mỗi gia đình. Khi một đứa trẻ sinh ra đời, đó sẽ là giây phút những người cha, người mẹ cảm thấy thiêng liêng và hạnh phúc nhất. Vậy mà bây giờ, người chồng, người cha, người ông, người bà lúc nào cũng thấp thỏm khi nhà có sản phụ chuẩn bị sinh.
Nguy cơ sản phụ tử vong rải đều cả ba miền đất nước, từ Hà Nội, Hà Nam đến Thanh Hóa, Nghệ An và vào đến tận Long An. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính chín tháng đầu năm 2013 đã có 157 bà mẹ đã qua đời do tai biến sản khoa. Cả xã hội đang trở nên hoang mang cùng cực bởi những thông tin đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ảnh minh họa. |
“Mẹ tròn con vuông” là ước muốn không chỉ của sản phụ mà còn của cả gia đình, người thân và bạn bè. Nhiều gia đình sẵn sàng “vượt tuyến” dưới chỉ mong tìm cho con dâu, cho vợ một chỗ sinh an toàn. Không ít ông chồng còn mạnh tay bồi dưỡng một kíp đỡ đẻ vài triệu đồng, hi vọng các bác sĩ làm cẩn thận, mát tay để vợ con đều khỏe mạnh.
Cả xã hội đặt niềm tin vào bệnh viện, các ông bố bà mẹ giao phó định mệnh đứa con của mình cho bác sĩ. Chỉ đến khi các vụ sản phụ tử vong tại các bệnh viện vỡ lở, tràn ngập trên các báo đài thì ai lấy mới vỡ lẽ: hóa ra, nơi cứ tưởng là an toàn nhất lại là nơi nguy hiểm nhất.
Những cái chết bất thường của các sản phụ thời gian gần đây đã làm “điên đầu” bộ y tế và các bệnh viện. Dư luận dấy lên một câu hỏi: lỗi tại ai? Sản phụ cũng như người nhà của mình hầu hết đều không có chuyên môn về sản khoa nên mới cậy nhờ đến bác sĩ. Họ răm rắp làm theo chỉ đạo của bác sĩ như một chiến sĩ nhận lệnh của thủ trưởng. Vậy mà, không ít trường hợp thương tâm vẫn xảy đến với gia đình họ.
Còn về phía bệnh viện, các bác sĩ khẳng định chắc như đinh đóng cột là đã làm đúng quy trình. Một số trường hợp không thể chối cãi thì họ đưa ra lí do có vẻ hợp lí. Rằng là sản phụ bị chảy máu không kịp cấp cứu, rồi bị tắc mạch ối, sản giật, tiền sản giật, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn. Ngay cả lí do các bà mẹ mắc bệnh từ trước như tim mạch, gan, phổi... cũng được đưa ra để giải thích cho những tai nạn “đáng tiếc” này.
Ngoài ra, Bộ Y tế đánh giá một trong những căn nguyên dẫn đến tồn tại trong chăm sóc sức khỏe sinh sản là thiếu ngân sách. Điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước và sau sinh còn hạn chế ở miền núi, vùng khó khăn. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cho rằng tồn tại của chăm sóc sức khỏe sinh sản là công tác truyền thông, định hướng dư luận còn nhiều hạn chế.
Ngẫm đi rồi ngẫm lại, ngày xưa ông cha ta nghèo, lấy đâu ra trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho quá trình sinh nở. Chỉ một vài dụng cụ sẵn có như chậu, thau hay vài chiếc tã cũ là đã sẵn sàng cho sự ra đời của một đứa trẻ. Việc cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh cũng đơn giản, một thanh nứa cật mỏng, dai thay thế cho dao kéo y tế, công việc coi như hoàn tất từ A đến Z. Vậy mà đứa trẻ ấy vẫn ra đời khỏe mạnh, còn các cụ nhà ta cứ đẻ sòn sòn chẳng cần lo lắng.
Sinh nở là cách để con người duy trì giống nòi, vậy mà thời gian gần đây, việc nhiều sản phụ và thai nhi tử vong trong quá trình sinh làm dư luận bàng hoàng, lo lắng. Dù khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, thiết bị y tế ngày càng hiện đại nhưng chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người bác sĩ đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm.