Ngoài trà xanh, người dân Nhật Bản còn hay thưởng thức một thứ đồ uống bổ dưỡng là trà lúa mạch.
Trà lúa mạch được làm bằng cách rang lúa mạch hoặc gạo trên lửa nhỏ, có thể thêm một vài lá trà xanh, thêm nước và đun sôi.
Loại trà này có thể uống nóng hoặc lạnh đều rất thơm ngon. Người Nhật thường dùng loại trà này như một thứ nước giải khát.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có thể tìm mua loại trà này với giá dao động từ 40.000-100.000 đồng/gói to.
Lợi ích của trà lúa mạch
Giải nhiệt
Trà lúa mạch có vị ngọt, tính mát, giúp giải nhiệt cơ thể, rất tốt cho những người có thể trạng nóng. Uống trà lúa mạch giúp thư giãn, thoải mái lại tốt hơn các loại đồ uống như nước ngọt, nước có gas.
Giảm phù nề
Trà lúa mạch có tác dụng lợi tiểu. Uống đúng cách rất tốt cho lá lách, dạ dày, giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể và giảm phù nề.
Tăng cường tiêu hóa
Trà lúa mạch đi vào kinh mạch lá lách và dạ dày giúp tăng cương sinh lực, thúc đẩy tiêu hóa và giảm tình trạng đầy hơi.
Giảm cân
Nhờ tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất mà trà lúa mạch có thể giúp hỗ trỡ quá trình giảm cân, giảm bớt sự thèm ăn.
Giúp ngủ ngon hơn
So với trà xanh hay cà phê, trà lúa mạch không có chứa caffein, lại có tác dụng thanh nhiệt, giảm cảm giác bồn chồn nên rất có lợi cho giấc ngủ.
Giảm cholesterol
Nghiên cứu cho thấy, uống trà lúa mạch mỗi ngày có thể giảm 7% cholesterol xấu trong máu. Điều này rất có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 - nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Lưu ý khi sử dụng trà lúa mạch
Để phát huy tác dụng của trà lúa mạch, bạn nên pha theo tỷ lệ 1-2 lạng lúa mạch rang với 1 lít nước.
Khi uống, không nên pha thêm đường.
Nên uống trà lúa mạnh ở nhiệt độ 50-60 độ C, không uống trà quá nóng vì có thể làm bỏng khoang miệng, thực quản, dạ dày.