Khuyến cáo của Bộ Y tế với phụ nữ mang thai ứng phó virus Zika

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Phụ nữ đặc biệt là những người đang mang thai cần nắm được những thông tin quan trọng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và con trẻ.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1223/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika.

Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, người bị nhiễm virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. 60%- 80% người bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp có biểu hiện thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt nhẹ, ban dát sần trên da, đau đầu, đau cơ mỏi khớp, viêm kết mạc mắt; Có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain, viêm não, màng não hoặc hội chứng não nhỏ ở trẻ em sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika khi có đủ các yếu tố như: mang thai 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; chồng, bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám thai ngoài nội dung khám thai thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh do nhiễm Zika; siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ.

Trong bối cảnh dịch bệnh do vius Zika, khi siêu âm, cần chú trọng xác định đầu nhỏ ở thai nhi và/hoặc các bất thường khác của não như giãn não thất, vôi hóa, teo não, không xác định được các bộ phận của não…

Khuyến cáo của Bộ Y tế với phụ nữ mang thai ứng phó virus Zika
 Chủ động ứng phó với dịch bệnh

Đối với phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika thì việc chăm sóc thai sản cần căn cứ vào kết quả siêu âm để có xử trí phù hợp. Khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ sẽ được tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định và hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng.

Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ cần được chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán chính xác; cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh.

Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, các cán bộ y tế phải thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Đồng thời, cán bộ y tế cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ đang mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cán bộ y tế cần tiếp tục chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc trẻ sơ sinh.

Theo Bộ Y tế bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn Asdes, có thể gây thành dịch. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, người bị bệnh thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp. Tuy nhiên, khoảng 60- 80% trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng.

Virus Zika có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong thời kỳ 3 tháng đầu dù tỷ lệ rất thấp khoảng 1% nhưng vẫn phải hết sức lưu ý. Thời kỳ này chăm sóc khám thai định kỳ được ưu tiên kiểm tra thường xuyên. Nếu phát hiện có triệu chứng sốt nhẹ, da nổi sần, đầu đau, mỏi cơ khớp, viêm kết mạc… cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi. Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần tránh đi đến những nước có dịch; có biện pháp phòng ngừa bảo vệ mình không để muỗi vằn đốt. Khi có triệu chứng sốt nhẹ cần đến ngay cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em để tầm soát, theo dõi chặt…Việc kiểm tra xét nghiệm virus Zika được miễn phí.

Cán bộ y tế cần truyền thông, tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình về các biện pháp diệt muỗi, bảo vệ cá nhân để tránh muỗi đốt và phòng lây nhiễm Zika qua đường tình dục.

Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một phụ nữ 64 tuổi sống ở Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi bầu 8 tuần tại TP HCM, phát bệnh từ tháng 3. Bộ Y tế tạm kết luận cả hai bệnh nhân mắc bệnh do muỗi truyền. Hiện sức khỏe hai bệnh nhân đều tốt, được theo dõi và giám sát chặt chẽ. 

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đã ghi nhận tại nước ta với 2 trường hợp mắc ở TP HCM và Khánh Hòa, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đáp ứng dịch lên mức 2 đồng thời đề nghị các địa phương công bố dịch theo quy mô xã, phường theo đúng quy định. Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM đang phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai biện pháp xử lý ổ dịch.

Cuối năm 2015 đến nay, dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus với các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Hiện nay WHO chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.

Tổng hợp thông tin về virus Zika ăn não trẻ sơ sinh
Tổng hợp thông tin về virus Zika ăn não trẻ sơ sinh
(Xã hội) - (Phunutoday) - Tham khảo thông tin dưới đây để biết: Virus Zika là gì? Nó truyền bệnh như thế nào? Biểu hiện khi nhiễm bệnh? Có phương pháp điều trị hay không?
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn