“Kiều nữ” đánh giầy ứng phó với các vị khách hàng sàm sỡ

08:06, Thứ sáu 09/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Với một chiếc làn nhỏ, bên trong có đầy đủ các dụng cụ hành nghề: xi, bàn chải, đôi dép lê… các nữ nhi đánh giầy “tung hoành ngang dọc” khắp các con phố, ngõ ngách tại Hà Nội.


Kiều nữ” và… hộp xi

Trước đây, những người làm công việc đánh giầy vỉa hè thường là nam giới, trong đó phần đông thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên. Họ kiếm miếng ăn từ những đôi giầy bẩn, kém bóng của khách hàng. Nhiều người nhìn họ với cái nhìn thương cảm xót xa nhưng cũng có không ít khách hàng nhìn họ với cái nhìn miệt thị, khinh bỉ.

Giờ đây, công việc này không còn là đặc thù của nam giới mà đã trở thành sự lựa chọn của nhiều cô gái tỉnh lẻ lên phố kiếm việc làm. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vì công cuộc mưu sinh, họ luôn xách làn rong ruổi khắp các con phố để kiếm khách hàng có nhu cầu sửa sang, đánh bóng lại đôi giầy đang đi. Những nơi họ thường xuyên có mặt là các quán ăn, quán nước vỉa hè bởi nơi đây họ có thể thoải mái mời chào, đôi khi cũng gặp được khách “sộp”, ngoài khoản tiền ít ỏi khi đánh xong một đôi giầy còn nhận được tiền boa có giá trị bằng cả buổi đi làm.

Gặp chị Hoa (32 tuổi, quê Thái Bình) ở một quán ăn nhỏ trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), tôi ấn tượng khi thấy dáng người cao gầy của chị cúi gập xuống giở đồ nghề và hành nghề “ngon lành” trước nhiều ánh mắt tò mò của những người có mặt ở trong quán . Thì ra chị làm công việc này cũng đã ngót nghét một năm. Nói về kinh nghiệm trong nghề, chị có vẻ hớn hở: “So với nhiều “đồng nghiệp” khác thì tôi là “ma” rồi. Thế nên cũng có nhiều kỹ năng hơn. Thời gian đánh xong một đôi giầy nhanh hơn hẳn mà vẫn đảm bảo đầy đủ công đoạn”.
 
Chị Hoa đến với nghề đánh giầy hết sức tình cờ. Lúc mới lên Hà Nội, chị làm nghề buôn hoa quả rong. Hôm nào bán được hết xe hoa quả thì lãi cũng kha khá nhưng phải tội thức khuya dậy sớm, bon chen đi nhập hàng từ sáng sớm nên sức chị không chịu được. Đó là còn chưa kể những trưa nắng hè, còng lưng đẩy xe hàng chạy công an dẹp chợ rồi những hôm ế ẩm, nhìn đống hoa quả hỏng hết mà nước mắt chị chảy ròng.

Là dân chợ búa nên chị cũng chỉ dám thuê một chỗ trọ rẻ mạt, tính tiền theo đêm. Chính từ chỗ ngủ theo đêm đó mà chị làm quen được với mấy chị đánh giầy. Thấy họ kể công việc không vất vả bằng đi buôn mà vẫn kiếm được tiền đủ trang trải cuộc sống, cố gắng dành dụm thì cũng có ít vốn liếng gửi về quê nên chị chuyển sang học đánh giầy và hành nghề từ đó.

Chị thích thú kể lại những ngày đầu vào nghề, lúc đó phụ nữ đi đánh giầy chưa nhiều nên ai thấy chị đánh giầy cũng mắt tròn mắt dẹt, họ tò mò xem con gái đánh giầy thế nào nên cùng một lúc chị có thể kiếm được mấy khách liền, đã vậy còn được trả tiền cao. Giờ phụ nữ đi đánh giầy đông, người ta không còn tò mò nữa.

Chị bảo, con gái làm nghề đánh giầy thực ra có cái thú vị, đặc biệt là khi gặp phải các tình huống khôi hài: “Có khách hàng từng bị người đánh giầy cuỗm mất đôi giầy bạc triệu, phải đi dép lê về nhà nên cảnh giác cao lắm. Mình đòi ngồi ra một chỗ để đánh cho tiện mà họ nhất định không chịu. Đến lúc họ thấy mình làm tỉ mỉ, đàn bà con gái lại thật thà nên họ cho thêm tiền và còn giải thích: “Thật sự tôi không đa nghi thế đâu nhưng bị lừa một lần rồi nên nhất định phải cảnh giác” khiến chị buồn cười mà cũng chỉ dám cười mỉm, nhận tiền rồi ra về”.

Theo lời chị Hoa thì phụ nữ đánh giầy có lợi thế ở chỗ dễ tạo được thiện cảm với khách hàng, tính tình lại thật thà, làm việc cẩn thận, không láu tôm láu cá nên dễ được khách hàng tin tưởng và boa thêm tiền: “Làm nghề gì cũng cần có cái tâm. Mỗi người đánh giầy đều có địa bàn hoạt động riêng chứ không chạy lung tung được nên nếu làm cẩn thận, thật thà thì sẽ có khách quen, các chủ quán ăn cũng giới thiệu cho thêm khách. Em không biết chứ nếu dùng mánh khóe đi đánh giầy thì chỉ cần đánh 1 – 2 đôi là có tiền công bằng cả ngày nai lưng đánh xi, cọ giầy” – Chị Hoa tâm sự.

Chị còn chia sẻ thêm rằng hiện nay nhiều người vì quá tham lam đồng tiền nên nghĩ ra mọi kế, chỉ cần khách hàng sơ ý là “diễn trò” để kiếm chác thêm. Chị bật mí cho tôi biết một tiểu xảo: “Thông thường đánh giầy đều có mức giá chung rồi nên ít người hỏi giá hoặc mặc cả lắm. Thế nên có người đánh giầy lợi dụng điều này để hét giá thật cao. Số khác vừa đánh giầy vừa tranh thủ chủ nhân của đôi giầy không để ý bèn rạch mấy nhát ở đế giầy. Mục đích là để khách tiếp tục phải mất thêm tiền dán keo vào chỗ rách đó.

Thực tế đã có một số khách hàng do thiếu cẩn trọng nên đã bị những người đánh giầy “chữa lợn lành thành lợn què” khiến đôi giầy có vẻ ngoài bóng hơn, đẹp hơn nhưng phần đế giầy thì chẳng còn được lành lặn như lúc trước. Việc họ chọn rạch ở đế giầy cũng là nhằm mục đích tránh bị khách phát hiện vì phần đế giầy ít khi được để ý đến nhất. Mặc dù cùng là dân đi đánh giầy với nhau nhưng tôi chưa bao giờ ủng hộ những cách làm này cả vì nó khiến khách hàng mất hết sự tin tưởng với dân đánh giầy vỉa hè”.

Cũng chính vì có những người như thế nên chị từng ấm ức phát khóc khi thấy khách hàng cứ mở miệng ra là gọi “cái con đánh giầy” rồi “bọn đánh giầy” một cách đầy miệt thị. Chị tâm sự: “Ngồi đánh giầy, nghe họ bàn tán về mình mà đau lắm chứ. Tôi làm cái nghề này cũng vì suy nghĩ làm nghề gì thì làm, miễn là kiếm tiền chính đáng nhưng gặp phải những tình huống như thế, có người phụ nữ nào lại không tủi thân”.

Nỗi lo bị sàm sỡ

Dù có trăm bề cay đắng nhưng đối với những phận nữ nhi hành nghề đánh giầy thì việc chịu mưa, chịu nắng, chịu cảnh bị miệt thị, quát tháo vẫn không hãi hùng bằng việc gặp phải khách có máu dê hoặc những tú ông, tú bà hành nghề “chăn dắt” gái.

Chị Hoa bàng hoàng nhớ lại: “Lần ấy tôi đang đi trên đường thì có một người đàn ông đứng ở cửa nhà gọi vọng ra, nhờ vào nhà đánh cho mấy đôi giầy. Tôi chẳng nghi ngờ gì nên cũng vào luôn. Lúc đấy ông ta nói chuyện tử tế, hỏi han nhiều về công việc nên tôi thấy vững tâm. Đánh xong đôi thứ nhất thì ông ta lộ nguyên hình là gã dê xồm, gạ gẫm, mời mọc đủ kiểu. Thấy tôi từ chối, đòi tiền chuẩn bị đi, ông ta lao tới cố ôm, may mà tôi cố hết sức vùng ra được, chạy tháo ra ngoài. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên mà tôi có được khi hành nghề này”.

Mặc dù sự việc đã xảy ra khá lâu song chị Hoa không bao giờ quên, luôn lấy đó để răn mình, không bao giờ tham tiền mà ghé vào các căn nhà có gia chủ là đàn ông. Chị còn truyền lại bài học này cho mấy người cùng nghề để biết đường mà tránh tai họa. Chị bảo: “Đấy, mình cũng là loại “gái già” rồi mà mấy gã đó có tha đâu. Gặp mấy đứa nhỏ đi đánh giầy đáng tuổi con mình mà thấy lo quá. Mỗi lần có cơ hội là tôi phải bảo chúng từng ly từng tý để phòng ngừa mấy tình huống như thế. Tham tiền rồi mất đời con gái thì khổ cả một đời”.

Làm công việc này nên thỉnh thoảng đi qua các tụ điểm ma túy, mại dâm cũng là chuyện thường. Thế nên, tất cả các chị em đều phải học cách giữ mình để tránh bị đe dọa, uy hiếp hoặc cướp giật hết tiền.

Có lần thấy chị Hoa xăm xăm đánh giầy cho khách, có vị “tú bà” tưởng vớ bở được mồi ngon nên cứ buông lời ngọt nhạt bảo rằng chị khá xinh đẹp, chỉ tội người hơi gầy, da hơi đen. Nếu chị được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, làm công việc không phải tiếp xúc với nắng mưa thường xuyên thì khối gái 18 phải chạy mướt mới bằng được chị. Ngầm hiểu rằng người phụ nữ này đang có ý gì nên chị chẳng một lời đáp lại, cặm cụi làm nốt phần việc rồi lấy tiền, vội vã rảo bước đi. Trước khi trả tiền công đánh giầy, vị “tú bà” mắt xanh mỏ đỏ này còn ngao ngán lắc đầu, bĩu môi, chĩa ánh mắt sắc như dao, chẳng có chút gì thiện cảm về phía chị Hoa.
 
Đến với nghề đánh giầy này mỗi người mỗi cảnh. Cũng vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo nên họ phải chấp nhận tất cả nhọc nhằn của công việc cũng như những cạm bẫy  lúc nào cũng  đang chờ họ. Những phụ nữ như chị Hoa ít ra còn có nhiều kinh nghiệm sống, đủ để đối phó các tình huống hiểm nguy bất ngờ.

Nhưng bên cạnh đó, cũng còn biết bao bé gái tuổi chỉ tầm 16 cũng hàng nghề đánh giầy, tuổi đời non nớt, dễ tin người và rất dễ bị lừa. Nơi Hà thành phồn hoa, tấp nập, liệu rằng các em có đủ sức để vẫy vùng, né tránh?

Công việc đánh giầy mang đến cho các chị, các em nguồn thu nhập khá và tương đối ổn định. Có lẽ cũng vì thế mà những thân gái này tiếp tục đeo đuổi công việc không lấy gì làm nhàn hạ ấy.

Một ngày cũ kết thúc, một ngày mới bắt đầu, có biết bao đôi giày bẩn, giày cũ được đôi bàn tay khéo léo của các chị, các em cọ sạch, quét xi bóng loáng. Những giọt mồ hôi hối hả rơi giữa ngày hè oi bức, những gương mặt còn lấm tấm vệt đen vì bị xi không may quệt vào… Nhưng liệu có mấy vị khách hàng đủ cảm thông để quan tâm đến điều đó.

“Giầy trao, tiền trả”, quy luật của nghề đánh giầy từ trước nay vẫn thế. Song các cạm bẫy thì không thế, chúng tinh vi và biến đổi từng ngày. Trong số những chị em đang hành nghề đánh giầy tại Hà Nội, liệu có bao nhiêu phần trăm đủ khôn ngoan và tỉnh táo để nhận diện các ngón lừa ngày càng điêu luyện?

Thu Thu
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc