Làm gì khi con sợ đi học?

15:00, Thứ năm 27/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bạn đã biết những nguyên nhân khiến bé con của bạn sợ mỗi lần đi học và làm cách nào để con hết lo lắng khi đến trường chưa? Hãy tham khảo các cách dưới đây nhé!

Những điều bé hay sợ khi đến trường

“Sẽ thế nào nếu mình chẳng quen ai ở trường?”

Bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng, kết bạn mới cũng là một phần rất thú vị của việc bắt đầu đi học, hãy dành cho con những lời động viên tích cực nhất: “Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời đấy, con sẽ làm quen được với nhiều bạn mới. Chơi với các bạn ấy sẽ rất vui”.

Bạn cũng có thể giúp đỡ con trong việc kết bạn bằng cách mời bạn cùng lớp của con tới chơi nhà.

“Chuyện gì xảy ra nếu cô giáo là người xấu?”

Hãy giúp con hiểu rằng các cô ở trường được chọn làm cô giáo bởi họ rất yêu trẻ con. Cô giáo sẽ kiên nhẫn, tốt bụng và vui vẻ chứ không phải là người xấu.

Hãy chọn một cuốn sách về chủ đề đi học để cùng đọc với con, sau đó thảo luận về việc các nhân vật trong câu chuyện làm gì. Cảm giác có người hiểu mình và có một hình mẫu để noi theo sẽ giúp bọn trẻ vượt qua nỗi sợ hãi.

Cũng sẽ rất có ích nếu bạn chơi nhập vai với con về chính nỗi sợ của con: Bạn đóng vai cô giáo, rồi lại hoán đổi, cho bé làm cô giáo trong khi bạn sẽ đóng vai là bé ở trường.

“Nếu mình muốn đi tè thì biết làmsao?”

Không được đi nhà vệ sinh đúng lúc cũng là một cực hình với bé, khiến bé vô cùng lo lắng. Bởi thế, bố mẹ hãy cam đoan với bé rằng, chắc chắn có nhà vệ sinh ở ngay cạnh phòng học, và ngay cả khi nhà vệ sinh không nằm ở đó, thì cô giáo cũng sẽ giới thiệu với cả lớp toilet ở đâu ngay trong ngày đi học đầu tiên.

“Chuyện gì xảy ra nếu cô giáo hỏi mà mình không biết câu trả lời?”

Hãy cho con biết rằng con luôn có thể trả lởi rằng con không biết. Bạn hãy giúp con hiểu, công việc của cô giáo là giúp các bạn nhỏ học, và cô sẽ rất vui lòng giải thích những điều mà con chưa biết.

Chơi nhập vai trong trường hợp này cũng có ích. Bạn hãy đóng vai cô giáo, “gọi” con lên trả lời một câu hỏi “trước lớp”. Thử hỏi một câu mà con không biết hoặc không chắc chắn, sau đó tập cho con nói “con không biết câu trả lời” một cách bình tĩnh trong khi vẫn đang là trung tâm của sự chú ý.

“Chuyện gì xảy ra nếu bố mẹ không tới đón mình nữa?”

Là đứa trẻ duy nhất “còn sót lại” ở trường trong khi các bạn đã được đón về hết là điều khá kinh khủng trong suy nghĩ non nớt của trẻ. Bé sẽ thấy tủi thân, lo sợ, bé nhớ mẹ và mong muốn được về nhà.

Hãy đảm bảo với con rằng bạn sẽ có mặt ở trường để đón con đúng giờ, ngay khi vừa tan sở. Trường hợp không thể hoàn thành sớm công việc, hãy gọi điện nhờ ông bà, người thân tới đón con giúp bạn. Cam đoan với bé rằng chuyện đón muộn không thường xuyên xảy ra. Nếu có xảy ra, thì trường học là nơi an toàn và các cô giáo sẽ cùng chơi với con cho đến tận khi bố mẹ hay ông bà tới đón.

Cha mẹ nên làm gì khi con sợ đi học

Hãy thể hiện cho con biết bạn quan tâm đến con như thế nào

Nếu con của bạn đang lo lắng về trường học, hãy gửi đến con một lời nhắn đặt trong hộp cơm hoặc cặp sách của con. Củng cố khả năng giải quyết các vấn đề của con bằng cách cho con lời khuyên hoặc tâm sự với con. Trẻ con dễ bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của cha mẹ vì vậy bạn cần là một tấm gương về sự lạc quan và tự tin đối với con.

Bạn hãy giúp con hiểu rằng bất kỳ khi nào con bắt đầu làm một việc gì đó cảm giác bối rối, lo lắng là rất tự nhiên và chắc chắn rằng, mọi thứ sẽ dần bình thường một khi con đã quen được với bạn học, thầy cô và trường học. Cho con thấy rằng ngay cả cha mẹ cũng có khi phải lo lắng khi bắt đầu một công việc mới. Hãy kể cho con nghe những trải nghiệm của bạn để con có thể biết được bạn đã đối phó với những căng thẳng đó như thế nào.

Đừng tạo quá nhiều áp lực cho con

Nếu một vài ngày đầu tiên có chút khó khăn thì bạn cũng không nên ép buộc con. Trẻ nhỏ lúc ban đầu thường tỏ ra nhút nhát, lo lắng, tách biệt với các bạn nhưng những giáo viên có trình độ sư phạm sẽ có đủ khả năng giúp con bạn điều chỉnh những cảm giác đó.

Khi bạn đưa con đến trường, cố gắng không nấn ná ở lại trường cùng con. Trấn an tinh thần con rằng bạn rất yêu con, sẽ nhớ đến con cả ngày và sẽ đón con đúng giờ. Hãy duy trì sự bình tĩnh và suy nghĩ tích cực.

Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi do những vấn đề xảy ra với con trong những năm học trước

Những đứa trẻ có một khoảng thời gian khó khăn trong học tập, khả năng hòa nhập hoặc đã từng bị chọc ghẹo, bắt nạt thường nơm nớp cảm giác sợ hãi hoặc có xu hướng từ chối quay lại trường học. Nếu con bạn chưa sẵn sàng đến trường, hãy dành thời gian chia sẽ những mối lo lắng về trường học và giúp con biết cách làm thế nào để đối phó với những trường hợp xấu có thể phát sinh.

Bạn nên làm con yên tâm rằng những vấn đề tương tự ở trường cũ sẽ không xảy ra ở trường mới, và rằng bạn cũng như những người có trách nhiệm ở trường học sẽ cùng góp sức ngăn chặn những hành động xấu đó. Rèn luyện cho con khả năng giải quyết vấn đề.

Lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ đó là hãy giúp con vạch ra một vài chiến thuật hợp lý để ứng phó với những tình huống khó khăn mà con sẽ gặp phải. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải động viên con không sợ những lời đe dọa và khi vấn đề vẫn tiếp tục xảy ra con phải nói ngay với cha mẹ hoặc giáo viên. Bên cạnh đó, bạn cũng cần duy trì liên lạc với nhà trường để tiện trao đổi thông tin.

Sắp xếp hài hòa ngày học và ngày chơi

Cố gắng hòa đồng với cộng đồng xung quanh bằng cách tổ chức các buổi vui chơi cùng nhau với sự góp mặt của những người bạn mới có thể là bạn cùng lớp với con bạn trước ngày đến trường. Những buổi đi chơi chung này nên duy trì trong những tuần đầu bắt đầu năm học. Điều này sẽ giúp con bạn có những mối quan hệ xã hội tốt với những bạn cùng trang lứa.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy