Biết những gì mẹ cần ăn vào cơ thể khi mang bầu là một chuyện, nhưng làm thế nào để hấp thụ hết dinh dưỡng và nấu ăn an toàn lại là vấn đề vô cùng quan trọng khác. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu cần cố gắng ăn uống an toàn và hấp thụ đầy đủ dưỡng chất để thai nhi được phát triển tốt nhất.
Cũng theo các chuyên gia khoa sản, thời gian mang bầu, mẹ rất dễ nhiễm khuẩn từ thực phẩm như salmonella, listeria và toxoplasmosis… do nội tiết tố thay đổi làm hệ thống miễn dịch của chị em kém hiệu quả. Vì vậy, mẹ cần chú ý đến 4 quy tắc dưới đây để cả thai kỳ được khỏe mạnh.
Mẹ bầu cần chú ý quy tắc ăn chín, uống sôi với tất cả các loại thực phẩm để có thai kỳ an toàn nhất. |
Quy tắc làm lạnh
Việc bảo quản thực phẩm ở mức nhiệt độ 5 độ C sẽ khiến làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn có thể gây bệnh. Hãy nhớ rằng:
- Bỏ bất cứ thực phẩm gì bạn mới mua về hoặc cần bảo quản vào tủ lạnh ngay. Nếu đồ ăn đang nóng, chị em cần chờ thực phẩm nguội trước khi lưu trữ bởi nếu bảo quản ngay sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong tủ lạnh và ảnh hưởng đến những thực phẩm khác.
- Không ăn bất cứ đồ ăn nào đã bỏ từ tủ lạnh ra ngoài quá 2 giờ.
- Nên rã đông đồ đông lạnh bằng ngăn mát của tủ lạnh.
- Mỗi thực phẩm nên được bảo quản trong một túi đựng riêng.
Quy tắc nấu chín
Khi chế biến thức ăn, mẹ bầu cần chú ý:
- Nấu cho đến khi thực phẩm chín hoàn toàn, không được để tái, sống.
- Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh dù đã chín vẫn cần hâm nóng đều lại trước khi ăn.
- Không ăn trực tiếp đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra mà không được làm nóng.
Thực phẩm khi mua về cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để giảm nguy cơ vi khuẩn phát sinh. |
Quy tắc giữ vệ sinh
Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo nhau, các mẹ cần nhớ:
- Rửa tay kỹ trước khi nấu ăn.
- Đồ làm bếp cũng cần được rửa sạch, vệ sinh kỹ.
- Tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn bằng cách dùng thớt, dao riêng, không dùng chung thực phẩm sống, chín với nhau.
- Tránh những đồ ăn được chế biến bởi những người đang mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
Quy tắc kiểm tra nhãn mác
Thực phẩm quá hạn sử dụng có thể khiến mẹ bầu tăng nguy cơ mắc bệnh nhất là khi cơ thể mẹ đang rất nhạy cảm với các loại vi khuẩn.
Các loại thực phẩm mẹ bầu không nên ăn
Phomát chưa tiệt trùng
Phomát mềm làm bằng sữa chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn Listeria gây nguy hiểm thậm chí đe dọa đến tính mạng mẹ bầu và thai nhi. Chính vì vậy khi muốn ăn pho-mát, chị em nên chọn những loại được làm từ sữa đã tiệt trùng.
Thịt tái sống
Thịt sống hoặc chưa nấu chín được cho là chứa loại vi khuẩn toxoplasma gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi. Vì vậy, chị em bầu cần đảm bảo ăn thịt đã được nấu chín kỹ ở mức nhiệt độ cao.
Cẩn thận với nước ép tươi
Trái cây tươi trong các nhà hàng, quán bar có thể được lấy từ nông trại về và chưa được tiệt trùng để loại bỏ các loại vi khuẩn có hại như salmonella và E.coli. Trái cây mua ngoài tiệm cũng chưa được rửa sạch hoặc tiệt trùng. Chính vì vậy, tốt hơn cả các mẹ nên mua hoa quả về nhà, rửa sạch, tiệt trùng trước khi ép thành nước để thưởng thức. Nước trái cây được đóng lọ của những hãng uy tín cũng là một sự lựa chọn an toàn cho mẹ bầu.
Sushi
Chia buồn nếu bạn là fan của món sushi của đất nước mặt trời mọc. Mặc dù hải sản là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho mẹ bầu nhưng hải sản sống trong sushi có thể chứa ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên ăn hải sản đã được nấu chín.
Thịt muối
Thịt muối như chân giò muối được làm từ thịt tái sống có thể chứa vi khuẩn listeria, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy mẹ bầu nên hạn chế ăn thịt muối cũng như xúc xích. Nếu muốn ăn, chị em nên hấp lại ở mức nhiệt độ cao sau đó mới thưởng thức.
Rau quả chưa rửa
Trong rau quả chưa được rửa sạch có chứa vi khuẩn toxoplasma, cực kỳ nguy hiểm với thai nhi. Chính vì vậy việc rửa dưới vòi nước sạch các loại rau củ quả trước khi chế biến là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mẹ bầu.
Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không? (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Rất nhiều mẹ vẫn thắc mắc rằng "Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không?" dù đã được "cảnh báo" là không nên. |