Bão Biển: Nén nỗi đau trong bóng hình con trẻ (kỳ 1)

19:40, Thứ năm 21/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Đã mười sáu năm sau ngày cơn bão số 5 (còn gọi là Linda) ập vào Cà Mau, chúng tôi nhiều lần đến cửa biển Khánh Hội nhưng lần nào cũng vậy, vẫn cái cảm giác nhói lòng khi nghĩ đến hậu quả thiên tai kinh hoàng mà người dân gặp phải. Chỉ tính riêng cửa biển Khánh Hội đã có hơn 500 thanh niên nằm lại với biển. 16 năm, ngần ấy thời gian tưởng cũng đủ để bể hóa nương dâu. Vậy mà xóm vạn chài vẫn hun hút nỗi đau, chạy mãi tận trùng khơi, nơi biết bao người đàn ông vĩnh viễn nằm lại. Chỉ còn những phụ nữ đơn thân vượt cuồng phong vun vén cho sự hồi sinh: những đứa con trong mùa bão biển.

Mối tình của chàng ngư phủ nghèo

Trung tuần tháng 11-2013, chúng tôi tìm đến UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau). Tại đây đã có hàng chục người chờ nhận giấy giới thiệu làm chứng minh nhân dân (CMND). Khi đến lượt mình, thằng bé dáng gầy cao đưa cho cán bộ xã sổ hộ khẩu. “Cháu tên gì?”. “Dạ cháu là Nguyễn Bão Biển, sinh ngày 3-11-1997”. Nghe qua, vị cán bộ lặng người. Đã mười sáu năm kể từ khi cơn bão đi qua, Bão Biển trở thành một thiếu niên đang tìm  việc... “Con định làm xong CMND sẽ lên Sài Gòn kiếm việc làm. Ngoại nghèo, dì nghèo, mẹ làm thuê... Con là lớn nên phải tự bươn chải để giúp ngoại, giúp dì” - Bão Biển giải thích.

nan nhan bao

Quặn lòng trước vô số nạn nhân của bão 

Để đến được nhà của Bão Biển, chúng tôi phải thuê đò đi kinh Xáng Mới vào ấp 7 (thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh). Thấy cháu đi cùng khách lạ, bà Sáu Lanh - ngoại của Biển - vội ngừng tay lau tấm ảnh con rể. “Ngày mai là đám cúng cơm thằng Út. Năm nay, con Phương khó khăn không về được” - bà Sáu than thở. Năm nào cũng vậy, ngày giỗ anh Út chỉ có bà cháu quây quần bên mâm cơm đạm bạc để thắp nén nhang cho người vắn số. Kể chuyện đứa cháu ngoại, bà Sáu rơm rớm nước mắt. Là người dân cố cựu ở cửa biển Khánh Hội, bà cũng như bao người khác, cứ đầu tắt mặt tối trong việc mưu sinh. Dù chưa lâm cảnh thiếu đói nhưng mấy đứa con phải nghỉ học sớm để phụ mẹ kiếm cơm. Năm Nguyễn Thị Kiều Phương (SN 1979) 18 tuổi cũng là lúc Nguyễn Văn Út (SN 1977, quê huyện Thới Bình, Cà Mau) đến đây làm ngư phủ. Hàng ngày, Phương bán tạp hóa phụ giúp bà Sáu. Những lúc thuyền cập bến, Út đến làm quen và mối tình của đôi trẻ được hai gia đình chấp nhận.

Năm 1996, đám cưới nghèo được tổ chức, bà Sáu bàn với sui trai cho con rể sang Khánh Hội. Chị Phương buôn bán phụ giúp gia đình. Những lúc tàu cập bến, gia đình nhỏ của Phương đầy ắp tiếng cười. Biết vợ mang thai, hết con nước, Út chọn những cá tươi ngon mang về bồi dưỡng. Giữa tháng 10-1997, Út dặn vợ: “Em ở nhà đi đứng cẩn thận. Ráng xong con nước, kiếm chút tiền mua đồ cho đứa con sắp chào đời, anh đi chuyến này về sẽ nghỉ để phụ em lo cho con...”. Không ngờ đó là chuyến ra khơi định mệnh của Út, anh đã mãi mãi không về. Bà Sáu nhớ lại, Út đi biển khoảng một tuần, Phương có biểu hiện trở dạ.

Nan nhan bao

Người dân đổ xô ra bờ biển, chờ nhận diện thi thể người thân.

Đêm 31-10-1997 gió bắt đầu mạnh, trời đổ mưa liên tục, căn nhà cấp bốn lung lay theo chiều gió. Vừa mở đài nghe thông báo tin áp thấp nhiệt đới ở bờ biển Tây Nam, Phương đã hối thúc bà Sáu ra cửa biển xem tàu của chồng mình cập bến chưa. Trưa hôm sau, gió bắt đầu thổi mạnh. Tin dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Linda. Mặc trời mưa to gió lớn, Phương nhất định đòi ra cửa biển chờ chồng. Tối 2-11-1997, bão vào vùng biển Cà Mau, Bạc Liêu khiến Phương ngã quỵ. Tối 3-11-1997, trong cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy, Phương trở dạ. Bà Sáu đỡ đẻ cho con trong cơn bão dữ. “Nó sinh được một ngày là bồng con ra cửa biển chờ thằng Út. Mà nào có thấy gì đâu, chỉ có con sóng bạc đầu. Tội nghiệp, con vừa chào đời đã dồn dập bất hạnh. Biết không còn hy vọng chồng trở về, nó gạt nước mắt tìm xác nhưng lại thất vọng. Từ đó, nó đặt tên con là Nguyễn Bão Biển” - bà Sáu tâm sự.

Khi Bão Biển chập chững bước đi, Phương lên TPHCM tìm việc. Vài năm sau, cô đi bước nữa, gởi con cho bà Sáu nuôi. Bão Biển lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của ngoại và dì. Do gia đình nghèo khó, học hết lớp 5, Biển phải nghỉ. Sợ đứa cháu ngoại sẽ theo cái nghề nguy hiểm của cha, bà Sáu giục Biển đi làm CMND để lên TPHCM làm thuê kiếm sống.

Trở lại quê nhà

Lần giở cuốn sổ tay mười sáu năm về trước, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Thu Vân (SN 1977), nay chỉ là một khoảng đất trống cỏ dại mọc đầy. Trong sổ tay của tôi còn chi chít dòng chữ về những mảnh đời bất hạnh. “Chị Trần Thị Thu Vân, chồng mất lúc 21 tuổi, có hai con. Bé gái được hai tuổi, đang mang thai bé trai. Nhận được tin chồng chết, chị nhiều lần bất tỉnh. Trong lúc lê manh chiếu chờ chồng, chị trở dạ tại căn chòi rách nát. Con trai đặt tên là Dương Hận Bão”.

Nan nhan bao

Bia tưởng niệm các nạn nhân của bão Linda

Chị Oanh, hàng xóm của chị Vân, nhớ lại: “Khi xảy ra bão nhà sập, hàng xóm phải chặt cây bạch đàn cất nhà tạm cho Vân. Những lúc đêm về, Vân trải tấm chiếu manh khi đang bụng mang dạ chửa để đợi tin chồng. Lúc chuyển dạ, nó thét gào kêu hàng xóm thì con ra đời. Trong nỗi đau tột cùng, người mẹ tội nghiệp đặt tên con là Dương Hận Bão”. Vài năm sau, người thân đưa mẹ con Hận Bão trở về Miệt Thứ, Kiên Giang để thoát khỏi những ký ức kinh hoàng...     (Còn tiếp)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự