Dịch vụ chăm sóc người bệnh ngày Tết cho thu nhập khá cao lên đến 1.500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc này cũng đòi hỏi ở người lao động nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Nhận khoản lương cao nhưng công việc cũng không dễ
Bà Nguyễn Thị Vụ, 52 tuổi, quê ở Nam Định - người đang nhận chăm sóc cho một bệnh nhân mắc ung thư xương ở Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) - chia sẻ: “Công việc của tôi bắt đầu vào buổi sáng, dậy vệ sinh cho bệnh nhân, giúp họ ăn uống, làm theo các hướng dẫn của bác sĩ như: Đo nhiệt độ, hỗ trợ uống thuốc, tập vận động... Cũng có những hôm liên tiếp 2 - 3 ngày tôi ngủ rất ít".
Bà Vụ là người có thâm niên 6 năm trong nghề, dày dặn kinh nghiệm. Bà nắm rất rõ các chỉ số đo trên máy và theo dõi người bệnh qua máy. Khi máy báo hiệu có vấn đề, bà sẽ đi gọi bác sĩ trước tiên và sau đó mới gọi người nhà bệnh nhân. Chăm sóc cho người bệnh tai biến, bà tỉ mỉ trong từng thao tác. Khi cho người bệnh ăn bằng ống xông, bà làm thuần thục, khéo léo mà ngay cả người nhà bệnh nhân cũng khó thực hiện được.
Về mức lương của mình, bà Vụ cho biết: “Vất vả là thế nhưng tháng nào tôi cũng có khoảng 10 triệu đồng gửi về cho gia đình. Đối với người dân tỉnh lẻ, làm lụng vất vả, nhận được số tiền lương như vậy là rất lớn. Vào đợt cao điểm, hoặc những ngày Lễ, Tết tôi có thể nhận mức lương lên tới 1,5 triệu đồng/ngày".
Bà Vụ kể, nhiều khi bà chỉ ăn cơm nắm, muối vừng cho qua bữa, ngủ hành lang bệnh viện là chuyện bình thường. Từng chăm nhiều bệnh nhân, bà cũng cảm thấy rất vui khi có người khỏi bệnh. Không ít người thân của họ gửi lời cảm ơn và đến giờ vẫn giữ liên lạc với bà.
Trong một góc của phòng hồi sức, Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bà Đinh Thị Nhã đang chăm sóc cho một nam bệnh nhân ở độ tuổi ngoài 70 quê Hưng Yên, bị tai biến mạch máu não.
Để chăm sóc người bệnh đang đau đớn vì căn bạo bệnh và bỏ ăn, bà Nhã phải nhẹ nhàng vỗ về. Không chỉ vậy, bà cũng chỉ cho người nhà của một số bệnh nhân khác cùng phòng cách thay tã nhanh, đỡ tốn sức và cách đoán biết ý người bệnh…
Bà Nhã ở độ tuổi 60, đã về hưu, một biến cố gia đình năm 2019 khiến bà bén duyên với nghề chăm sóc người bệnh. Bà nói: “Nghề này không bao giờ sợ hết việc nếu làm tốt. Mức lương từ 500.000 đến 600.000 đồng/ngày giúp tôi trang trải nợ nần và các chi phí cho gia đình, đồng thời gắn bó với nghề mới sau khi nghỉ hưu".
Với bà Nhã, để có mức thu nhập trên cũng không hề dễ dàng, nhất là ở trường hợp phải chăm sóc các nam bệnh nhân cao lớn trong khi sức lực của bà hạn chế. Tuy vậy, bà cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Theo bà Nhã, công việc này không chỉ là mưu sinh, mà còn khiến bà thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn khi được chứng kiến thời khắc bệnh nhân trở nên khỏe mạnh, xuất viện về nhà.
"Chứng kiến nhiều người trải qua lằn ranh sinh tử, tưởng ra đi nhưng lại hồi phục kỳ diệu, trở lại cuộc sống bình thường, tôi thấy việc mình làm có ích, và là động lực để tôi tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân mới", bà Nhã trải lòng.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ngoài trường hợp có kinh nghiệm, nhiều người không nắm rõ tình trạng bệnh nên đôi lúc không cung cấp thông tin kịp thời cho bác sĩ. Mặt khác, nhiều người không có kiến thức và kỹ năng về tâm lý, nên thường cáu giận, chăm sóc qua loa, không động viên và bao dung với người ốm, khiến tinh thần bệnh nhân thêm sa sút.
Ngoài ra, đây là nghề tự phát, mỗi người một giá nên "cần có kiểm soát chặt chẽ hơn, bởi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng lâu dài", đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói.