Đa phần mọi người đều phải công nhận để nhớ những kiến thức lịch sử không phải là điều dễ dàng. Mỗi người đều có bí quyết học môn này khác nhau. Tuy vậy, cách học Sử mà sáng tạo và thú vị là lập hẳn Facebook cho vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trên giấy thì trước đó chưa hề có tiền lệ.
Theo như thông tin từ phía nhà trường báo chí đã đưa trước đó, đây là một sản phẩm của các bạn học sinh lớp 9G, trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) khi đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái) trong giờ Ngữ Văn của cô giáo Ngô Thu Giang.
Theo đó, các thông tin, kiến thức lịch sử trong bài được kết hợp một cách thú vị cùng với những chức năng quen thuộc của Facebook.
Cụ thể, Facebook này đã đưa được thông tin vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm 1753, là Hoàng Đế thứ hai nhà Tây Sơn, đến từ Nghệ An.
Dòng Timeline trong bức vẽ cũng tương ứng với các sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trong quá khứ. Thậm chí ở mỗi sự kiện như sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh diễn ra ngày 5 tháng Giêng năm 1789, người like là Quang Trung, còn Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống biểu hiện cảm xúc giận dữ.
Ngay cả những chi tiết nho nhỏ như phần bình luận cũng thể hiện sự gần gũi, ví dụ như Tướng 3 bình luận "Quân ta nhất định sẽ đại thắng".
Ngay sau khi bức ảnh lập Facebook cho vua Quang Trung được đăng tải trên một trang fanpage đã thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ của dân mạng. Ai cũng cho cách học lịch Sử này rất sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu và sắp xếp hợp lý. Điều này sẽ khiến việc học bộ môn này sẽ dễ nhớ và thú vị hơn.
Bạn Su bình luận: “Nhìn thì thấy muồn cười nhưng mình thấy học như thế này là sáng tạo ý chứ. Tại sao lại có câu "học mà chơi, chơi mà học"? Cách học này chính là câu trả lời đó. Vấn đề không phải là bạn học theo hình thức nào mà là kiến thức vào đầu bạn được bao nhiêu? Tại sao luôn phải thay đổi phương pháp học tập? Là để dễ tiếp thu hơn chứ sao.
Nếu sáng tạo như thế này khiến học sinh hứng thú hơn thì chả có lý do gì mà không áp dụng cả. Vừa mới mẻ mà có khi còn hiệu quả hơn kiểu lối mòn cũ rích mà chả hiệu quả kia. Mình thì ủng hộ việc sáng tạo các phương pháp học. Đừng lố lăng quá thì ổn rồi”.
My Nguyen lại nhận xét tỉ mỉ hơn: “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Quang Trung 1 like, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống để mặt giận dữ. Còn dòng status ghi kế hoạch xuất binh thì chỉnh sửa quyền riêng tư để cho danh sách lính phe mình xem thôi. Cẩn thận đến thế là cùng. Chăm chút đến từng chi tiết luôn, các em quá giỏi”.
Chan cũng hào hứng khen: “Mình nghĩ thế này rất sáng tạo. Thực chất đây cũng là kiểu ghi nhớ theo sơ đồ hình cây như lúc nhỏ mình học, chẳng qua là sinh động hơn một chút. Nếu bạn có học về mindmap, brainstorming thì sẽ hiểu tác dụng của nó, nhất là phần thêm hình ảnh minh họa.
Bản thân giao diện facebook đã có sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia về layout để hiển thị sao cho trực quan, cô đọng sự kiện nhất, vì vậy chỉ cần liếc nhìn một lần cũng nắm thông tin dễ dàng hơn”.