Thông tin báo chí ngày 15/9 cho hay, bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An vừa nội soi lấy ra từ thực quản nam bệnh nhân 53 tuổi ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Ông N. nhập viên vào ngày 8/9 trong tình trạng lo lắng, đau rát sau vùng xương ức, nuốt vướng và khó, bệnh nhân nhân N. cho biết trong lúc ăn bún buổi sáng thì ông vô tình nuốt trôi hàm răng giả vào thực quản. Sau đó, ông cố tìm cách lấy ra nhưng không thành công nên đã nhờ mọi người đưa đến Bệnh viện.
Theo thông tin từ báo chí, kết quả chụp X-quang cho thấy một hàm răng giả 6 chiếc răng đang mắc kẹt tại thực quản bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, bác sĩ đã nội soi và dùng dụng cụ lựa chiều xoay từ từ gắp thành công hàm răng giả này ra ngoài.
"Chúng tôi phải lựa chiều xoay từ từ gắp thành công hàm răng giả này ra ngoài, tránh tối đa những tổn thương niêm mạc thực quản", bác sĩ Tăng Xuân Hải - Trưởng khoa Tai Mũi Họng bệnh viện cho Trí thức trẻ biết.
Được biết, sau khi gắp thành công hàm răng giả ra ngoài, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiến triển tốt. Tuy vậy, do đau nên bệnh nhân được cho qua đường xông.
Qua đây, Bác sỹ Hải khuyến cáo, để tránh mắc phải dị vật, người dân nên thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, không ăn vội vàng, tránh nuốt sặc hay hít sặc. Với những người có răng giả thì càng nên cẩn trọng khi ăn, nhất là răng giả đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, bị lỏng chân, không bám chặt vào hàm và rơi ra rất nguy hiểm vì dễ lọt vào đường ăn và đường thở. Khi đã lỡ nuốt sặc hay hít sặc, thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Các chuyên gia về tai mũi họng thì dị vật đường ăn nhất là dị vật thực quản là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Thường nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...). Xương động vật ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn, đều là biến chứng nguy hiểm.
Sau khi bị hóc xương người bệnh thấy nuốt đau và khó, không ăn uống được. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương trong số 186 cas dị vật đường ăn có 17 cas áp xe trung thất có tỷ lệ tử vong là 50%. Dị vật đường ăn gây ra áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất do thủng thực quản thậm chí gây ra thủng động mạch chủ gây ra tử vong. Dị vật thực quản hay gặp nhất trong các dịp tết, hội hè, người lớn bị nhiều hơn trẻ em nguyên nhân do bất cẩn trong ăn uống.