Bò quanh nhà vờ được đi học
Đôi chân chị Hải (sinh năm 1981, Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị liệt sau cơn cảm biến chứng lúc còn lẫm chẫm tập đi. Nó còi cọc, yếu ớt khiến chị luôn phải bò khi làm bất cứ công việc gì. Chị bắt đầu nhận thức rõ sự thiệt thòi khi trẻ con trong xóm chạy nhảy, rồi đi học trong khi mình chỉ biết bò quanh nhà làm mọi việc, từ nấu nướng, giặt giũ đến chăm sóc những đứa em cùng cha khác mẹ.
Thèm được đến trường, chị từng làm chiếc cặp khung tre dán giấy, quai đeo bằng dây chuối, bò quanh nhà giả vờ được đi học như bạn bè.
Cô giáo Thanh ở gần nhà cảm thương, vận động bố mẹ cho chị đi học và đưa đón hàng ngày. Thế là Hải vào lớp 1 khi tròn 9 tuổi.
Chị Hải bị liệt chân từ nhỏ nhưng nhờ nghị lực phi thường, giờ, chị đã tìm được hạnh phúc. |
Ba năm tiểu học cũng là ba năm cô Thanh đưa đi đón về. Nếu không có cô, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác”, chị Hải nhắc đến cô giáo tiểu học với lòng biết ơn vô hạn.
Hết tiểu học, cô giáo không thể đưa đón do trường cấp hai ở xa nhà. Nhìn sự bất lực của cha và sự ghẻ lạnh của người dì, chị đành nuốt nước mắt nghỉ học.
Năm 16 tuổi, được cô Thanh tặng cho chiếc xe lăn, Hải xuống thành phố, ngược xuôi giữa các bến xe, nhà ga để bán hàng rong và đêm về lại ngủ ở xóm trọ với những người cùng cảnh ngộ.
Được hơn một năm, Hải đi học nghề may rồi về quê ở Dân Lý, Triệu Sơn, mở tiệm. Công việc ổn định nhưng thu nhập chưa cao, chị quay sang buôn bán các mặt hàng, từ chiếc tất của trẻ sơ sinh đến khăn mặt... Lúc đầu chỉ loanh quanh trong huyện, sau sang các vùng lân cận.
Dành dụm mua được chiếc xe ba bánh, chị đi xa hơn, ngược lên tận miền núi Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa. Hầu như vùng nào của tỉnh Thanh chị đều từng đi.
Có lần lên tận Cẩm Thủy, xe của Hải bị chết máy giữa nơi đồng không mông quạnh. Chị không làm gì được, đành ngồi yên chờ xem có ai đi qua không thì nhờ giúp. Cứ chờ mãi từ 14h chiều tới gần nửa đêm giữa trời mưa phùn gió bấc, vừa mệt vừa đói, may sao có chiếc xe công nông chạy ngược chiều đến, chị được người ta giúp đưa về nhà tá túc.
Năm 2009, chị đã gặp được người yêu thương và kết hôn. Nói về người phụ nữ của cuộc đời, chồng chị, anh Chung, mỉm cười: “Khâm phục lắm. Không khâm phục sao được khi cô ấy đã nghị lực từ bé”.
5 lần trốn viện để giữ con
Với chiều cao khiêm tốn chỉ 1,2 m, nặng 32kg trông chị Quách Thị Nghĩa (Lang Chánh, Thanh Hóa) không khác gì một đứa trẻ mặc dù chị đã đến cái tuổi tứ tuần.
Chị là con út trong gia đình có 4 chị em gái. Trong khi các chị khỏe mạnh bình thường thì chị Nghĩa lại mang khuôn mặt xấu xí và có chiếc lưng gù to tướng.
Để được làm mẹ, chị Quách Nghị Nghĩa đã phải quỳ xuống van xin và chịu những trận đòn. |
Dù hình hài không được như mọi người nhưng chị vẫn biết yêu thương và ước mơ được làm mẹ, được ôm trong vòng tay đứa con của mình, xinh xắn và thơm mùi sữa. Vậy nên chị đã giấu giếm gia đình để có được một đứa con.
Khi mang thai đến tháng thứ 3 thì bí mật của chị bị phát hiện. Cả dòng họ đã xúm vào mắng nhiếc và yêu cầu chị phải bỏ con bằng mọi giá. Mặc cho chị Nghĩa quỳ xuống van xin, gia đình vẫn áp tải chị tới bệnh viện để bỏ thai.
Đã có lúc chị định buông xuôi, muốn tự vẫn để mẹ con được bên nhau “nhưng nghĩ lại thấy tội nghiệp đứa con. Thương đứa con bé bỏng sẽ phải chết khi chỉ mới biết quẫy đạp trong bụng mẹ. Cuộc đời tôi chẳng có gì đáng tiếc cả, nhưng đứa trẻ trong bụng đâu có tội tình gì", chị buồn tủi phân trần.
Nghĩ đến đấy chị lại cố gắng chịu đựng và quyết tâm giữ bằng được đứa con. Lần nào bị ép đi phá thai chị cũng tìm mọi cách để trốn, hoặc gào khóc kêu đau bụng… Cứ như vậy tới khi con chị ở tháng thứ 6, bác sĩ cho biết nếu can thiệp, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của mẹ. Lúc đó chị quỳ xuống ôm lấy chân mẹ van lơn, cuối cùng mẹ chị cũng đành phải gật đầu. Giây phút ấy chị vui mừng, hạnh phúc mà hai hàng nước mắt chảy dài.
Những khó khăn mà chị vừa trải qua mới chỉ bắt đầu, bởi trước khi sinh bác sĩ nhận định, sức khỏe của chị quá yếu, khó có thể tiến hành phẫu thật và khả năng cứu được cả hai mẹ con là rất ít. Mặc dù vậy chị vẫn bất chấp tất cả, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình để đứa con chào đời.
May mắn đã mỉm cười với chị. Giờ đây con gái chị đã 14 tuổi. Cô bé đã cao hơn mẹ 1 cái đầu. Ngồi nghe mẹ kể lại quãng thời gian liều lĩnh, vất vả để đổi lại sự có mặt của em trên cõi đời này, cô bé nắm lấy tay mẹ mắt rơm rớm cảm động.
Nghị lực phi thường của Á hậu Vầng trăng khuyết
Nguyễn Thị Hậu sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng lên 5 tuổi, một cơn bệnh đã ập xuống và sau khi được cứu sống thì đôi chân của Hậu không thể đi lại được nữa.
Lớn lên, cô được bố mẹ hướng cho trở thành thợ may. Thời gian đầu làm bạn với chiếc máy khâu, Hậu đã khóc và thất vọng rất nhiều vì đôi chân khó tự kiểm soát mỗi khi sử dụng mô tơ điện. Nhưng cô đã quyết tâm hơn với phương châm học nghề để không thành người vô dụng. Cuối cùng, sau bao lần khóc vì đau, chân chảy máu, Hậu đã sử dụng thành thạo máy khâu và mở cửa hàng riêng.
Được 2 năm, cô quyết định ra Hà Nội học thêm với ý nghĩ: “Còn trẻ là còn có cơ hội. Cuộc sống không đơn giản như những gì con người ta mong đợi, nó vẫn mãi là thế giới muôn màu muôn vẻ. Bản thân tôi phải tìm ra một con đường đúng đắn cho riêng mình”. Khi đó, cô mới 20 tuổi.
Tuy nhiên, khi Hậu cùng anh trai đi tìm việc ở nhiều cửa hàng lớn nhỏ thì không ai nhận, với lý do cô là người khuyết tật. Lúc đó, cô đã khóc nghẹn ngào nhưng rồi lai tiếp tục công cuộc kiếm sống và chiến đấu với số phận của mình.
Để làm chủ được chiếc máy khâu, Á hậu Vầng trăng khuyết Nguyễn Thị Hậu, đã phải đã phải tập đạp chân tới tóe máu. |
Hậu từng mở cửa hàng may riêng rồi bán sim thẻ điện thoại… Cô từng gặp những thất bại, bị lừa mất hết vống liếng… nhưng rồi Hậu tự an ủi lòng mình, ở đâu chẳng có người tốt kẻ xấu, tình yêu, tiền bạc, sự hận thù và mọi cám dỗ luôn xoay quanh đời sống con người. Vậy là Hậu lại đứng lên.
Sau 4 năm miệt mài học và làm tại Hà Nội, Hậu lại tiếp tục con đường học tập. Giờ đây, cô đang là sinh viên khoa Dược, trường CĐ Y tế Phú Thọ.
Tháng 5 vừa rồi, cô đoạt Á hậu cuộc thi nhan sắc dành cho người khuyết tật. Trong cuộc thi này, khi được hỏi tại sao lại trở lại học hành khi tuổi không còn trẻ, Hậu trả lời với cô, học không bao giờ là muộn.
Hậu đang rất hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, bởi giờ đây, có người chồng luôn yêu thương, chia sẻ mọi khó khăn bên cô. Họ sẽ cùng chào đón thiên thần nhỏ của mình ra đời vào năm sau.
Tuy nhiên, 3 trường hợp trên chỉ là số ít trong những người phụ nữ khuyết tật giành được hạnh phúc. Theo công bố của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, trong số những người khuyết tật kết hôn, có đến 70% là nam giới, phụ nữ chỉ chiếm 20%. TS Lê Bạch Dương (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho biết sự kỳ thị và phân biệt đối xử của gia đình và cộng đồng là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra khó khăn cho người khuyết tật trong hôn nhân. Thực tế là nhiều người, kể cả chính những người khuyết tật cho rằng, kết hôn với người khuyết tật là không thể hoặc cho đó là điều không may mắn. Chính cách nghĩ này đã khiến nhiều người khuyết tật không có ý định kết hôn, đặc biệt là nữ. TS Lê Bạch Dương cho rằng, người khuyết tật cần được giúp đỡ những dịch vụ về tư vấn cho người khuyết tật, được tham gia vào các câu lạc bộ người khuyết tật, được hỗ trợ về điều trị y tế và đặc biệt là sự cảm thông và khích lệ từ gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, những chính sách về dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật cần được đẩy mạnh và có những hoạt động can thiệp hiệu quả, bền vững. |