1. Khi co dạ con
Khi mang thai ở thời điểm sắp sinh, dạ con to như chiếc thùng cỡ 5-10 lít. Khi sinh xong, mẹ có thể sờ thấy một khối cứng ở dưới rốn (thường bằng quả bưởi), đó chính là dạ con chưa thể co hồi lại như ban đầu. Thường sau khoảng 21 ngày, muộn nhất là 1 tháng, dạ con sẽ co lại như bình thường (nếu mổ phải mất nhiều thời gian hơn).
Nếu dạ con không co chặt lại thì rất dễ gây băng huyết, rong máu. Để tránh điều này, phụ nữ nên đi lại nhẹ nhàng và cho con bú để kích thích sự co bóp.
Nếu âm đạo đau nhức có thể dùng nước đá chườm trong thời gian vài ngày sau sinh. Nếu vẫn không khỏi thì phải báo cho bác sĩ.
2. Khi ra sản dịch
Thường trong giờ đầu sau sinh, lượng sản dịch chảy ra có thể lên tới 100 ml nên bạn cần phải đóng bỉm to, những ngày sau đó nên dùng băng vệ sinh bình thường và thường xuyên thay, rửa. Nếu thấy lượng máu ra quá nhiều, quá nhanh (như tè dầm), mẹ cần báo ngay cho bác sĩ bởi có thể đó là dấu hiệu băng huyết.
Ngược lại, nếu sinh xong, mẹ thấy rất ít hoặc không có sản dịch cũng cần lưu ý bởi có thể đã không thoát được dịch, tử cung khó co lại, dễ gây nhiễm trùng hậu sản, có người còn nhiễm trùng huyết, phải mổ thắt dạ con.
Sau khi sinh cơ quan sinh dục của người phụ nữ rất mẫn cảm và còn đang trong giai đoạn hồi phục nên cần được chú ý giữ vệ sinh chăm sóc thật kỹ.
Các mẹ sau khi sinh nên mặc quần rộng vải bông và mang băng vệ sinh. Thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh viêm nhiễm.
3. Vệ sinh sau khi sinh
Sau sinh, các bà mẹ cũng cần chú ý đến vết khâu tầng sinh môn bằng cách rửa sạch, giữ khô, nếu dùng dung dịch vệ sinh nên dùng loại có bọt nhẹ nhàng, có thể dùng máy sấy hỗ trợ việc làm khô.
Nếu sau 4 ngày mà không thấy giảm đau, nhức nhối thì có thể là mẹ bị dị ứng chỉ khâu, nên đến bác sĩ để được cắt chỉ sớm hoặc xử lý nếu bị nhiễm trùng. Thường sau một tuần, vết khâu tầng sinh môn sẽ liền hẳn.
Trong trường hợp bị bí tiểu, sản phụ có thể chườm nóng, tắm nước nóng, day ở vùng xương mu, xoa nắn bụng…hoặc xoa bụng dưới.
Chỉ nên dùng nước ấm, sạch để vệ sinh, không nên dùng nước muối hay dung dịch vệ sinh phụ nữ, cũng không được thụt rửa âm đạo trong giai đoạn này.
Nên uống nhiều nước để giảm nồng độ nước tiểu và tránh táo bón. Sau khi đi vệ sinh nên dùng nước rửa sạch sau đó lau khô. Cũng không nên tiếp xúc quá nhiều với nước vì môi trường ẩm ướt cũng dễ bị viêm nhiễm.
Tùy cơ thể từng người, mẹ có thể tắm gội sau vài ngày sinh nhưng không nên tắm bồn. Nếu cảm thấy mệt thì không nên tắm gội cùng một lúc và chớ đứng cúi lom khom sẽ dễ gây chóng mặt, ngã qụy.
Nếu bị rạch tầng sinh môn thì cần kiểm tra lại vết may xem có sưng nề, bầm tím, tụ máu, có mủ… hay không và làm thuốc 3 lần mỗi ngày bằng thuốc sát trùng.
4. Luyện tập để phục hồi vùng kín sau sinh
Phụ nữ ngay khi sinh xong có thể tập khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này bằng cách: Khi hít vào thì co khít cơ âm đạo, từ từ thở ra đồng thời giãn cơ hoặc tập khi đang đi tiểu bằng cách nhịn lại 1-2 giây rồi thả ra, lặp lại vài lần.